Trong những năm gần đây, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã xây dựng, triển khai và tạo sự lan tỏa mô hình liên kết ổn định từ khâu sản xuất đến khâu sơ chế, chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn, đặc biệt đối với các sản phẩm rau, củ, quả tươi tiêu thụ tại các thị trường cao cấp có giá trị sản phẩm cao hơn 20 - 25% so với sản xuất đại trà.
Gắn sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ theo chuỗi liên kết, nông sản Lâm Đồng tăng giá trị sản phẩm từ 20 - 25%.
• TỪ 29 CHUỖI TĂNG LÊN 190 CHUỖI
Theo thống kê số chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản toàn tỉnh Lâm Đồng từ 29 chuỗi vào năm 2016 đã tăng lên 190 chuỗi với 18.631 hộ liên kết (16.178 hộ trồng trọt và 2.443 hộ chăn nuôi) vào tháng 6/2022. Cụ thể, quy mô liên kết trong trồng trọt đạt hơn 30.517 ha với sản lượng 437.226 tấn. Trong đó, có 63 chuỗi được ngân sách hỗ trợ và 127 chuỗi được các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chủ động xây dựng, phát triển. Tổng giá trị sản xuất hằng năm thông qua chuỗi hơn 14.377 tỷ đồng, tương ứng khoảng 20% tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp. “Phần lớn nông dân đã liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm tiêu thụ theo chuỗi được ổn định đầu ra, nâng cao giá trị, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm do áp dụng các quy trình quản lý, giám sát chất lượng đồng bộ…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định.
Đến nay với cây hoa cắt cành đã hình thành 6 chuỗi liên kết với 339 hộ, diện tích sản xuất hơn 170 ha, thu hoạch và tiêu thụ 75 triệu cành/năm, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng sản lượng toàn tỉnh Lâm Đồng. Thị trường hoa cắt cành trong nước chiếm tỷ lệ gần 90%, chủ yếu tiêu thụ tại các Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tỷ lệ hoa cắt cành xuất khẩu hơn 10% đến các thị trường Đông Á 75% (Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc), châu Âu 13% (Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ, Nga), còn lại là các khu vực khác trên thế giới.
Với sản phẩm rau, củ, quả đã tiêu thụ thông qua 77 chuỗi liên kết 2.042 hộ với diện tích sản xuất hơn 3.315 ha, sản lượng hơn 222.000 tấn, chiếm 8,18% tổng sản lượng toàn tỉnh Lâm Đồng. Thị trường tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 60%, các tỉnh Nam Bộ khoảng 10%, số còn lại là Thành phố Hà Nội, ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Tiếp theo diện tích cà phê toàn tỉnh Lâm Đồng khoảng 172.922 ha, sản lượng 520.168 tấn, trong đó 86.000 ha cà phê được chứng nhận 4C, UTZ, Rainforest. Về thị trường tiêu thụ trong nước khoảng 10%; thị trường xuất khẩu trực tiếp qua các doanh nghiệp chiếm tỷ lệ 19,3%, xuất khẩu thông qua các doanh nghiệp ngoài tỉnh 70,7%. Trong đó, thị trường xuất khẩu chủ yếu châu Âu 60%, Nam Á 12%, Đông Á 11%, còn lại các thị trường khác. Về liên kết trong sản xuất, kinh doanh cà phê với 20 chuỗi, 10.656 hộ sản xuất trên diện tích gần 22.680 ha, sản lượng 100.658 tấn, chiếm tỷ lệ 19,35%.
• NÂNG CẤP VÀ PHÁT TRIỂN CÁC CHUỖI LIÊN KẾT
Tương tự diện tích cây chè toàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay khoảng 11.287 ha, sản lượng 166.093 tấn chè búp tươi. Có khoảng 167 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh chè trong tỉnh Lâm Đồng, tập trung chủ yếu sản xuất chè ô long, chè xanh viên, chè đen, chè xanh ướp hương và chè xanh sơ chế. Thị trường xuất khẩu chè ô long, chè đen sang Đài Loan với khoảng 90% sản lượng; chè xanh viên sang thị trường Pakistan, Iran, Irắc, Dubai và một số nước Ả Rập. Riêng sản phẩm chè ướp hương, chè xanh sơ chế chủ yếu tiêu thụ trong nước. Sản phẩm chè tiêu thụ thông qua 12 chuỗi liên kết 320 hộ, diện tích hơn 817,1 ha, sản lượng 5.581 tấn chè thành phẩm, tương ứng 11,2% so với tổng sản lượng.
Ngoài ra toàn tỉnh Lâm Đồng đang duy trì hoạt động 22 chuỗi liên kết 791 hộ sản xuất hơn 1.282 ha diện tích cây ăn quả, thu hoạch hơn 51.033 tấn/năm, chiếm 21,6% so với tổng sản lượng. Cây trồng khác như dược liệu 6 chuỗi, 267 hộ liên kết (188,3 ha, sản lượng 5.660 tấn, chiếm tỷ lệ gần 51%); lúa 6 chuỗi, 674 hộ liên kết (833 ha, sản lượng 6.880 tấn, chiếm tỷ lệ gần 4,8%); mắc ca 5 chuỗi, 803 hộ liên kết (985 ha, sản lượng 570 tấn, chiếm tỷ lệ gần 14,5%); ca cao 1 chuỗi, 20 hộ liên kết (10 ha, sản lượng 200 tấn); nấm hương 2 chuỗi, 29 hộ liên kết (1 ha, sản lượng 170 tấn).
Để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục triển khai “xây dựng quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung phù hợp với khả năng đầu tư, điều kiện kinh tế, xã hội của từng vùng. Đồng thời, nâng cấp các chuỗi liên kết đã hình thành và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản mới gắn với đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm. Qua đó căn cứ vào quy hoạch để xây dựng các vùng sản xuất với quy mô và chủng loại nông sản phù hợp, áp dụng các phương pháp sản xuất an toàn VietGAP, GlobalGAP bảo đảm đồng đều chất lượng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ lớn, ổn định giá cả lâu dài và mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu”.
http://baolamdong.vn/