Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Tạo thêm cơ hội phát triển du lịch từ những di sản văn hóa bản địa

  • 13/11/2023
  • s 14:11

Trả hiện vật về lại bon làng - nơi trước đây đã sinh ra chúng - nó là nghĩa cử của nhà sưu tập Nguyễn Quốc Dũng (TP Đà Lạt), với mong muốn các hiện vật sẽ phát huy giá trị trong việc giáo dục thế hệ trẻ người bản địa Tây Nguyên về tình yêu văn hóa truyền thống, đồng thời, tạo thêm cơ hội thu hút khách du lịch tìm đến địa phương trải nghiệm những nét văn hóa bản địa đặc sắc.

Nhà sưu tập Nguyễn Quốc Dũng

Nhà sưu tập Nguyễn Quốc Dũng

Trên 20 năm sưu tập cổ vật, từ năm 2001 đến nay, nhà sưu tập Nguyễn Quốc Dũng đang sở hữu hơn 30.000 hiện vật văn hóa của cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Nguyên, cùng nhiều hiện vật văn hóa Chămpa. Mỗi hiện vật mang một giá trị văn hóa, một câu chuyện lịch sử, một tư liệu về đời sống, một ký ức cộng đồng. Thêm nữa, mỗi hiện vật có câu chuyện riêng, gắn liền với quá trình điền dã, sưu tầm cổ vật của cá nhân nhà sưu tập. Thậm chí, nhiều hiện vật là kỷ vật. Bởi nó là kỷ niệm giữa nhà sưu tập Nguyễn Quốc Dũng với chủ nhân trước kia của hiện vật. Biết quý là vậy, công sức bỏ ra nhiều là vậy, chưa kể số tiền dùng cho việc mua cổ vật, nhưng ông vẫn quyết định hiến tặng một số hiện vật trong bộ sưu tập của mình cho các bảo tàng, nhà trưng bày, nhà văn hóa để “lan tỏa ra cộng đồng những giá trị văn hóa, để có thêm nhiều người, nhất là thế hệ trẻ bản địa Tây Nguyên biết đến các vật dụng sinh hoạt, cùng những trang sức từng gắn bó với đời sống ngày thường, cũng như đời sống tâm linh của người bản địa Tây Nguyên”.

Mới đây, nhà sưu tập Nguyễn Quốc Dũng đã hiến tặng 70 hiện vật văn hóa Chămpa gồm đồ gốm, đồ đồng, trang sức... cho Bảo tàng Bình Thuận. Bà Lê Thái Tuyên - Phó Giám đốc Bảo tàng Bình Thuận, chia sẻ: “Những hiện vật của nhà sưu tập Nguyễn Quốc Dũng tặng đã giúp đơn vị nâng cao đáng kể số lượng và chủng loại các hiện vật gốc, giúp người dân Bình Thuận thêm cơ hội tham quan, tìm hiểu, học tập từ chính hiện vật xưa của người Chăm”. Trước đó, ông cũng đã hiến tặng 49 hiện vật văn hóa Tây Nguyên cho Nhà văn hóa thôn Dà M’Pau (xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) để trưng bày phục vụ người dân. “Trước mắt, chúng tôi có trách nhiệm gìn giữ, bảo quản tốt hiện vật, sau nữa khi hạ tầng du lịch hoàn thiện sẽ đưa vào phục vụ tour trải nghiệm văn hóa K’Ho, kết hợp với làng nghề dệt thổ cẩm thôn Dà M’Pau, theo đúng định hướng phát triển du lịch của huyện Lâm Hà”, ông Nguyễn Minh Thu - Trưởng thôn Dà M’Pau, cho biết. 

Trước đó nữa, nhà sưu tập Nguyễn Quốc Dũng cũng đã hiến tặng hàng chục hiện vật có giá trị liên quan đến vùng đất Tây Nguyên cho Bảo tàng Lâm Đồng. Theo bà Ka Tý, một người con của dân tộc K’Ho, việc thay đổi hình thái kinh tế và đời sống tín ngưỡng đã khiến những vật dụng từng gắn bó mật thiết với đời sống của người K’Ho như cối, chày, mũi tên, nỏ, gùi, xà gạc... dần trở nên xa lạ. Trang sức gồm dây cườm, vòng đồng, nhẫn, còng đeo tay và chân cũng vậy, cứ thưa thớt dần trong đời sống. Nếu không có những người như nhà sưu tập Nguyễn Quốc Dũng dày công sưu tầm, lưu giữ, rồi tặng lại cho bon làng thì ngay cả người bản địa Tây Nguyên cũng khó thấy một bộ sưu tập đầy đủ các vật dụng trước kia của ông cha mình.

Di sản văn hóa các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên và di sản văn hóa Chămpa là một bộ phận cấu thành nên nền di sản văn hóa Việt Nam. Chúng có chung đặc điểm, là sự hội tụ, tổng hòa của nhiều yếu tố văn hóa - lịch sử - khoa học - mỹ thuật... Chúng còn là sự liên kết giữa vật chất và tâm linh, đánh dấu một giai đoạn lịch sử, một giá trị văn hóa của cộng đồng. Việc đưa hiện vật về lại bon làng của nhà sưu tập Nguyễn Quốc Dũng là một hành động ý nghĩa và thiết thực, góp phần gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Nguyên và Chămpa, giúp thế hệ trẻ nơi đây hiểu và thêm yêu những giá trị lịch sử, truyền thống của dân tộc mình. Bảo tàng Đắk Lắk, Bảo tàng Đắk Nông và nhà truyền thống Đưng K’Si (xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) là những điểm tiếp theo trong kế hoạch hiến tặng hiện vật của ông “để trưng bày cho công chúng được biết”, thêm cơ hội cho du lịch địa phương từ những di sản văn hóa bản địa.

TRIỀU KA