Với thế mạnh về kinh tế nông nghiệp cùng những chính sách sát thực tiễn, Đà Lạt đã có những bước phát triển vượt bậc về quy mô, năng suất, giá trị, thu nhập trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Có thể khẳng định, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 03 đã cho thấy chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo động lực để bà con nông dân đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất theo chủ trương chung và góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Bài 1: Khi nghị quyết ban hành trúng và đúng
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Lạt khóa XI xác định chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những chương trình trọng tâm, là khâu đột phá, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Qua triển khai thực hiện Nghị quyết 03 ngày 14/9/2016 của Thành ủy Đà Lạt về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Lạt, giai đoạn 2016 - 2020, góp phần đáng kể thúc đẩy tăng trưởng ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố.
Đồng chí Trần Duy Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đà Lạt, Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh: Việc thực hiện Nghị quyết 03 đã góp phần nâng cao trình độ ứng dụng khoa học công nghệ trong canh tác, tăng thu nhập của người nông dân; góp phần tăng cường hợp tác liên kết giữa các thành phần kinh tế để hỗ trợ kinh tế hộ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Qua quá trình triển khai thực hiện đã thúc đẩy tăng tỷ trọng dịch vụ nông nghiệp trong tổng giá trị ngành nông nghiệp, tạo ra sản phẩm dịch vụ mới, đặc biệt là dịch vụ du lịch canh nông.
Kết quả cụ thể, qua triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp của Nghị quyết, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tăng; sản xuất nông nghiệp đã được quy hoạch chi tiết với quy mô lớn và mang tính hàng hóa cao, các doanh nghiệp và người dân đã chủ động đầu tư phát triển sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Xây dựng và đề nghị công nhận các vùng sản xuất, doanh nghiệp đạt tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, phát huy vai trò nòng cốt của doanh nghiệp trong việc liên kết với các thành phần kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất, chế biến gắn với vùng nguyên liệu; xây dựng thành công các chỉ dẫn địa lý cho nông sản thế mạnh, quan tâm công tác quảng bá xúc tiến nhãn hiệu để nhãn hiệu trở thành thương hiệu đặc biệt là nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, đây là hướng đi quan trọng và đã khẳng định được giá trị thương hiệu nông sản trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, trước khi ban hành Nghị quyết số 03, ngành Nông nghiệp của thành phố phát triển chưa đồng bộ, đặc biệt là trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thương hiệu nông sản đã được tạo lập nhưng hiệu quả chưa rõ nét; hoạt động thu gom và xử lý bao, gói thuốc bảo vệ thực vật chưa được quan tâm triển khai thực hiện; các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chưa được hình thành; các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng…
Thực hiện Nghị quyết số 03, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra, cụ thể: giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy theo giá hiện hành đạt 4.346,5 tỷ đồng (NQ 4.346 tỷ đồng); trong đó, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm 85% (đạt 3.703 tỷ đồng) tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt (NQ 75 – 80%). Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 6.730 ha, chiếm trên 62,9% diện tích đất canh tác (NQ 6.825 ha - 7.350 ha, chiếm 65 - 70%).
Năm 2020, thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích đạt 400 triệu đồng/ha/năm, Nghị quyết đề ra là 350 triệu đồng/ha/năm. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên một đơn vị diện tích đạt 950 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm; một số mô hình canh tác hoa cao cấp có giá trị thu hoạch từ 2,5 - 3 tỷ đồng/ha/năm như: hoa lily, hoa địa lan.
Về cây rau, năm 2020, diện tích gieo trồng rau đạt 12.057 ha (tăng 23% so với năm 2015), sản lượng 450 ngàn tấn; tổng diện tích canh tác rau ứng dụng công nghệ cao 3.115 ha. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên một đơn vị diện tích 780 triệu/ha/năm; một số mô hình canh tác rau cao cấp có giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân từ 1 - 1,2 tỷ đồng/ha/năm (rau thủy canh, rau theo quy trình VietGap, GlobalGap). Một số loại cây khác như: chè, cà phê, dâu tây... cũng có những kết quả đáng ghi nhận.
Nhiều mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ đạt hiệu quả cao như: Công ty Đà Lạt Hasfarm, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Rừng Hoa, Công ty Kim Bằng, HTX Anh Đào, HTX Tân Tiến, Công ty Đà Lạt GAP… doanh thu đạt từ 1 - 3 tỷ đồng/ha... Diện tích rau sản xuất theo quy trình VietGAP được chứng nhận là 940 ha. Diện tích cây hàng năm áp dụng mô hình tưới tự động, tưới nhỏ giọt đạt 90%/tổng diện tích đất canh tác. Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây trồng với 43 cơ sở nuôi cấy mô thực vật, tạo nguồn giống sạch bệnh để gieo, ươm cung cấp thị trường hàng năm khoảng 11 tỷ cây giống. Sản lượng rau xuất khẩu đạt 1.460 tấn (0,5%/tổng sản lượng), hoa xuất khẩu đạt 113,28 triệu cành (5,67% /tổng sản lượng) trong khi Nghị quyết đề ra là từ 15 - 20% tổng sản lượng.
