Dư địa còn rất lớn, tiềm năng còn rất nhiều, tuy nhiên, sự phát triển và quy mô nền kinh tế của Gia Lai và Kon Tum vẫn ở mức thấp. Quyết liệt, sớm triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị sẽ là đòn bẩy để giúp cho tiểu vùng Bắc Tây Nguyên có được sự phát triển tương xứng.
• BÀI HỌC Ở PỜ Y
Kon Tum nằm ở vị trí chiến lược Ngã ba Đông Dương, vùng lõi khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, có cửa khẩu quốc tế Bờ Y với rất nhiều tiềm năng to lớn về phát triển nông nghiệp, năng lượng, du lịch, bề dày văn hóa, lịch sử lâu đời và truyền thống cách mạng.
Tuy nhiên, quy mô kinh tế của Kon Tum còn hạn chế, tốc độ phát triển chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng, chỉ xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố và xếp cuối cùng của khu vực Tây Nguyên. Các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính tuy được cải thiện nhưng vẫn thuộc nhóm trung bình của cả nước.
Xác định được tầm quan trọng của Nghị quyết 23, ngay sau khi Chương trình hành động của Chính phủ được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã sớm triển khai việc thực hiện, đưa Nghị quyết gắn với đời sống của người dân. Đặc biệt là những khu vực dân cư có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn biên giới.
Tinh thần “trên dưới đồng lòng” theo chỉ đạo của Tổng Bí thư đã được thấy rõ trong câu chuyện phát triển ở Pờ Y - một xã vùng biên nơi có Ngã ba Đông Dương với cột mốc biên giới của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Đây là minh chứng sống động cho câu chuyện thành công khi sớm đưa Nghị quyết của các cấp vào cuộc sống.
Bí thư Đảng ủy xã Pờ Y - Nguyễn Tài Thu là một cán bộ trẻ tâm huyết, tận tụy với công việc, được huyện tăng cường về cơ sở. Thành tựu lớn nhất mà anh luôn tự hào đó chính là cùng với Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây đồng lòng, nỗ lực biến Pờ Y từ một xã nghèo thuộc diện 30a có sự “lột xác” ngoạn mục chỉ trong một thời gian ngắn khi cán đích nông thôn mới vào năm 2019 với các tiêu chí tưởng chừng như không thể hoàn thành.
Đưa cho chúng tôi Chương trình hành động của Ban Thường vụ Đảng ủy xã thực hiện Nghị quyết số 23 ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị được ban hành vào ngày 12/4/2023 rồi nói vui: “Nghị quyết 23 về đây từ rất sớm rồi!”. Không để ý nhiều lắm đến những con số, mục tiêu, chỉ tiêu của xã đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, chỉ thấy rằng sự chi tiết, kỹ lưỡng trong phần nhiệm vụ giải pháp có lẽ chính là nguyên nhân để Pờ Y có được sự đổi thay kỳ diệu như thực tại. Tất cả các nhiệm vụ, từ tuyên truyền đến phát triển kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân đều được gắn liền với giải pháp, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và đặc biệt được ghi rõ nội dung giao trực tiếp cho các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy xã phụ trách, triển khai thực hiện. Một điều không dễ gặp ở những bản báo cáo của các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ở Pờ Y có thôn Đắk Mế, nơi cư trú của 173 hộ với 588 khẩu người dân tộc Brâu. Tổ tiên của người Brâu cư trú ở vùng Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Người Brâu có mối liên hệ vô cùng khăng khít với người dân ở Lào, Campuchia dọc đường biên giới thuộc tỉnh KonTum. Những năm qua, tỉnh Kon Tum, huyện Ngọc Hồi và xã Pờ Y luôn có chính sách quan tâm phát triển cho bà con người Brâu, cuộc sống đồng bào Brâu đã và đang thay đổi tốt đẹp hơn, văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy. Và Dự án Xây dựng “làng văn hóa cộng đồng kiểu mẫu” của tỉnh Kon Tum được thực hiện cũng với mục đích đó. Dự án này gắn chặt với việc phát triển và bảo tồn văn hóa dân tộc Brâu gắn với sự ổn định ở vùng biên giới.
Ông Thao Lợi - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Đắk Mế, nói rằng: Không chỉ có Nàng Xô Vi (Đại biểu quốc hội đầu tiên của người Brâu) mà cả bà Y Pan - Người uy tín của dân tộc Brâu, các đảng viên nơi này mà toàn thể người Brâu nói chung đều tin tưởng chủ trương, đường lối của Đảng, an tâm phát triển sản xuất xây dựng quê hương.
Cũng như với người Brâu ở Pờ Y, Nghị quyết 23 cũng thấm sâu đến những chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum. Họ cụ thể Nghị quyết bằng việc thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: bảo vệ an ninh biên giới, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc và thắt chặt tình hữu nghị quốc phòng biên giới. Điều đó đã góp phần đặc biệt quan trọng trong việc duy trì sự ổn định biên giới - nền tảng cho sự phát triển không chỉ của riêng Kon Tum mà của toàn Tây Nguyên và cả nước.
• ĐỂ NGHỊ QUYẾT SỚM ĐI VÀO CUỘC SỐNG CỦA TÂY NGUYÊN
“Dư địa còn rất lớn, việc tăng trưởng 9% đến 10% trong những năm tiếp theo không phải là mục tiêu khó”, TS. Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế đã nhận định như vậy khi nói về tương lai phát triển của Gia Lai. Dù là vùng đất đầy tiềm năng, nhưng trong nhiều năm qua, thế mạnh của Gia Lai chưa được khai mở một cách tổng thể và hiệu quả. Gia Lai vẫn ở mức độ phát triển trung bình so với cả nước.
