Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Trải nghiệm quy trình loài ong làm mật

  • 09/08/2024
  • s 10:12

Để tăng lượng mật ong tiêu thụ hàng ngày, hộ nuôi ong Bùi Quốc Hải (sinh năm 1991) đã xây dựng điểm tham quan, trải nghiệm quy trình xây tổ, hút mật hoa, lá của loài ong Ý đã được thuần hóa ở xã Tà Nung, TP Đà Lạt, thu hút lượng khách du lịch đáng kể đến từ nhiều vùng trong nước và nước ngoài.

Khách du lịch tiếp xúc với đàn ong của Dalat Bee Farm tại Tổ 1, Thôn 6, xã Tà Nung, TP Đà Lạt

Khách du lịch tiếp xúc với đàn ong của Dalat Bee Farm tại Tổ 1, Thôn 6, xã Tà Nung, TP Đà Lạt

Đến đầu tháng 8/2024, Nông trại Ong - Dalat Bee Farm thuộc địa phận Tổ 1, Thôn 6, xã Tà Nung, TP Đà Lạt tọa lạc bên đường nhựa lớn kết nối với các tuyến du lịch sinh thái đang phát triển đa dạng nơi này, ngày cao điểm tiếp đón đến 10 đoàn khách, mỗi đoàn từ 5 - 40 người. Khách vào cửa tự do, được nhân viên nông trại đưa chiếc mũ bảo hộ đội lên đầu với tấm lưới mùng phủ kín xuống đến ngực áo. Bước vào sau cánh cửa mở ra không gian 2.000 m2 ngập đầy hoa, lá, những đàn ong cần mẫn chen chúc hút mật bay về từng chiếc cầu xây tổ trong từng thùng ong. Chủ nông trại Bùi Quốc Hải và nhân viên nông trại, mỗi người hướng dẫn một đoàn khách du lịch đến bên thùng ong mô tả trực tiếp về đặc tính của toàn bộ đàn ong, về chức năng, vai trò của từng con ong chúa, ong đực và ong thợ, thời gian khoảng 10 phút. “Trong một tổ ong, con ong thợ làm tất cả mọi việc từ bay ra ngoài vườn cây khắp nơi để hút mật hoa, mật lá, thụ phấn cây trồng đến trở về tổ làm mật, chăm sóc ấu trùng, bảo vệ và nuôi ong chúa. Ong chúa mỗi tổ có một con, bản năng đẻ trên dưới 1.000 trứng mỗi ngày để duy trì số lượng đàn ong. Ong đực chiếm số lượng rất ít trong đàn ong, chỉ làm việc giao phối mỗi ngày với ong chúa để duy trì nòi giống…”, nhân viên Nông trại Ong - Dalat Bee Farm thuyết minh.

Theo đó, tại môi trường sinh thái Nông trại Ong - Dalat Bee Farm, vòng đời của con ong chúa có thể tồn tại từ 3 - 5 năm; vòng đời ong thợ và ong đực từ 40 - 45 ngày. Nhấc lên từng cầu ong tiếp xúc cận cảnh với khách du lịch, nhân viên nông trại giới thiệu phần lớn con ong thợ làm việc phủ kín trong tổ có màu nâu vàng. Chìm lẫn vào trong đám đông ong thợ có một con ong chúa màu nâu sẫm. Và con ong đực chiếm tỷ lệ rất ít có màu nâu đen. Chủ nông trại Bùi Quốc Hải cho biết, có 2 loại thùng ong nuôi và tiếp xúc với khách hàng tại nông trại gồm thùng ong 1 tầng (8 - 10 cầu ong) và thùng ong 2 tầng (16 - 20 thùng ong). Thời gian ong thợ đi ra ngoài hút mật hoa, lá, đưa về tổ kết tinh thành mật ong với tổng thời gian trên dưới 15 ngày. Riêng sữa ong chúa thu hoạch 5 ngày một lần qua việc tách nuôi ấu trùng vào trong các hàng ô nhựa nhỏ. 

“Trong nông trại được phủ xanh các loại cây ăn trái như mít, ổi, xoài, lựu, mãng cầu, bơ; các loại hoa vàng, hoa mua, cúc họa mi, ngũ sắc, đinh hương, giâm bụt, oải hương…Tổng số 50 thùng ong Ý đang nuôi lấy mật và phục vụ tiếp xúc khách tham quan trải nghiệm tại nông trại. Cứ 3 - 4 tháng đưa 50 thùng ong Ý mới về nông trại thay thế 50 ong Ý cũ vận chuyển ra ngoài tỉnh Lâm Đồng đi lấy mật hoa, lá…”, chủ nông trại Bùi Quốc Hải thông tin. Cụ thể trong thời điểm tháng 8 năm 2024, hộ anh Bùi Quốc Hải cùng những người thân thuộc trong đại gia đình đang đưa đàn ong Ý 400 thùng tỏa đi hút mật và thụ phấn hoa thanh long tại các khu vực chuyên canh tại tỉnh Bình Thuận. Các mùa còn lại đưa con ong Ý lấy mật các loại hoa, lá hàng năm gồm: Hoa cà phê trong tỉnh từ tháng 1 đến tháng 3; hoa, lá cây điều, tràm, chôm chôm, cao su trong và ngoài tỉnh từ tháng 4 đến tháng 7. Mỗi đợt đưa ong đi lấy mật với thời gian khoảng 1 tháng, tổng sản lượng mật ong thu hoạch hàng tháng khoảng 1.000 kg. Trong đó thị trường giá mật ong hoa cà phê trong tỉnh Lâm Đồng cao hơn giá mật ong hoa các loại khác ngoài tỉnh Lâm Đồng.

Tính ra đã 5 năm lập Nông trại Ong - Dalat Bee Farm tại Tổ 1, Thôn 6, xã Tà Nung, TP Đà Lạt, chủ nhân Bùi Quốc Hải nhận định rằng, nông trại đã góp phần tạo ra các dòng sản phẩm mật ong thương hiệu phố hoa Đà Lạt cho theo nhu cầu khách du lịch làm quà đặc sản trong mỗi chuyến đi. Qua đó, giúp du khách và người sản xuất địa phương nhận biết sâu hơn giá trị của sản phẩm mật ong về phòng, chữa bệnh, về bảo vệ sự cân bằng sinh thái trong thiên nhiên đa dạng giống loài thực vật. Bùi Quốc Hải chia sẻ: “Bắt đầu trình diễn 5 thùng ong từ năm 2019, đến nay, nông trại bố trí thường xuyên 50 thùng ong tiếp xúc với khách hàng. Kết quả đã tiêu thụ nhanh hơn sản lượng mật ong từ 20% năm 2019 tăng lên 50% năm 2024…”.

VĂN VIỆT