Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Cần một gói kích cầu cho du lịch Lâm Đồng

  • 06/01/2022
  • s 14:15

Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề: “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển” vừa được tổ chức tại tỉnh Nghệ An và trực tuyến tới nhiều trọng điểm du lịch trong cả nước. Hội thảo có sự tham dự của 2 Ủy viên Bộ Chính trị là đồng chí Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; cùng Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các địa phương trọng điểm du lịch; Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC); Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO); hàng trăm chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước…

Như thế, đã đủ thấy tầm quan trọng của du lịch và việc phục hồi, phát triển du lịch cấp thiết như thế nào. Bởi lẽ, trong 2 năm đại dịch hoành hành, du lịch Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung là ngành bị tổn thương nhiều nhất. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2020, lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34%; tổng thu từ du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59%. 10 tháng đầu năm 2021, khách du lịch quốc tế không có; khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 42,5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 32,25 triệu lượt người; tổng thu từ khách du lịch ước giảm 45,42%. 90-95% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành dừng hoạt động. 38.000 cơ sở lưu trú du lịch của cả nước với 780.000 phòng, công suất chỉ đạt 5%. Nhân lực ngành du lịch phần lớn bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc cầm chừng. Ước tính thiệt hại từ du lịch năm 2021 tại tỉnh Quảng Nam hơn 15.000 tỷ đồng; Đà Nẵng khoảng 27.300 tỷ đồng, Thừa Thiên - Huế hơn 8.000 tỷ đồng, Quảng Ninh hơn 2.000 tỷ đồng và Lâm Đồng cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng… 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, nếu không nhanh, du lịch Việt Nam có thể mất 7 - 10 năm để khôi phục. Theo đó, Phó Thủ tướng nêu 2 vấn đề cần làm để phục hồi và phát triển du lịch. Đó là tăng cường du lịch cộng đồng và khẩn trương số hóa các nguồn tài nguyên về du lịch, đặc biệt là tài nguyên về văn hóa.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, các quốc gia trên thế giới hiện nay đều thực hiện lồng ghép chính sách hỗ trợ phục hồi ngành du lịch chung trong các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung vào 6 nội dung chính là: chính sách tài khóa (giãn, giảm thuế, phí; kích cầu, hỗ trợ lãi suất; bảo lãnh tín dụng; cho vay trả lương…); chính sách tiền tệ (giảm lãi suất; giãn, giảm lãi, phí, cơ cấu lại nợ, tín dụng ưu đãi…); đào tạo, phát triển kỹ năng nghề nghiệp; phát triển thị trường; xã hội hóa nguồn vốn; kích cầu, khởi động lại ngành du lịch. Cụ thể như Thái Lan hỗ trợ phí bảo lãnh cho doanh nghiệp thành lập mới; Malaysia giãn nợ vay trong 6 tháng, miễn thuế dịch vụ trong 6 tháng, cung cấp 45 triệu USD cho các doanh nghiệp đào tạo nhân viên. 

Ông Trần Nguyện, Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Sun World đề xuất phải đẩy nhanh chuyển đổi số. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel nêu các nhóm giải pháp, bao gồm chính sách chung; chính sách về tín dụng; hỗ trợ về kích cầu; hỗ trợ nguồn nhân lực… Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng kiến nghị cần ưu tiên nghiên cứu, sớm triển khai mô hình “Hộ chiếu vắc xin”… Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023, trong đó coi du lịch là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nắm bắt tốt các cơ hội nhằm thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp nêu trên sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng cho ngành du lịch.

Rõ ràng là cả nước đang rất cần gói kích cầu du lịch. Lâm Đồng cũng vậy. Năm 2021, thu hút khách du lịch của Lâm Đồng đạt hơn 2 triệu lượt người, giảm gần 50%, trong đó khách quốc tế giảm tới hơn 80%. Trong khi đó, du lịch là một trong những trụ cột kinh tế chủ yếu của tỉnh. Hãy kích cầu bằng các chính sách và gói kích thích cụ thể để du lịch Lâm Đồng nhanh chóng phục hồi và phát triển.

http://baolamdong.vn/