Huyện Di Linh nằm ở phía Nam tỉnh Lâm Đồng, là điểm giao nhau của Quốc lộ 20, Quốc lộ 28 và một số tỉnh lộ đi qua nên rất thuận lợi trong việc giao thương hàng hóa với các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ. Chính vì vậy, huyện Di Linh có lợi thế trong giao lưu kinh tế và hội đủ điều kiện để phát triển thành điểm phân phối, lưu thông hàng hóa, là điểm kết nối với các đầu mối kinh tế, thương mại, dịch vụ.
Để khai thác tiềm năng và lợi thế vốn có của huyện nhà, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện đã xây dựng kế hoạch sản xuất, liên kết kinh doanh bài bản; hình thành nên nhiều chuỗi liên kết giá trị mới, với giá trị gia tăng cao, tạo ra nhiều sản phẩm tốt đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đến nay, trên địa bàn huyện Di Linh có 495 doanh nghiệp, hợp tác xã và 3.981 hộ kinh doanh.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền và các cơ quan trong hệ thống chính trị của huyện luôn xác định: “Sự phát triển kinh tế - xã hội luôn có sự đóng góp vô cùng to lớn của các doanh nghiệp. Tình hình kinh tế - xã hội ổn định trên các lĩnh vực trong nhiều năm là có sự đóng góp lớn của các doanh nghiệp. Vì vậy, phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động”. Trong thời qua, nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện: thành lập Tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, phân công cho các cơ quan chuyên môn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính, ban hành Chương trình quảng bá hình ảnh, thu hút đầu tư, hỗ trợ kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm,…
Để cụ thể hóa quan điểm đồng hành cùng doanh nghiệp và triển khai thực hiện Chương trình hành động số 689/CTr-UBND ngày 27/01/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thực hiện hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 206/QĐ-UBND ngày 28/01/2022 UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thành lập Tổ công tác đối thoại và giải quyết kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ngày 04/8/2022, UBND huyện Di Linh tổ chức Hội nghị đối thoại, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp với sự tham dự của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Hội nghị nhận được sự quan tâm và tham dự trực tiếp của trên 95 doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại trên địa bàn huyện. Đây là hoạt động thể hiện sự chủ động, tích cực trong việc hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp. Tại Hội nghị, lãnh đạo UBND huyện Di Linh và các cơ quan chuyên môn của huyện đã giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề: mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, đầu tư hạ tầng tại các vùng sản xuất, hỗ trợ cấp giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư, hỗ trợ vốn, hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính,… Theo đồng chí Đinh Văn Tuấn, Bí thư Huyện uỷ Di Linh, để cùng nhau phát triển, sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước là chưa đủ; do đó, cần phải có sự nỗ lực và đồng hành từ 2 phía, đồng chí mong muốn: mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã, mỗi cơ quan, đơn vị hãy quyết tâm và có khát vọng làm giàu, phát triển đơn vị, cơ quan mình đi lên, trở thành vùng kinh tế trọng điểm thứ 4 của tỉnh… với tinh thần “Thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành và phát triển”.
Các nội dung kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, đã được lãnh đạo huyện chia sẽ, tháo gỡ, giải đáp tại Hội nghị. Hầu hết các doanh nghiệp đều hài lòng và có kế hoạch để duy trì và mở rộng quy mô sản xuất tại địa phương. Đây là hoạt động cần được nhân rộng và tổ chức thường xuyên tại các địa phương trong tỉnh./.
Văn Sanh - TIPC Lâm Đồng.