Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Chuyển đổi số để đẩy nhanh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước

  • 06/02/2023
  • s 10:00

Phát biểu bế mạc tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH)”.

Ảnh minh hoạ

Việt Nam cơ bản đạt các tiêu chí của nước công nghiệp vào năm 2030

Trong chương trình hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII đầu tháng12/2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết: CNH-HĐH là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những kết quả đạt được sau hơn 35 năm đổi mới, đặc biệt là giai đoạn 2011-2020, CNH, HĐH đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt bình quân 6,17%/năm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực với tỷ trọng đóng góp vào GDP của công nghiệp và dịch vụ đạt 72,7% vào năm 2020, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết: Với mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của nhân dân được nâng cao. Tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD; bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt trên 7.000 USD.

Đến năm 2030, đưa nước ta thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; tỷ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%; giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, chế biến bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD. Tỷ trọng của khu vực dịch vụ đạt trên 50% GDP, trong đó du lịch đạt 14 - 15% GDP… Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.

Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, Nghị quyết cũng đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó phải đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Trước mắt, giai đoạn 2021 - 2030, xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST), nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế.

Cùng với đó, thực hiện CĐS toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững; Nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường, bảo vệ và phát huy tốt thị trường trong nước; Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp sang các ngành có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải carbon thấp; Cơ cấu lại các ngành nông nghiệp và dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành và giá trị gia tăng cao, đẩy nhanh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Giai đoạn 2031-2045, tập trung nâng cao chất lượng CNH và đẩy mạnh HĐH toàn diện trên tất cả lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy CNH, HĐH đất nước. Trong đó tiếp tục đẩy nhanh thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng có liên quan đến CNH, HĐH, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển KH-CN, ĐMST phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế; Ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp quốc phòng, an ninh, năng lượng. Xây dựng khung pháp luật cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số…

Ngoài ra, Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ, mục tiêu và các giải pháp về xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; nâng cao năng lực ngành xây dựng; Đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng KH-CN, ĐMST; Phát triển KH-CN, ĐMST và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH; Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho CNH, HĐH đất nước.

Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy CNH, HĐH. Đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy CNH, HĐH đất nước nhanh, bền vững. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước. Phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong CNH, HĐH đất nước; bảo đảm tốt an sinh xã hội.

Việt Nam sớm ban hành chương trình về CĐS quốc gia

Trên cơ sở Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số (CĐS), ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Theo đó, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Chương trình CĐS quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về CĐS quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về CĐS song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc CMCN mang lại và bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng...

CĐS tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng ĐMST, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. CĐS giáo dục sẽ đổi mới cách thức giảng – dạy truyền thống hướng tới phổ cập hoá và cá nhân hoá dịch vụ học tập suốt đời tới từng người học. CĐS y tế sẽ cho phép người dân, thông qua các nền tảng số tiếp cận với dịch vụ y tế tốt nhất 24/7 từ những bác sĩ giỏi nhất, giải quyết vấn đề giảm tải cho các cơ sở y tế….

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Ở cấp độ địa phương, CĐS là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. Địa phương CĐS thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của CĐS quốc gia. Do vậy, CĐS là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương.

CĐS còn là cuộc cách mạng của toàn dân. CĐS chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà CĐS mang lại. CĐS mang trong mình sứ mệnh lớn lao, đó là phổ cập và cá nhân hoá các dịch vụ (như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, …) tới từng người dân để phục vụ người dân tốt hơn. CĐS tạo ra cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng và nhân văn rộng khắp “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Công cuộc CĐS quốc gia đã đạt được những kết quả rất rõ nét

Thực hiện “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, do Thủ tướng phê duyệt đến nay công cuộc CĐS quốc gia đã đạt được những kết quả rất rõ nét, đặc biệt là nhận thức về CĐS trong cơ quan nhà nước, DN và toàn dân không ngừng được nâng cao.

Theo đánh giá kết quả CĐS của Ủy ban Quốc gia về CĐS năm 2022, 30/30 bộ ngành và 63/63 địa phương đã lựa chọn ngày CĐS, trong đó 03 bộ ngành và 05 địa phương chọn ngày CĐS riêng. Ngày 10/10/2022, Bộ TT&TT đã tổ chức Ngày CĐS quốc gia năm 2022 với sự tham dự của hơn 1.500 đại biểu. Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS đã tham dự và phát biểu Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ nhân Ngày CĐS quốc gia. Nhiều bộ, ngành, địa phương cũng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia.

Bộ TT&TT đã tổ chức Chương trình "Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số" để hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia, hướng tới để người dân được thụ hưởng những lợi ích của CĐS; để DN công nghệ số được tiếp cận với đông đảo khách hàng tiềm năng. 59 DN tham gia Chương trình đã có chính sách ưu đãi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số lên đến 50% giá sản phẩm, dịch vụ.

Bộ TT&TT đã tổng hợp và công bố 72 bài toán CĐS của các bộ, ngành và địa phương tại địa chỉ: https://c63.mic.gov.vn và đưa các bài toán chuyển đổi số này thành đầu bài trong Cuộc thi Tìm kiếm giải pháp CĐS Quốc gia - Viet Solutions năm 2022.

Bộ TT&TT đã tổng hợp và công bố 21 câu chuyện CĐS Việt Nam từ các bộ, ngành, địa phương, DN để lan toả những sáng kiến, cách làm, kinh nghiệm, bài học, mô hình tham khảo về CĐS tại địa chỉ: https://t63.mic.gov.vn/, đồng thời nâng cấp Cổng thông tin điện tử để các bộ, ngành, địa phương có thể chủ động đăng tải, chia sẻ câu chuyện, bài học CĐS thành công của cơ quan.

Bộ TT&TT đã phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số. 63/63 địa phương đã được giao nhiệm vụ triển khai sử dụng tối thiểu 01 nền tảng số. 43/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai năm 2022 lồng ghép trong kế hoạch CĐS; 11/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai năm 2022 bằng một văn bản riêng của UBND tỉnh, thành phố.

Hơn 3.257 công chức, viên chức của đơn vị chuyên trách CNTT của các bộ, ngành, địa phương đã được bồi dưỡng trực tuyến về cách tiếp cận nền tảng trong CĐS.

CĐS một cách khẩn trương

Với những kết quả bước đầu của công cuộc CĐS quốc gia, mới đây trả lời phỏng vấn của Báo Nhân dân, Thứ trưởng Bộ TTT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết Việt Nam đã và đang tích cực đẩy nhanh tiến trình CĐS để có thể “đi tắt đón đầu”, nắm bắt những cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại.

Thứ trưởng cho rằng, giá trị đích thực của hoạt động CĐS là phải tạo thêm việc làm mới, nguồn thu mới, giúp những người lao động phổ thông chuyển đổi được công việc thông qua phát triển kinh tế số để đa dạng hoá mô hình kinh tế. Do vậy, từ chính phủ tới DN và người dân đều cần đầu tư cho hoạt động này.

Thời gian qua, đã có sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của toàn xã hội về khái niệm, vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số. Xu hướng số hóa trong hoạt động sản xuất, mua sắm và tiêu dùng ngày càng trở nên phổ biến, rõ nét.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, cần CĐS một cách khẩn trương hơn. Trong năm 2022, Bộ TT&TT đã tập trung làm chiến lược quốc gia cho từng lĩnh vực. Năm 2023, Bộ sẽ tập trung vào các kết quả cụ thể, thực chất, để CĐS đi từ chiến lược vào cuộc sống nhanh hơn, trở thành thói quen hàng ngày của công chức, doanh nhân và người dân./.

(Theo ictvietnam.vn)