(LĐ online) - Ngày 22/6/2024, tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần thứ I năm 2024. Chương trình do Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Nguyễn Thái Học, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Trần Đình Văn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp chủ trì. Tham dự Chương trình có 40 đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư đang có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở ngành, Hiệp hội, huyện/thành trong tỉnh…
Quang cảnh Hội nghị đối thoại doanh nghiệp |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Nguyễn Thái Học, thẳng thắn nhận định: Trong thời gian vừa qua, mặc dù tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều thành tựu; nhưng cũng có nhiều khó khăn, thử thách, mà các doanh nghiệp đang ngồi đây là thấu hiểu nhất. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong hoạt động của các doanh nghiệp cũng như môi trường đầu tư của tỉnh Lâm Đồng là những sai phạm, khuyết điểm của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng...
Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Nguyễn Thái Học phát biểu khai mạc và chỉ đạo tại Hội nghị |
Ngày mai (23/6), sẽ diễn ra Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng. Mặc dù chương trình chỉ diễn ra trong buổi sáng, nhưng có rất nhiều việc phải làm, nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư cũng như thu hút đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng. Vì vậy, tỉnh tổ chức chương trình gặp gỡ chiều nay để trao đổi, nhìn nhận về những thuận lợi, khó khăn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; và, ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, một cách trân trọng, cởi mở, để những khó khăn của các doanh nghiệp mà tỉnh giải quyết được thì sẽ giải quyết; nếu không đúng thẩm thẩm sẽ nghiên cứu và có văn bản chuyển lên các cấp bộ ngành. Đồng thời, các trao đổi, đề xuất, phản ánh của doanh nghiệp cũng là dịp để lãnh đạo tỉnh và các sở ngành thấy rõ hơn trách nhiệm của mình…
Ông Tôn Thiện San – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng trình bày báo cáo tình hình KT-XH của tỉnh trong 6 tháng qua |
Báo cáo khái quát về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng, do ông Tôn Thiện San - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trình bày, cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội đã đạt được một số kết quả tích cực trên các lĩnh vực, như: tăng trưởng khách du lịch 12,2% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước có nhiều nỗ lực và chuyển biến tích cực trong giai đoạn giữa năm; doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và số vốn đăng ký, doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công được đặc biệt chú trọng,triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp ngay từ đầu năm; tập trung giải quyết công tác bồi thường giải phóng mặt bằng…
Lãnh đạo các sở ngành, địa phương tham dự Hội nghị |
Tuy nhiên, tỉnh có nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới, trong nước và trong tỉnh. Bên cạnh đó, thời tiết không thuận lợi, hạn hán kéo dài, lượng nước dự trữ trong các hồ đập thủy điện không đảm bảo dẫn đến công nghiệp sản xuất và phân phối điện đạt thấp, ảnh hưởng đến ngành công nghiệp (tăng trưởng âm 0,42%), hoạt động sản xuất nông nghiệp (tăng trưởng thấp 3,13%); dẫn đến hoạt động đầu tư xây dựng giảm sút (ngành Xây dựng tăng trưởng âm 4,88%).
Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham dự Hội nghị |
Có nhiều nguyên nhân khác, do: Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số sở, ngành, địa phương có lúc, có nơi còn chưa nghiêm, chưa chấp hành nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành; đặc biệt là chưa kịp thời xây dựng kế hoạch, lộ trình, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách,…
Bà Phạm Thị Thu Cúc (Công ty TNHH Rừng Hoa Bạch Cúc - huyện Lạc Dương), kiến nghị gia hạn đất để tiếp tục thực hiện dự án du lịch canh nông |
Công tác phân tích, đánh giá, dự báo tình hình của một số sở, ban, ngành và địa phương còn chậm; Công tác lập các quy hoạch trên địa bàn tỉnh tuy có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng vẫn chậm so với yêu cầu đặt ra, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý quy hoạch, thu hút đầu tư, khơi thông và phát huy nguồn lực trên địa bàn tỉnh; Công tác phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư chưa kịp thời; Công tác giám sát đầu tư chưa được quan tâm đúng mức, chưa kịp thời xử lý các dự án chậm tiến độ, chưa quyết liệt trong xử các dự án chậm tiến độ, vi phạm quy định về đất đai, lâm nghiệp…
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ (Công ty CP đua ngựa Thiên Mã, huyện Đạ Huoai): Dự án thực hiện 20 năm mà chưa mở cửa được do vướng chính sách |
Ngoài ra, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến chậm tham mưu hoặc nội dung tham mưu chung chung, không rõ ràng, gây trì trệ, giảm hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được phân công…
Ông Tưởng Hữu Lộc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng – Đà Lạt, kiến nghị các chính sách phát triển du lịch có tiềm năng của Lâm Đồng |
Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp ghi nhận ý kiến của 12 đại diện doanh nghiệp, với các ý kiến từ việc khi địa phương (huyện, thành) công bố quy hoạch đã làm thay đổi mục đích sử dụng đất trước đó của doanh nghiệp, hoặc chồng lấn ranh giới, dẫn đến doanh nghiệp không thể tiếp tục đầu tư. Nhiều doanh nghiệp không kịp đầu tư, không đủ năng lực đầu tư theo tiến độ sau khi đại dịch Covid kết thúc đề xuất gia hạn quyền sử dụng đất để được tiếp tục đầu tư. Các doanh nghiệp khác kiến nghị về các quy định cấp phép khai thác khoáng sản, sử dụng nguồn nước, chính sách tín dụng, chi phí xử lý rác, chính sách phát triển du lịch đặc thù của Lâm Đồng...
