Khúc giao mùa trên cao nguyên LangBiang (Đà Lạt, Lâm Đồng) có sức hấp dẫn ma mị đưa lối kẻ lữ hành miên man trên con đường tràn ngập hoa vàng, hay lang thang trên đồi cỏ non mơn mởn chuyển sang hồng dưới nắng mai. Những ai trót lỡ si mê cao nguyên này khó cưỡng lại bước chân, cảm xúc vào thời khắc này…
Tôi đã từng gặp những người như thế. Bước chân đi như kẻ mộng du. Hơn ai hết, họ rành rõ những con đường, những quả đồi mà có tra trên bản đồ hay hỏi người bản địa cũng khó lần ra. Họ tiên phong, phát hiện ra những điểm chẳng ai ngờ tới. Rồi tận hưởng thiên nhiên như thể chỉ dành riêng cho mình. Cho tới khi những tốp người khác lũ lượt huyên náo kéo đến, họ lại rời đi tìm một chân trời mới. Cũng như người Lạch, người K’Ho, người Mạ ở cao nguyên này khi xưa. Hễ đông người tới vùng đất của mình, họ sẽ di dời làng sâu vào rừng. Lữ khách như kẻ thiên di.
Ở cao nguyên này, bốn mùa khá rõ rệt. Thậm chí, trong một ngày tiết trời cũng thể hiện đủ bốn mùa xuân- hạ- thu- đông ứng với các buổi sáng sớm, trưa, chiều và tối. Nhưng với những “tín đồ” xem cao nguyên này như “một cõi đi về”, thời gian giao mùa là mùa thứ năm- mùa của cảm xúc. Khi đó, tiết trời đang chuyển tiếp từ thu sang đông. Những cơn mưa thưa dần nhường lại cho những ngày đầy nắng nhẹ. Đất cũng ráo hơn. Chưa chuyển hẳn sang đông nên còn ấm áp có chút phơn phớt lạnh. Như chực chờ từ lâu, những cánh hoa vàng tung cánh khoe sắc thắm. Dã quỳ có màu vàng rực rỡ ngự trị cả một vùng trời. Di chuyển từ miền hạ lên, đến gần đỉnh đèo mới thấy sắc vàng hoa. Từ Phan Rang, phải ngoằn ngoèo lên gần hết đỉnh Krông Fa. Từ Madagui phải xuyên đèo Chuối rồi di chuyển chậm rãi lên đèo Bảo Lộc. Khi ở độ cao khoảng 800- 1.000 mét, mới chiêm ngưỡng được sắc quỳ. Quanh năm, dã quỳ chỉ xanh một màu lá. Loài hoa tồn tại một cách tự nhiên. Kể cả thời tiết khô hạn nhất, dã quỳ vẫn xanh um. Kể cả khi người ta phát trơ trọi, dã quỳ vẫn ẩn mình trong đất. Chỉ sau một cơn mưa đầu mùa thì nó vươn mầm lên xanh tốt. Chờ tới khi nắng ấm, dã quỳ mới nở hoa. Chỉ trong vài ngày đầu của tiết giao mùa, cả một con đường, cả một vạt đồi như được nhuộm màu vàng rực rỡ. Càng xa bản làng, dân cư, đô thị, hoa quỳ nở ngập lối đi.
Dã quỳ là hoa của núi rừng, của cao nguyên này. Từ trăm năm trước, hoa từ những vùng đất xa xôi tận bên kia đại dương theo chân người Pháp tới “định cư” chốn này cùng với sự phát hiện ra cao nguyên LangBiang làm nơi lý tưởng để phát triển cây thuốc, du lịch và theo sau là cây cà phê và cây trà… Dã quỳ được trồng để làm phân sinh học bón cho cây trà, cây cà phê, tăng màu mỡ cho đất. Bây giờ, cây trồng lệ thuộc vào phân bón, hóa chất, người ta quên cây dã quỳ, thậm chí xem chúng như cỏ dại. Nhưng dã quỳ vẫn xanh tốt, kể cả trên vùng đất bạc màu, chẳng còn sức sống.
Khúc giao mùa trên cao nguyên LangBiang ngoài hoa dã quỳ vàng rực còn có cỏ hồng. Chúng là loại cỏ mọc hoang dại quanh năm xanh mơn mởn. Tiết giao mùa chúng lại trổ bông và chuyển sang màu hồng lạ mắt. Điều kỳ lạ là cỏ hồng xuất hiện ở những đồi thông tự nhiên, không có sự canh tác, xâm lấn của con người. Càng đi sâu vào rừng thông, cỏ hồng càng nhiều và đẹp. Cỏ mọc gần như sát đất, thân mỏng tang như tơ. Người ta phải nằm sát xuống mặt đất để chiêm ngưỡng sắc hồng kiêu hãnh. Mùa cỏ hồng không kéo dài như dã quỳ. Khi cái nắng ấm của tiết giao mùa không còn nữa cũng là lúc hoa của cỏ tàn lụi. Cỏ xanh tốt trở lại màu của nguyên thủy. Loại cỏ này chỉ xuất hiện ở cao nguyên LangBiang. Du khách phải cất công đi tìm vào đúng thời điểm mới gặp được. Chỉ là cỏ thôi nhưng bao người phải vất vả để diện kiến! Tất nhiên, không thiếu cuộc triển lãm những bức ảnh đẹp nhất về loài cỏ này cùng với nghệ thuật âm thanh và ánh sáng giữa thảo nguyên hồng thỏa mãn du khách.
Khi dịch vụ du lịch Đà Lạt “kịch trần” với những tiện nghi, nhân tạo thì những gì của thiên nhiên vốn dĩ của Đà Lạt lại là thứ hấp dẫn, chiếm trọn trái tim du khách. Ngành du lịch Đà Lạt đã năng động xoay theo hướng này để tạo thêm sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có để tận dụng hết mọi cơ hội phát triển.
Miên Hạ