Nông nghiệp 4.0 hay hành trình chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu thế tất yếu, mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ, hiệu quả cao mà con người có thể không cần có mặt trực tiếp. Sẽ không còn những “mùa nông nhàn” truyền thống, mà những “nhà nông 4.0” trở nên nhàn nhã trên những nông trang.
Sáng, Đà Lạt còn chút sương vương víu trên cửa kính chiếc xe bán tải, Thạc sĩ Nguyễn Đức Huy, giám đốc HTX Thủy canh Việt (phường 9, TP Đà Lạt), đưa chúng tôi thăm trang trại của gia đình. Vài thao tác trên chiếc smartphone gắn trên xe, anh bảo: “Thực ra thì chưa cần xuống để chăm vườn, vì mọi thông số đều ổn”.
Trang trại gần một ha của gia đình anh Huy nằm bên sườn đồi, trên cung đường Mimosa, cửa ngõ vào thành phố hoa Đà Lạt. Trong khu nhà kính hiện đại, những luống cà chua đang thời kỳ trưởng thành, trĩu quả. Chúng tôi không nhìn thấy đất, vì toàn bộ diện tích đất được phủ kín bằng màng chất dẻo, mỗi gốc cà chua được trồng trong chậu. Cũng không thấy mương máng, vì nước và chất dinh dưỡng được nhỏ giọt vào từng gốc cà chua bằng những ống chất dẻo rất nhỏ. Lâu lâu, lại thấy những công nhân quét dọn, lau chùi trên những lối đi trong vườn. Anh Huy cho biết, toàn bộ diện tích rau thủy canh của HTX đều được tổ chức sản xuất theo quy trình, công nghệ thông minh. Cách đây hơn 5 năm, chính Huy tự nghiên cứu và ứng dụng thành công hệ thống phần mềm điều khiển trang trại từ xa. Hệ thống này kết nối qua Internet với thiết bị thông minh, giúp chủ trang trại, người sản xuất quản lý vườn hiệu quả, thực hành canh tác chuẩn xác và tăng năng suất, giá trị sản phẩm. “Công nghệ, máy móc làm hết rồi. Từ chế độ bón phân, tưới, đến chế độ chăm sóc. Giờ con người chỉ còn việc nhặt lá, chăm sóc cây, hệ thống đưa ra cảnh báo thì mình xử lý phù hợp”, Huy nói.
Nguyễn Đức Huy (SN 1984), là thạc sĩ sinh học thực vật. Với kiến thức học được, cùng kinh nghiệm tích góp sau thời gian làm việc, tiếp xúc với những đối tác có nền nông nghiệp phát triển, anh quyết định sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh ngay từ ngày đầu. Phân tích, nhận diện các “lỗi” trong quy trình sản xuất, Huy quyết định viết phần mềm điều khiển riêng cho trang trại của mình, có kết nối với smartphone, máy tính, công cụ “đọc, hiểu” diễn biến sinh thái thực tế trong vườn, sau đó khuyến cáo chủ farm đưa ra các “lệnh” xử lý chuẩn xác. “Hệ thống IoT chỉ là một phần, quan trọng nhất hiện giờ của mình là máy tự ra quyết định, dựa trên kho dữ liệu về thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ, sinh trưởng của cây… Từ đó, phần mềm sẽ đánh giá, so sánh với dữ liệu hiện có để đưa ra quyết định”, Huy cho biết.
Giờ đây, không cần có mặt ở trang trại, những chủ farm ở HTX Thủy canh Việt chỉ cần nhìn trên smartphone có thể thấy tình trạng cây trồng. Hệ thống quản trị thông minh được phân quyền theo cấp, gồm chủ farm, nhà đầu tư, công nhân… mỗi vai trò được quyền điều khiển, xem thông tin gì. Và số hóa trong nông nghiệp đã giúp những nhà nông nhàn nhã trên trang trại của mình.
Tại Lâm Đồng, sự ra đời của Công ty TNHH Dalat Hasfarm đã thổi làn gió mới về khoa học, công nghệ tiên tiến trong ngành nông nghiệp. Thành lập năm 1994, Dalat Hasfarm là doanh nghiệp chuyên sản xuất, phân phối ngọn giống, hoa cắt cành và hoa chậu ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện diện tích sản xuất hoa cao cấp của công ty đạt gần 320 ha, mỗi năm sản xuất khoảng 200 triệu cành hoa và 250 triệu ngọn giống, cung ứng thị trường trên khắp thế giới. Năm 2020, Dalat Hasfarm đạt Giải Vàng hạng mục sản xuất hoa cắt cành thế giới, do Hiệp hội ngành Công nghệ Trồng trọt - Làm vườn Quốc tế (AIPH) bình chọn.
Để sản xuất được những cành hoa cao cấp, trong mỗi nhà kính trang trại của Dalat Hasfarm đều được trang bị thiết bị cảm biến, kết nối với máy tính, điện thoại thông minh qua Internet; chế độ hoạt động được lập trình sẵn, khi nhiệt độ vượt hoặc thấp hơn ngưỡng tiêu chuẩn, màng chắn sẽ tự động đóng/ mở; máy tưới phun sương tự nhận biết chế độ ẩm để tưới tự động. “Những quy trình, công nghệ và kỹ thuật trồng hoa tiên tiến nhất châu Âu đã được Dalat Hasfarm áp dụng trên các nông trại; quy trình trồng, chăm sóc hoa được tổ chức tự động hóa”, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dalat Hasfarm Nguyễn Văn Bảo cho biết.
Cùng với những trang trại của công ty, hiện Dalat Hasfarm đang “bắt tay” với 107 hộ nông dân và sáu doanh nghiệp để hình thành liên minh sản xuất hoa cắt cành xuất khẩu, “mở” bí mật công nghệ trồng hoa cho đối tác để mang lại lợi nhuận cho cả “hai nhà”, đóng góp vào sự phát triển nền nông nghiệp thông minh địa phương. “Các hộ liên kết được nâng cao trình độ canh tác, vì hoa chúng tôi thu mua của nhà nông liên kết đều xuất khẩu được. Thêm nữa, họ có đầu ra ổn định, tiếp cận được nhiều giống hoa mới do chúng tôi cung cấp, những điều đó giúp bà con nông dân tăng kiến thức, trình độ và kinh nghiệm”, ông Bảo nói.
Theo thống kê bước đầu, Lâm Đồng hiện có khoảng 15 doanh nghiệp và trang trại ứng dụng hệ thống IoT trên diện tích hơn 235 ha, nhiều mô hình đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng/ha/năm; 12 doanh nghiệp được công nhận “Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao” với quy mô canh tác hơn 286 ha, 5 doanh nghiệp được chứng nhận canh tác hữu cơ. Theo Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu. Nhất là trong giai đoạn Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại tự do đã và đang được ký kết, yêu cầu tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và an toàn thực phẩm là điều kiện tiên quyết trong thực hiện các rào cản kỹ thuật với các nước thành viên. Do đó, tỉnh Lâm Đồng luôn định hướng các thành phần kinh tế tập trung chuyển đổi số với quy mô phù hợp.
Cùng với rau, hoa, giờ đây, nông nghiệp 4.0 đã lan tỏa đến những trang trại cây ăn quả tại Lâm Đồng. Trên vùng đất đồi dốc, sỏi đá ở khu đồi Trầm, xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh, cách đây hơn bốn năm, nhiều người nghi ngại khi thanh niên Nguyễn Thái Sơn đặt nhát cuốc khởi nghiệp. Sơn bảo, để có cơ ngơi như hôm nay là cả quá trình đánh đổi bằng mồ hôi, trí tuệ và tiền bạc. Năm 2017, anh quyết định nghỉ việc tại một cơ quan nhà nước và chọn khởi nghiệp với trang trại hơn 10 ha quýt đường. Sau hai năm, vườn quýt cho thu bói, với sản lượng 50 tấn và hứa hẹn còn tăng mạnh, Sơn tiếp tục mở rộng diện tích lên 35 ha và đa dạng cây trồng, với sầu riêng, bưởi và trồng xen bơ, mít Thái... “Làm nông bây giờ nhàn và hiệu quả hơn xưa nhiều. Ở đâu có Internet, mở điện thoại thông minh là có thể quan sát được vườn. Hệ thống tưới thì đã được lập trình tự động, nhờ hệ thống cảm biến. Mình đầu tư hệ thống quản trị thông minh cho trang trại hơn 20 tỷ đồng, nhưng bù lại, năng suất và chất lượng rất cao”, Sơn chia sẻ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn số hóa ngành nông nghiệp phải số hóa từ mỗi nông hộ, doanh nghiệp và HTX nông nghiệp. Nông nghiệp thông minh 4.0 là xu thế tất yếu của khoa học - công nghệ và cũng là xu hướng của nông nghiệp trong tương lai.
Mai Văn Bảo