Ông Huỳnh Ngọc Hải - Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường, giải đáp kiến nghị của doanh nghiệp |
Mặc dù chỉ có 12 doanh nghiệp trình bày ý kiến chắc chắn là chưa đầy đủ và chưa thể đại diện cho hơn 10 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Nhưng, những ý kiến nêu trên có thể đang là bức xúc của rất nhiều doanh nghiệp… Nhiều lãnh đạo sở ngành và địa phương đã trao đổi thông tin, giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp về chính sách, quy định của pháp luật, chủ trương đầu tư của tỉnh… Đặc biệt, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường là lãnh đạo sở ngành phải đăng đàn trả lời doanh nghiệp nhiều nhất, bởi nhiều kiến nghị về các vướng mắc liên quan đến đất đai, quy hoạch sử dụng đất, khai thác khoáng sản…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc trả lời doanh nghiệp về các quy định theo Luật Đất đai, Luật Khai thác khoáng sản… |
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp cảm ơn 12 đại diện doanh nghiệp đã có ý kiến thẳng thắn. Quá trình điều hành các hoạt động của UBND tỉnh, ông hiểu những khó khăn không chỉ của doanh nghiệp mà còn của cơ quan Nhà nước. Hệ thống chế tài pháp luật còn nhiều nội dung mà sở ngành và doanh nghiệp cần phải đối chiếu để thực hiện cho phù hợp; có những quy định pháp luật đã thay đổi chưa kịp nắm bắt; các quy hoạch quốc gia, vùng miền cần kết nối với nhau…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp kết luận các nội dung Hội nghị |
Do đó, các vấn đề khó khăn phải giải quyết cần hết sức linh hoạt. UBND tỉnh xin tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp vẫn có trường hợp né tránh, đùn đẩy. Vì vậy, sắp tới, UBND tỉnh sẽ làm việc từng trường hợp cụ thể, sẽ giải quyết trong thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn cho từng doanh nghiệp. Những trường hợp muốn khắc phục, nhưng không thể khắc phục thì sẽ nghiên cứu kỹ để có cách xử lý cho từng doanh nghiệp…
Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thái Học trân trọng ghi nhận những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, cũng như niềm tin yêu của doanh nghiệp khi đầu tư vào Lâm Đồng. Ông khẳng định: Trong chặng đường sắp tới, tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các địa phương khác không thể nào thiếu vắng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tỉnh Lâm Đồng cũng luôn phấn đấu để có được môi trường đầu tư công khai, minh bạch, hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật…
Tinh thần thẳng thắn, nhưng cởi mở và cầu thị của lãnh đạo tỉnh trong Hội nghị được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận |
Quyền Bí thư Tỉnh uỷ đưa ra 3 quyết định mà chính quyền Lâm Đồng quyết tâm thống nhất và cam kết đồng hành với doanh nghiệp từ trong nhận thức đến hành động, là: Làm theo quy định của pháp luật, tôn trọng cái đúng, tôn trọng luật pháp; không né tránh, đùn đẩy, không dám làm trong bộ phận cán bộ chính quyền; thực hiện Chỉ thị 34-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về 3 điều nên làm và 4 điều nên tránh… Ông Học cũng yêu cầu các cấp chính quyền không để doanh nghiệp chờ đợi quá lâu, không trả lời lạnh lùng là dự án chưa được phê duyệt, các cơ quan phải phối hợp với nhau. Chính quyền phải làm việc với các bên liên quan, xem xét đề xuất của doanh nghiệp…