Một trong những mục tiêu quan trọng trong Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị xây dựng lộ trình cho Tây Nguyên trong tương lai chính là vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn. Trong đó, tiểu vùng Bắc Tây Nguyên bao gồm: Gia Lai và Kon Tum có đầy đủ những tiềm năng để chuyển hóa thành thế mạnh, đó là phát triển năng lượng tái tạo.
Tình đến thời điểm hiện tại, đã có 176 dự án điện mặt trời, điện gió được các nhà đầu tư quan tâm đăng kí tại Gia Lai, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 720.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn của Gia Lai và không phải ngẫu nhiên mà các nhà đầu tư lại tìm đến với địa phương này. Chỉ tính riêng 16 dự án điện gió đang được triển khai xây dựng với tổng công suất 1.142 MW, Gia Lai đã thu hút được một nguồn lực đầu tư đáng kể với hơn 40.000 tỷ đồng.
Lĩnh vực năng lượng tái tạo đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng của Gia Lai. Trong năm 2021, dù dịch COVID-19 gây nhiều khó khăn nhưng thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt hơn 7.880 tỷ đồng, đạt 156,15% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó, riêng khoản thu từ các công trình điện gió đã đạt trên 2.100 tỷ đồng.
Tỉnh Gia Lai cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu thu hút và đưa vào hoạt động mới về các dự án năng lượng tái tạo trên 3.000MW-3.500MW, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng trên 156.000 tỷ đồng.
Đến năm 2030, Gia Lai đặt mục tiêu thu hút 1.500 MW điện năng lượng tái tạo, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới để góp phần cung cấp năng lượng điện quốc gia, đáp ứng cho các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Gia Lai sẽ thu hút, tạo các điều kiện cho nhà đầu tư khởi công đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành thêm các nhà máy thủy điện, điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời nổi, điện gió, điện sinh khối. Phát triển đồng bộ lưới điện truyền tải và phân phối trên địa bàn tỉnh, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương và truyền tải công suất hỗ trợ cho các địa phương khác khi thiếu nguồn.
Để thoát ra khỏi “vỏ kén”, tạo sự đột phá, Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu phát triển, đó là tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất năng lực, uy tín, ngang tầm với nhu cầu công việc. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển công nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch. Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tăng tưởng kinh tế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2030, trở thành vùng kinh tế động lực của Tây Nguyên, có vị thế quan trọng trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Theo đó, tỉnh Gia Lai cần có những định hướng quy hoạch bài bản, mang tính đột phá. Đồng thời, tạo ra được sự phát triển hài hòa, không đánh đổi sự phát triển bằng mọi giá, nhất là đánh đổi môi trường, thứ tài sản quý giá nhất của Gia Lai nói riêng và của cả Tây Nguyên nói chung.
Dù đã có những sự đổi thay, tuy nhiên có một mẫu số chung không chỉ của Gia Lai, mà còn của tất cả các tỉnh Tây Nguyên trong việc tạo ra sự đột phá, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng đó là cơ chế, chính sách còn hạn hẹp và thụ động, không quyết liệt triển khai sớm các Nghị quyết.
Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị là kết tinh trí tuệ của tập thể, của Trung ương Đảng, của Chính phủ. Đó không đơn thuần là những chủ trương được quyết sách trên bàn nghị sự, đó còn là tình cảm của Nhân dân cả nước hướng về Tây Nguyên với những tình cảm tốt đẹp nhất, tập trung nguồn lực tạo ra sự thay đổi thực sự cho vùng đất Tây Nguyên. Và theo quan điểm của Nghị quyết, các tỉnh Tây Nguyên cần phải sớm triển khai thực hiện sau khi Chính phủ ban hành chương trình hành động để sớm đưa Nghị quyết và cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, cụ thể là Gia Lai mãi đến ngày 19/7, tức là gần 9 tháng sau khi chương trình hành động của Chính phủ ban hành, Tỉnh ủy Gia Lai mới thực hiện.
Để Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước như mục tiêu của Nghị quyết 23 hướng đến, các địa phương trong vùng cần đề cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, vươn lên bằng sức mạnh nội sinh, bằng tình yêu quê hương; không trông chờ, ỷ lại, không ngừng đổi mới sáng tạo, tận dụng hiệu quả tiềm năng khác biệt, lợi thế để so sánh, thu hút và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Đặc biệt, cần phải chủ động, quyết liệt, sớm đưa Nghị quyết gắn với hơi thở của cuộc sống, đó mới là chìa khóa quan trọng để mở ra những cánh cửa thành công, tạo động lực cho sự phát triển bền vững.
Trong tất cả những lần làm việc với các tỉnh Tây Nguyên, định hướng về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao trùm cho các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều yêu cầu: “Phải rà soát lại các mục tiêu, yêu cầu, nhiêm vụ tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển Tây Nguyên, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả để năm sau cao hơn năm trước và phấn đấu vượt các mục tiêu đề ra”.
Cần phải khẳng định, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị chính là thời cơ và vận hội để Tây Nguyên nắm bắt, không được bỏ lỡ. Sự quyết liệt phấn đấu hoàn thành từng mục tiêu cụ thể là nhiệm vụ bắt buộc, bởi đích đến trong giai đoạn đầu tiên vào năm 2030 không còn xa. Gia Lai, Kon Tum và tất cả các tỉnh Tây Nguyên đều phải hành động theo đúng với quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhắc nhở trước đây: “Điều quan trọng lúc này là đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, là tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết có hiệu quả. Làm sao để khắc phục được tình trạng nghị quyết thì đúng, thì hay, nhưng chậm đi vào cuộc sống; thậm chí có trường hợp nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít”.
(CÒN NỮA)