Từ khi thành lập, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lâm Đồng đã phát huy tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nhân, doanh nghiệp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước, trở thành diễn đàn bổ ích để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi và giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, góp phần cùng chính quyền địa phương làm tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp (DN) ở Lâm Đồng đã không ngừng nỗ lực, cố gắng phục hồi sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đầu tư phát triển. Theo đó, Hội Doanh nhân trẻ Lâm Đồng đã có nhiều chương trình kết nối, đào tạo, tập huấn, hỗ trợ hội viên phát triển; tham gia các chương trình đối thoại giữa chính quyền và DN, các đợt xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; đồng thời, tích cực trong các chương trình công tác xã hội, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đa dạng hình thức kết nối, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp hội viên đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ trong và ngoài nước; tích cực hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp góp phần xây dựng cộng đồng DN, doanh nhân tỉnh ngày càng hùng mạnh.
Nhằm thúc đẩy và tăng cường sự tham gia của các doanh nhân trẻ Lâm Đồng vào quá trình xây dựng và hoàn thiện môi trường kinh doanh, Hội cũng tham gia Chương trình “Xây dựng quan hệ đối tác, đối thoại doanh nhân trẻ với khu vực hành chính công”, ký kết văn bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ với các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, thành lập “Ban cố vấn hỗ trợ doanh nghiệp” cho Hội là các lãnh đạo sở, ban, ngành, nhằm hỗ trợ DN trong quá trình hoạt động và sản xuất, kinh doanh, giao lưu, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để giúp đỡ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hội còn là “cầu nối” để các DN thành viên được giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều chương trình giao lưu, xúc tiến đầu tư với các tỉnh Vũng Tàu, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh... đã mở ra nhiều cơ hội cho DN các tỉnh, qua đó học tập những ý tưởng, cách làm hay; cam kết hỗ trợ nhau trong tìm kiếm đối tác, cơ hội đầu tư, sử dụng hàng hóa của nhau trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh. Hội còn tạo điều kiện để các doanh nhân trẻ giao lưu với lãnh đạo tỉnh, tiếp cận với các cơ hội xúc tiến đầu tư, kinh doanh, phát triển thị trường trong và ngoài tỉnh. Tại đây, các doanh nhân có thể nắm bắt, tìm hiểu về các chính sách ưu đãi, kêu gọi đầu tư của địa phương, từ đó có những lựa chọn phù hợp trong hoạt động kinh doanh của DN…
“Vấn đề quan tâm lớn nhất hiện nay của DN là làm sao tiếp cận được nguồn vốn”, ông Phạm Nguyễn Ngọc Duy - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lâm Đồng cho biết. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc đẩy mạnh hỗ trợ về vốn được ví như “liều thuốc” giúp DN từng bước phục hồi. Nguồn vốn cũng chính là mạch máu duy trì và phát triển DN, để tiếp tục đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Phải khẳng định vốn là yếu tố quan trọng hàng đầu của sản xuất, tuy nhiên, vốn có từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó, vốn từ ngân hàng chỉ là một kênh. Theo Ông Nguyễn Đinh Ngọc Đức - Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Lâm Đồng, trong 6 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cung ứng thêm vốn tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Để tiếp cận thuận lợi nguồn vốn, các DN cần minh bạch hơn về tình hình tài chính; chuẩn bị phương án sản xuất, kinh doanh khả thi để các tổ chức tín dụng có thể chấp nhận được; đề nghị các cấp chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, từ đó các DN có cơ hội hơn trong tiếp cận vốn.
Với vai trò cầu nối, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giao lưu học hỏi, tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ cho hội viên. Đa dạng hình thức kết nối, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại giúp DN hội viên đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ trong và ngoài nước; tích cực hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp góp phần xây dựng cộng đồng DN, doanh nhân tỉnh ngày càng hùng mạnh.
Để DN ổn định sản xuất, kinh doanh và phát triển cả về lượng và chất, thì yếu tố về vốn cần được khai thông… Với việc triển khai thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển DN nhỏ và vừa; tạo môi trường đầu tư và kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thông thoáng và thuận lợi, tỉnh Lâm Đồng đang đặt ra mục tiêu tạo cơ hội để các DN nhỏ và vừa nói riêng và các hiệp hội, hội doanh nhân nói chung phát triển nhanh và bền vững, đóng góp cho sự phát triển của kinh tế - xã hội của tỉnh.
http://baolamdong.vn/