Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Mùa hồng chín

  • 30/11/2023
  • s 09:40

Cây hồng Đà Lạt được cho là do người Pháp đưa vào trồng ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 và phù hợp với thổ nhưỡng của vùng cao nguyên mát mẻ nên không những phát triển rất mạnh mẽ ở Đà Lạt và vùng ngoại ô, mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao và trở thành trái cây đặc sản được yêu thích.

Du khách thích thú đến vườn hồng để thưởng thức phong cảnh và hái những trái hồng chín cây

Du khách thích thú đến vườn hồng để thưởng thức phong cảnh và hái những trái hồng chín cây

Mùa hồng Đà Lạt bắt đầu từ tháng 9, khi trái vừa già và đang chuyển dần sang màu vàng nhạt. Trái hồng được thu hái, lau khô và xếp hồng vào một túi nilon dày, lót một lớp giấy báo ở dưới cùng và phủ trên mặt khi túi đầy. Các túi hồng này được cột thật chặt và ủ từ 5-7 ngày là hết vị chát, trở nên giòn hoàn toàn trong môi trường tự nhiên, mà không cần phải dùng nước vôi, hóa chất hay bất cứ loại máy móc nào. Vì thế, hồng giòn Đà Lạt là một loại đặc sản nổi tiếng và hấp dẫn không chỉ bởi sự thơm giòn, thanh ngọt, mà còn bởi sự độc đáo trong cách chế biến. 

Sản phẩm hồng sấy ra đời từ nhu cầu cất trữ hồng trái và tránh hư phí
trong mùa mưa bão

Sản phẩm hồng sấy ra đời từ nhu cầu cất trữ hồng trái và tránh hư phí trong mùa mưa bão

Khi tiết trời vào đông, nắng lạnh và khô ráo, lá hồng đổi sang màu vàng cam và bắt đầu rụng, những trái hồng cũng chuyển màu cam (thường là khoảng tháng 11 đến hết tháng 12) thì người Đà Lạt bắt đầu làm treo hồng gió theo công nghệ Nhật Bản. Trái hồng vừa chín tới vẫn còn độ cứng được gọt vỏ, chừa lại cuống và treo lên giàn thành từng chuỗi các dây hồng có khoảng cách đều nhau, dây này so le với dây kia để các trái hồng không chạm vào nhau. Các dây hồng được treo trong nhà kính nhằm tránh mưa, tránh côn trùng, hong nắng và tránh ánh nắng quá gắt chiếu trực tiếp, nhưng vẫn thoáng gió. 

Cây hồng ở Đà Lạt có thể được trồng đơn độc hoặc thành vườn

Cây hồng ở Đà Lạt có thể được trồng đơn độc hoặc thành vườn

Sau khoảng 5-7 ngày treo, các trái hồng sẽ được xoa bóp nhẹ nhàng đều đặn hai ngày một lần để tiết mật và trở nên mềm dẻo, sẽ bắt đầu chuyển màu cam đậm và nâu dần. Nếu trời nắng đều, thì khoảng 3 tuần là quá trình treo gió hoàn tất, các trái hồng có màu nâu mật sẽ được hạ giàn, cắt cuống và đóng gói thành phẩm. Trái hồng treo gió có bề mặt dai nhẹ, bên trong mềm, lên mật óng ánh, thơm và ngọt hơn cả quả tươi. Ngoài hồng giòn và hồng treo gió, hồng trái Đà Lạt vẫn được thưởng thức theo 2 cách ăn truyền thống là hồng ủ chín và hồng sấy. Nhưng, sản phẩm hồng treo gió Đà Lạt theo công nghệ Nhật Bản trở thành một thức quà độc đáo của xứ lạnh bởi vị ngon ngọt, dinh dưỡng; đồng thời, góp phần nâng cao giá trị của trái hồng Đà Lạt.

Mùa hồng treo gió cũng là khoảng thời gian các vườn hồng đẹp nhất, trở thành điểm đến yêu thích thu hút du khách. Những vườn hồng trên đường Khe Sanh, đèo Mimosa, Triệu Việt Vương; hay, các xã, thị trấn: Xuân Trường, D’ran, Đạ Sar, Đạ Nhim, Đạ Chais... đều có thể thấy thấp thoáng những cây hồng ở hai bên đường bởi màu cam sum suê nổi bật. Du khách có thể xin vào vườn chụp ảnh, thưởng thức những trái hồng chín cây ngọt lịm để có những trải nghiệm thú vị về loài cây được cho là không kỳ công chăm sóc, ít sâu bệnh, và mỗi mùa đều cho trái ngọt bất kể nắng mưa, gió sương...

TIỂU VÂN