Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học, công nghệ để giảm dần diện tích nhà kính

  • 22/11/2023
  • s 15:20

(LĐ online) - Sáng 21/11, Hội Nông dân tỉnh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học, công nghệ để triển khai thực hiện Quyết định số 178/QĐ-UBND ngày 30/01/2023 của UBND tỉnh”.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Đại diện hộ nông dân, nhiều ngành liên quan, nhà khoa học, tổ chức tín dụng đã tham gia hội thảo, mang tới nhiều vấn đề cần giải quyết.

Phát biều đề dẫn hội thảo, ông Bùi Văn Hùng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, Quyết định số 178/QĐ-UBND ngày 30/01/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc “Phê duyệt Đề án Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” đang trong quá trình triển khai. Hội Nông dân cũng như các cơ quan liên quan, các nông hộ đang ngồi với nhau, bàn bạc thêm nhiều giải pháp để thực hiện Quyết định, đồng thời vẫn đảm bảo thu nhập ổn định cho người nông dân.  

Hội Nông dân thành phố Đà Lạt, địa phương có diện tích nhà kính lớn cho biết, cuối năm 2022, diện tích nhà kính trên địa bàn thành phố là 2.907 ha. Đà Lạt đang triển khai đồng bộ các giải pháp để quản lý, kiểm soát nhà kính tại các khu vực nội ô với mục tiêu đến năm 2030, giảm dần, tiến đến không còn diện tích nhà kính ở nội ô thành phố. Vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp cao sẽ tập trung vào các xã ngoại ô, vùng ven, giảm dần diện tích nhà kính trong khu vực nội thị.

Tuy nhiên, Hội Nông dân thành phố cũng chia sẻ tâm tư của nông dân. Đó là sau khi giảm diện tích nhà kính, nông dân sẽ trồng thay thế cây trồng nào, quy trình canh tác ra sao, tiêu thụ như thế nào… để đáp ứng được thu nhập, ổn định đời sống. Nếu không giải quyết được vấn đề chuyển đổi cây trồng hiệu quả cho người nông dân, vấn đề giảm diện tích nhà kính sẽ gặp nhiều khó khăn.

Có quan điểm tương tự, ông Phan Thanh Sang - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho biết, người trồng hoa hiện gặp nhiều khó khăn. Khó khăn từ biến đổi khí hậu, từ dịch bệnh, từ cạnh tranh của các quốc gia lân cận… Ông Sang cho biết, Hiệp hội Hoa đã có đề xuất với UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét một số nội dung như sớm phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đai trên địa bàn và có kế hoạch cụ thể từng năm giảm thiểu nhà kính tại từng phường; mong muốn có chính sách đồng bộ để đồng hành cùng người trồng hoa, từ thay đổi, nhập khẩu giống mới, nghiên cứu quy trình canh tác, hỗ trợ kinh phí chuyển đổi… để người trồng hoa có thể thực hiện canh tác ngoài trời.

Với việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu, Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho biết, Hiệp hội chú trọng hợp tác quốc tế với các Hiệp hội chuyên ngành về hoa, nông nghiệp công nghệ cao, các công ty đa quốc gia có truyền thống hàng trăm năm để tiếp cận giống mới…, mang về những giống hoa có triển vọng mở rộng. Đồng thời, Hiệp hội đồng hành cùng người trồng hoa phát triển ngành hoa theo hướng tiếp cận đa ngành, chú trọng hợp tác chặt chẽ với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công thương, Hội Nông dân các cấp, Trung tâm Nông nghiệp các huyện… để người trồng hoa có cơ hội hợp tác, hỗ trợ tốt nhất.

Các ý kiến trong Hội thảo đề nêu bật những khó khăn của người nông dân cũng như các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện giảm dần diện tích nhà kính, nhà màng. Chủ yếu nhất vẫn là làm cách nào để có những giống cây trồng thích ứng với việc canh tác ngoài trời, xây dựng quy trình canh tác, thay đổi thói quen canh tác, thói quen sử dụng nông sản của cộng đồng… để người nông dân có thể đảm bảo đời sống.

Đà Lạt giảm dần diện tích nhà kính sản xuất nông nghiệp

Đà Lạt giảm dần diện tích nhà kính sản xuất nông nghiệp

Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chia sẻ, việc thực hiện Quyết định 178 còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp tới hàng ngàn nông hộ. Từ năm 1994, khi nông dân Đà Lạt bắt đầu làm quen với canh tác nhà kính, quy trình trồng trọt gắn liền với các loại rau, hoa nhà kính và để quay trở lại canh tác ngoài trời còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang cùng các cơ quan, chính quyền địa phương tiếp tục tháo gỡ, cùng nông dân canh tác nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng Đà Lạt xanh - sạch - đẹp và trù phú.

D.QUỲNH