Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Lâm Đồng: Đánh thức tiềm năng du lịch trên cao nguyên Djiring

  • 29/08/2023
  • s 10:15

Vùng đất Djiring trước đây hay tên gọi Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) ngày nay sở hữu những tiềm năng, lợi thế to lớn để xây dựng và phát triển các loại hình du lịch đặc thù như du lịch sinh thái kết hợp tham quan và nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - thể thao - dã ngoại, du lịch khám phá bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa…

Huyện Di Linh  sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch

Nhiều lợi thế

Djirinh vốn là cái tên nguyên thủy của vùng đất Di Linh, đây được cho là tên của một chủ làng đã có công lập nên buôn làng. Trong một số giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, địa danh này còn là trung tâm hành chính của tỉnh Đồng Nai Thượng trước đây. Ngày nay, Di Linh là một huyện nằm giữa hai trung tâm kinh tế lớn nhất của tỉnh là TP. Đà Lạt Và TP. Bảo Lộc. Về hướng Đông - Nam giáp tỉnh Bình Thuận, hướng Tây - BắcTây giáp tỉnh Đắk Nông. Huyện sở hữu hai tuyến quốc lộ quan trọng là QL 20 và 28 đi qua địa bàn. Ngoài ra, còn có dự án đường cao tốc Dầu Dây - Đà Lạt đi qua đang được xây dựng, khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, kết nối các tuyến du lịch với khu vực khác trong và ngoài tỉnh.

Di Linh được biết đến là địa phương có khí hậu mát mẻ, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp cùng bản sắc văn hóa đa dạng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, trải nghiệm, sinh thái, cộng đồng…

Toàn huyện có độ cao trung bình khoảng 1.000m so với mặt nước biển khiến Di Linh có nền khí hậu ôn hòa quanh năm. Điều đó cực kỳ thuận lợi để phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, Với địa hình đa dạng như đồi dốc, thung lũng, ao hồ, sông suối, thác ghềnh đã tạo nên rất nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp cho địa phương như thác Bobla, Liliang, hồ KaLa, núi Brăh Yàng…tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, dã ngoại, trải nghiệm, mạo hiểm.

Du lịch cộng đồng là một thế mạnh của địa phương

Huyện Di Linh cũng chính là địa bàn tập trung đông đảo các các dân tộc gốc Tây Nguyên sinh sống như Cơ Ho, Mạ, Chu Ru… với hơn 40% tổng dân số toàn huyện, trong đó người Cơ Ho chiếm tỉ lệ lệ cao nhất với khoảng 37%. Chính vì thế, Di Linh được xem như là cái nôi văn hóa của người dân tộc Cơ Ho với những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán đậm bản sắc và vô cùng đa dạng vẫn còn gìn giữ rất tốt cho đến tận ngày nay như duy trì chế độ mẫu hệ, dựng nhà sàn để ở, tổ chức các lễ hội truyền thống hàng năm như lễ Mừng lúa mới, lễ bắt chồng, lễ đâm trâu… cùng với đó các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát cũng được duy trì và phát triển đến tận ngày nay. Đặc biệt, nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng tại đây cũng là một phần nằm trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2005. Đó là điều kiện không thể thuận lợi hơn để tận dụng nhằm phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm văn hóa, cộng đồng.

Bên cạnh đó, trên nền đất Bazan màu mỡ, huyện đã tập trung phát triển canh tác cây cà phê, đến nay Di Linh được xem là “thủ phủ cà phê” của Lâm Đồng với diện tích trồng hơn 45.000 ha. Sản phẩm cà phê nhân Di Linh đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu từ năm 2008 và đã có nhiều sản phẩm cà phê rang xay đạt chất lượng cao. Bên cạnh đó, một số cây trồng nổi tiếng khác như sầu riêng, bơ, chè, rau, hoa cũng hiện hữu khá nhiều tại đây tạo thuận lợi để phát triển các mô hình du lịch canh nông.

Thác Bobla, một trong những thắng cảnh đẹp và nổi tiếng của huyện

Đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững

Tuy có nhiều lợi thế để phát triển đa dạng các loại hình du lịch trên địa bàn, nhưng thực tế cho đến nay đa số những lợi thế này chỉ đang dừng lại ở mức tiềm năng hoặc đầu tư khai thác chưa thực sự hiệu quả để tạo ra sự bứt phá, từng bước đưa du lịch trở thành một ngành quan trọng trong cơ cấu ngành kinh tế của huyện.

Ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết, mặc dù huyện có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch nhưng do một số nguyên nhân mà đến nay ngành Du lịch địa phương chưa thể vươn mình được. Có thể kể đến như thiếu hụt nguồn ngân sách đầu tư cho phát triển du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kết nối giữa các địa phương trong huyện còn chưa được đồng bộ, nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và yếu, thu hút đầu tư chưa thực sự hiệu quả, thiếu những nhà đầu tư tầm cỡ. Bên cạnh đó, đại Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong những năm vừa qua cũng góp phần hạn chế sự phát triển du lịch địa phương.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, đồng thời phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển du lịch, đầu năm 2023 chính quyền huyện Li Linh đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch huyện Di Linh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng, hiệu quả.

Phấn đấu đến năm 2030, Di Linh sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn 

Kế hoạch xác định các mục tiêu đưa Di Linh trở thành “điểm đến” của tỉnh Lâm Đồng, đưa du lịch trở thành “điểm nhấn” của huyện Di Linh. Các giải pháp được đưa ra gồm: thực hiện tốt cơ chế, chính sách về phát triển du lịch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho phát triển du lịch; Phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ phục vụ phát triển du lịch gắn với phát triển thương mại - dịch vụ tại các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn huyện; Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có giá trị cao và tăng trải nghiệm cho du khách dựa trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường, giữ gìn cảnh quan; Đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong ngành du lịch; Phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch, nhân lực chất lượng cao, bảo đảm yêu cầu về số lượng và chất lượng; Phát triển du lịch theo hướng bền vững đi đôi với việc bảo tồn, phát huy các  giá trị bản sắc văn hóa các vùng miền, các dân tộc, kết hợp với việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan và môi trường.

“Huyện Di Linh phấn đấu đến năm 2025 lượng khách du lịch đăng ký lưu trú tăng bình quân 7-8%/năm; trong đó khách quốc tế chiếm từ 3-4% tổng lượng khách qua lưu trú. Tập trung hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác một số dự án đã chấp thuận đầu tư, hoàn thành việc quy hoạch, kêu gọi đầu tư và triển khai đầu tư một số dự án du lịch thuộc danh mục thu hút đầu tư của huyện và của tỉnh trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ thực hiện quy hoạch một số khu vực có tiềm năng để thu hút phát triển các dự án du lịch chất lượng cao. Đến năm 2030, Di Linh sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Ngành Du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, phát triển theo hướng chất lượng cao và bền vững”, ông Nhuần cho biết thêm.

 Báo Văn hóa Điện tử - baovanhoa.com.vn - Đăng ngày 28/8/2023

Thành Khiêm