Đến nay, thành phố Đà Lạt đã xây dựng 3 vùng sản xuất đạt tiêu chí vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng trồng hoa Vạn Thành, Phường 5 diện tích 150 ha; vùng canh tác hoa Thái Phiên, Phường 12 diện tích 158,26 ha; đang đề xuất công nhận vùng canh tác rau Lộc Quý, xã Xuân Thọ 255,16 ha.
Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất tiếp tục được các cơ quan, đơn vị, cơ quan nghiên cứu và các doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động tìm kiếm, nhập khẩu, sản xuất thử nghiệm và nhân rộng công nghệ của các nước Isarel, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản... Bên cạnh đó, các đề tài, dự án, các nhiệm vụ khoa học công nghệ được ưu tiên triển khai cho lĩnh vực nông nghiệp. Trong 5 năm qua, thành phố thực hiện 23 đề tài, dự án khoa học công nghệ với kinh phí là 6,62 tỷ đồng.
Trong thời gian qua, thành phố quan tâm chỉ đạo công tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản; ứng dụng máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, lồng ghép các chương trình, dự án đã hỗ trợ triển khai thực hiện với kinh phí 3.413 triệu đồng (trong đó Nhà nước hỗ trợ là 1.792 triệu đồng và hợp tác xã, doanh nghiệp đối ứng là 1.621 triệu đồng). Xây dựng 7 mô hình (4,2 ha) sản xuất cà phê, chè công nghệ cao gắn với công nghệ tưới tiết kiệm và trồng cây che bóng tại xã Trạm Hành; 1 mô hình trồng rau thủy canh; hỗ trợ lắp đặt 11 kho lạnh bảo quản nông sản; 2 mô hình canh tác cà phê công nghệ cao tại Tà Nung; hỗ trợ ký mã số, mã vạch cho 20 tổ chức, cá nhân; 1 máy gieo hạt phục vụ sản xuất...
Ứng dụng công nghệ nhà kính trong canh tác rau, hoa với tổng diện tích là 2.691 ha; ứng dụng đồng bộ nhà kính giúp năng suất cao hơn 2 - 3 lần, giá trị nông sản cao hơn 1,5 - 2 lần so với cây trồng không trồng trong nhà kính. Đặc biệt, nhà kính góp phần khai thác giá trị tổng hợp ngành nông nghiệp thông qua phát triển du lịch canh nông của thành phố.
Diện tích màng phủ nông nghiệp 1.100 ha, tưới tự động, bán tự động 5.820 ha và 30 ha canh tác thủy canh, giá thể. Công nghệ nhân giống invitro đã tạo ra các loại cây giống sạch bệnh có tính đồng nhất và ổn định về năng suất, chất lượng; hiện có 43 cơ sở nuôi cấy mô thực vật. Hàng năm, cung cấp cho thị trường khoảng 11 tỷ cây giống phục vụ sản xuất. Ngoài ra, các doanh nghiệp cung ứng vật tư đã đưa vào ứng dụng các chế phẩm có nguồn gốc sinh học trong phòng trừ dịch bệnh và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.
Mức độ cơ giới hóa nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Khâu làm đất phần lớn áp dụng máy móc thiết bị để thực hiện; chăm sóc mức độ cơ giới hóa, tự động hóa có sự phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là khâu tưới, phun thuốc, bón phân qua hệ thống máy tự động, bán tự động; khâu thu hoạch mức độ cơ giới hóa còn thấp. Một số HTX, doanh nghiệp và bà con nông dân đã đầu tư máy sấy khoai lang, hệ thống máy chế biến cà phê, máy sấy hồng ăn trái...
Cùng đó, hoạt động sơ chế sau thu hoạch có nhiều chuyển biến, một số sản phẩm nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Thành phố đã quan tâm hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị, bao bì sản phẩm, mã vạch, tem nhãn...
Đáng chú ý, các doanh nghiệp và các cơ sở đã ứng dụng công nghệ cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, CO2, cường độ ánh sáng trong canh tác rau, hoa, cây đặc sản của những nhà sản xuất tiên tiến. Đến nay, tổng diện tích ứng dụng công nghệ cảm biến, điều khiển qua hệ thống công nghệ thông tin đạt 40 ha.
Các làng hoa đã được đầu tư, phát triển theo lộ trình, đề án đã được phê duyệt; từ đó, nâng cao nhận thức của người sản xuất trong việc giữ gìn, bảo tồn giá trị truyền thống của nghề trồng hoa. Một số làng hoa đã hình thành những điểm du lịch canh nông là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Kinh tế nông nghiệp tại nông thôn có nhiều chuyển biến, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư mạnh mẽ; với sự đóng góp tích cực của người dân đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần thực hiện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Với những kết quả đã đạt được, năm 2018, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì trong phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
(CÒN NỮA)
http://baolamdong.vn/