(LĐ online) - Đi vào hoạt động tại TP Đà Lạt từ đầu năm nay, Làng An Crafts đang trở thành địa điểm yêu thích của những người thích trải nghiệm tự tay làm ra các sản phẩm thủ công như gốm, mosaic (tranh khảm), tranh hoa đất…
Nhiều bạn trẻ thích thú khi lần đầu trải nghiệm nghề thủ công |
Chị Trần Vũ Thụy Vy - CEO - Co-Founders Làng An Crafts cho biết, trong bối cảnh các làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam đang đối măt với nhiều thách thức như thiếu đầu tư, nghiên cứu, tỷ lệ nghệ nhân giảm dần, nguồn nguyên liệu hiếm hoi, sản phẩm thiếu sáng tạo và giới trẻ ít quan tâm, Làng An Crafts ra đời với mong muốn góp sức gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa - nghệ thuật thủ công đậm bản sắc dân tộc.
Nhân viên của Làng An hướng dẫn cụ thể quy trình làm ra từng sản phẩm |
Sau thời gian dài nghiên cứu tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ nổi tiếng, Thụy Vy và cộng sự của mình nhận ra là thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam đang dần mai một, khó tiếp cận là vì đây nghề cha truyền con nối. Muốn duy trì và phát triển làng nghề hay nghề truyền thống, bắt buộc phải có những người trẻ kế thừa. Chính vì thế, Thụy Vy mong muốn đưa lĩnh vực này đến gần hơn với giới trẻ để truyền cảm hứng giữ gìn văn hóa nước nhà. Kết hợp với đội ngũ những người nghiên cứu sản phẩm và ngành nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam, Làng An crafts xây dựng các nghề như gốm, mosaic (tranh khảm), tranh hoa đất…
“Dù thời đại phát triển vượt bậc với công nghệ thì thủ công vẫn là một phần giá trị vô cùng quý báu của nhân loại. Và chúng ta không thể để chúng mai một hay biến mất vĩnh viễn. Chúng tôi nhận thấy cần phải có những nỗ thiết thực để lưu giữ di sản quý báu này, vì thủ công không chi là nghệ thuật mà còn là biểu tượng của truyền thống lâu đời, là linh hồn của văn hóa dân tộc. Hiểu được điều đó nên chúng tôi càng khao khát đưa lĩnh vực thủ công đến với cộng đồng nhiều hơn”, chị Thụy Vy chia sẻ thêm.
Chăm chút trong từng công đoạn |
Không chỉ đem đến một không gian trải nghiệm thú vị mà ở đây còn cả sự khám phá về sự đa dạng và sức sống mãnh liệt của nghề thủ công Việt Nam và thế giới. Bằng việc tỉ mỉ, chăm chút từ khâu lựa chọn nguyên liệu ban đầu đến chiến lược marketing, xây dựng đội ngũ… để mang đến sự trải nghiệm tốt nhất và tiếp cận tốt nhất với nghề thủ công.
Tranh khảm nhiều màu sắc |
Bên cạnh các workshop thủ công thì nhận gia công sản phẩm theo yêu cầu, kết hợp với các tour du lịch trong và ngoài nước, tổ chức các lớp học ngắn hạn và dài hạn, triển lãm tranh… Giá trị cốt lõi mà những người sáng lập Làng An Crafts hướng đến là sáng tạo và hiện đại hóa để hấp dẫn đối tượng giới trẻ; phát triển bền vững về văn hóa - kinh tế - môi trường; kết nối cộng đồng nghệ nhân và người yêu thích nghệ thuật; khơi nguồn cảm hứng cho văn hóa sáng tạo; bảo vệ môi trường bằng việc sử dụng nguyên vật liệu thân thiện, có thế tái chế; hợp tác chính quyền địa phương bảo tồn nghề truyền thống; tạo việc làm cho giới trẻ đam mê thủ công.
Dù đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng nhờ mô hình hoạt động mới mà Làng An cũng đã thu hút được nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, đặc biệt là giới trẻ. Trong chuyến du lịch Đà Lạt mùa hè này, chị Thùy Duyên (TP Hồ Chí Minh) đã đăng ký cho con 1 lớp làm gốm tại Làng An. Bởi chị mong muốn thông qua đây sẽ giúp 2 con nhỏ của mình có thêm một trải nghiệm mới, rèn luyện cho bé sự tập trung, tính kiên nhẫn thay vì sử dụng điện thoại hay thiết bị điện tử. Đồng thời cả gia đình cùng nhau trải nghiệm thì cũng tăng cường sự trao đổi, kết nối với nhau.
Đây cũng là lựa chọn để giải trí của giới trẻ |
Với thời gian khoảng từ 1 - 3 tiếng mỗi buổi, mỗi vị khách đến không chỉ được học về lý thuyết mà còn thực hành ngay trên sản phẩm mình. Tất cả các workshop đều được các bạn nhân viên chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ cũng như hướng dẫn chi tiết để khách hàng có thể nắm được quy trình và tinh thần của sản phẩm sau khi hoàn thiện. Mỗi vị khách tham gia workshop đều được trải nghiệm tự nặn đất trên bàn xoay, tạo hình, gọt giũa, vẽ màu trang trí… với sự hướng dẫn của nhân viên, sau đó gửi lại xưởng gốm ở cơ sở để chờ phơi khô, đem đi tráng men và nung, sau đó đóng gói và chuyển về địa chỉ khách theo yêu cầu.
Niềm vui khi tự mình làm ra những sản phẩm độc đáo |
“Đây là lần đầu tiên em tiếp xúc với nghề làm gốm. Làm ra một sản phẩm gốm không quá khó nhưng yêu cầu sự tỉ mỉ, tập trung và cũng phải chăm chút trong từng động tác, từng nét vẽ để có thể làm ra một sản phẩm ưng ý. Và dù xấu, đẹp ra sao thì đó cũng là sản phẩm làm ra bằng sự sáng tạo của chính mình”, bạn Nguyễn Hoài Văn (TP Đà Lạt) chia sẻ.
Trong nỗ lực giữ gìn và truyền bá văn hóa - nghệ thuật truyền thống, chính những người trẻ tuổi với niềm đam mê và tâm huyết là hạt nhân quảng bá, giới thiệu với du khách, đồng thời không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước, để bạn bè thế giới có thể thấy được những gì tinh hoa nhất của làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam.