Huyện Lạc Dương xác định việc thu hút đầu tư vào các dự án bảo quản, sơ chế nông sản, dược liệu theo hướng công nghiệp sử dụng công nghệ cao trong sản xuất sẽ góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất của bà con nông dân.
Huyện Lạc Dương tăng cường thực hiện xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương
Lạc Dương hiện có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp chế biến nông sản, dược liệu với nguồn nguyên liệu dồi dào. Hàng năm, sản lượng cà phê arabica đạt 63.058 tấn, atiso 486 tấn, rau các loại 215.163 tấn, hoa các loại 525.050 triệu cành, trên 1.000 tấn cá nước lạnh... Trên địa bàn huyện chỉ có 2 nhà máy sơ chế cà phê tươi, 3 cơ sở chế biến cà phê bột và 1 cơ sở chế biến nước ép giải khát; hầu hết các nhà máy, cơ sở chế biến đều có quy mô và công suất chế biến nhỏ; phần lớn lượng nông sản tiêu thụ chưa qua chế biến do đó chưa tạo ra được sản phẩm có thương hiệu riêng, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo kết quả thống kê, hiện nay, tổng sản lượng cà phê qua sơ chế chỉ chiếm 20%, trong đó, chế biến được từ 10% đến 20% sản lượng cà phê nhân thành cà phê bột; sơ chế được 50% sản lượng cây dược liệu atiso; bảo quản được 5% sản lượng rau, hoa các loại trong một thời gian nhất định; 15% nông sản và dược liệu sau khi được chế biến, được gắn nhãn về nguồn gốc xuất xứ.
Ông Nguyễn Văn Huynh - Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng cho biết, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, dược liệu tại địa phương. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
“Nguyên nhân được xác định là địa phương chưa có mặt bằng “sạch” để thu hút các dự án chế biến nông sản và dược liệu; đại đa số người dân sản xuất chủ yếu mang tính tự phát, chưa có sự liên kết sản xuất theo quy trình canh tác khoa học để tạo ra nông sản có chất lượng cao”, ông Huynh cho biết thêm.
Từ tháng 5/2021, Huyện ủy Lạc Dương đã ban bành nghị quyết thu hút đầu tư công nghiệp chế biến nông sản, dược liệu trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản, dược liệu. Đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc tổ chức các hoạt động hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại nhằm quảng bá hình ảnh, mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm của địa phương.
Đặc biệt là huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp tại Tiểu khu 95, 97, xã Đạ Nhim để đưa các cơ sở chế biến hiện có trên địa bàn vào hoạt động tập trung cũng như thu hút các dự án đầu tư mới; ưu tiên đối với các dự án xây dựng nhà máy chế biến cà phê, atiso, chuối… và các dự án sử dụng công nghệ cao trong sản xuất, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thân thiện với môi trường.
Theo Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng, việc thực hiện tốt các chính sách về thu hút đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đặc thù được các cấp, các ngành xác định là một trong những nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài.
Chính vì vậy, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc liên kết với người nông dân để xây dựng các vùng nguyên liệu đáp ứng đủ số lượng và chất lượng theo công suất chế biến; tăng cường kết nối giữa các ngân hàng với các doanh nghiệp, HTX và người dân nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để phục vụ phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các dự án đầu tư phát triển dây chuyền công nghệ sản xuất, chế biến nông sản; đẩy mạnh thực hiện liên kết “bốn nhà” theo chuỗi giá trị sản phẩm, gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung thông qua hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản; tăng cường công tác phối hợp để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có lợi thế của địa phương; triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình khoa học công nghệ, khuyến công để hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân, HTX đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, xây dựng nhà xưởng, nhà kho; huy động các nguồn vốn khác nhau để hỗ trợ xây dựng, mua sắm trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…
http://baolamdong.vn/