Là quốc gia đang sở hữu cơ cấu dân số vàng với tỷ lệ người trẻ cao, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển phân khúc du lịch hướng đến đối tượng du khách trẻ.
Nhiều hoạt động trải nghiệm trong các tua du lịch thu hút giới trẻ. (Ảnh Huệ Vũ) |
Trao đổi tại Hội thảo “Xu hướng du lịch của giới trẻ và giải pháp thu hút khách giới trẻ ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức, Viện trưởng, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn nhận định: Trước đây, đối tượng khách du lịch truyền thống chủ yếu là những người ở độ tuổi trung niên có thu nhập tương đối ổn định. Song cùng với sự phát triển của du lịch thế giới và sự đi lên của đời sống kinh tế-xã hội, nhu cầu du lịch của giới trẻ ngày càng tăng lên, do đó đây là thị trường khách vô cùng quan trọng.
Báo cáo về đề tài nghiên cứu cùng tên tại Hội thảo, Tiến sĩ Lê Quang Ðăng, Chủ nhiệm đề tài đưa ra số liệu: Theo báo cáo “Sức mạnh của du lịch giới trẻ” của Tổ chức Du lịch thế giới Liên hợp quốc (UNWTO), từ những năm 2010, ước tính có khoảng 20% trong số 940 triệu khách du lịch quốc tế đi du lịch trên thế giới là những người trẻ tuổi (tuổi từ 15 đến 35) với gần 190 triệu chuyến đi quốc tế. UNWTO cũng đã dự báo từ năm 2020, sẽ có gần 300 triệu chuyến đi quốc tế của thanh niên mỗi năm.
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Việt Nam đang ở trong thời kỳ tỷ lệ dân số vàng với thành phần thanh thiếu niên (từ 15 đến 35 tuổi) chiếm đến gần 30% tổng dân số và là bộ phận đông đảo nhất trong cơ cấu dân số cả nước. Những con số này khẳng định không chỉ với thế giới mà ngay ở Việt Nam, giới trẻ cũng đang là thế hệ giàu tiềm năng du lịch nhất và là phân khúc đầy triển vọng cho sự bứt phá của ngành công nghiệp không khói nước nhà.
Tiến sĩ Lê Quang Ðăng cho hay, du lịch của giới trẻ giờ đây không chỉ đơn thuần là khám phá một địa điểm với hoạt động tham quan, ngắm cảnh mà hướng đến đầu tư nhiều hơn cho những trải nghiệm trong mỗi chuyến đi, tìm kiếm những giá trị lâu dài, ý nghĩa. Với sự năng động, sức trẻ, thú vui ham xê dịch, ưa tìm tòi những điều mới lạ, những năm gần đây, người trẻ đã cập nhật một loạt xu hướng, trào lưu du lịch thú vị như: du lịch một mình, du lịch tự túc, du lịch check-in, du lịch xanh, du lịch kết hợp làm từ thiện, du lịch “phượt”…
Ðiều tra của nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, khách giới trẻ Việt Nam thường lựa chọn du lịch ở những nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, nguyên sơ để trải nghiệm, khám phá với các hoạt động chính như: check-in, chụp ảnh, dã ngoại, cắm trại, đốt lửa trại, đi bộ, leo núi, tắm suối, tắm biển, team building,... Bên cạnh đó là các điểm đến ở những đô thị lớn, náo nhiệt, với các hoạt động chính như tham gia sự kiện, lễ hội, đại nhạc hội, bar, vũ trường, phố đi bộ, chợ đêm…
Liên quan cơ sở lưu trú, phần lớn du khách trẻ tuổi thường không chi quá nhiều cho những nơi sang trọng, tốn kém mà lựa chọn những loại hình bình dân hơn như nhà nghỉ du lịch, khách sạn thấp sao, homestay, farmstay, lều trại. Khảo sát với hơn 300 du khách trẻ từ 15 đến 35 tuổi cho thấy, độ dài hành trình du lịch của họ tương đối ngắn, thường chỉ từ 2 đến 4 ngày, tương ứng thời gian nghỉ cuối tuần hay các kỳ nghỉ lễ; cũng có những khách đi du lịch dài hơn 5 ngày nhưng chiếm số lượng khá nhỏ (khoảng 11%), chủ yếu là trong độ tuổi từ 25 đến 35 đã có công việc, thu nhập ổn định.
Nghiên cứu cũng chỉ ra du lịch biển đảo là loại hình du lịch hấp dẫn nhất đối với khách giới trẻ Việt Nam, tiếp theo là du lịch vùng cao, miền núi, du lịch đô thị, du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn… Ðây có thể xem là cơ sở tham khảo có giá trị để các địa phương, doanh nghiệp du lịch có chiến lược thu hút hiệu quả khách du lịch giới trẻ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù mức chi cho một chuyến du lịch của khách trẻ tuổi thường không quá cao nhưng đây là đối tượng du khách có nhu cầu du lịch lớn, sẵn sàng lên kế hoạch cho nhiều chuyến đi trong năm, đồng thời là nguồn cung khách du lịch trong tương lai (vì nhu cầu du lịch của người trẻ kéo dài tới cả tuổi trung niên và cao tuổi), cho nên việc xây dựng chiến lược kinh doanh để thúc đẩy thị phần khách du lịch trẻ tuổi là vô cùng quan trọng. Ðó là chưa kể với sức trẻ và đam mê du lịch, sự hào hứng khám phá những miền đất mới ở vùng sâu, vùng xa của người trẻ còn góp phần phát triển du lịch ở những nơi có tiềm năng du lịch nhưng kinh tế chưa phát triển.
Bên cạnh đó, việc tích cực lan tỏa hình ảnh, thông tin về hành trình du lịch với sự thông thạo công nghệ của người trẻ cũng là kênh tuyên truyền, quảng bá du lịch đặc biệt hữu hiệu tới đông đảo du khách trong nước, quốc tế. Theo các chuyên gia, để kích thích hơn nữa nhu cầu du lịch của giới trẻ, điều quan trọng là cần phát triển được hệ thống sản phẩm đa dạng đáp ứng được sở thích, xu hướng du lịch của thị trường khách này.
Du khách trẻ tuổi khá quan tâm đến yếu tố giá cả cho nên các doanh nghiệp cũng cần có chiến lược kích cầu tiêu dùng phù hợp, tạo ra chuỗi giá trị du lịch, gia tăng trải nghiệm để kích thích chi tiêu, tăng khả năng giữ chân và quay trở lại của khách du lịch trẻ tuổi. Thêm nữa, thay vì lựa chọn tua du lịch trọn gói, những người trẻ ưa xê dịch hiện nay thường chủ động thiết kế lịch trình, lựa chọn điểm đến, đặt dịch vụ thông qua sự giúp sức của công nghệ.
Do đó, các địa phương, doanh nghiệp cần nhanh nhạy và đầu tư hơn nữa cho việc chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, quản lý du lịch, tích cực quảng bá, truyền thông thông qua các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội…; đồng thời gia tăng trải nghiệm số trong hành trình du lịch của du khách giới trẻ. Cùng với đó, cần nỗ lực tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của khách du lịch giới trẻ về du lịch xanh, du lịch văn minh, du lịch có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội để bảo đảm phát triển du lịch bền vững…
https://nhandan.vn/