Việc TripAdvisors công bố tour vượt thác (Canyoning Dalat) và tour tham quan 3 thác nước (Three waterfalls tour in Dalat) trong danh sách những Giải thưởng “Best of the Best của Travellers' Choice 2024” - ở lĩnh vực các hoạt động du lịch thiên nhiên và ngoài trời (Best Nature & Outdoor) giúp du lịch thể thao mạo hiểm của Đà Lạt thêm toả sáng; nhưng, cũng đặt ra những thách thức trong mục tiêu phát triển du lịch chất lượng cao và bền vững.
Hoạt động đu dây vượt thác ở Khu du lịch thác Datanla đem đến những giây phút sảng khoái cho du khách như thế này... Ảnh: Công ty Highland Holidays |
Trong nhiều giá trị tài nguyên du lịch của Lâm Đồng- Đà Lạt, thì khí hậu, địa hình và môi trường sinh thái tự nhiên đang tạo nên sự yêu thích và quyến rũ của các loại hình du lịch thiên nhiên, ngoài trời đối với khách du lịch đến Đà Lạt, Lâm Đồng. Riêng hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm, như: đi bộ leo núi, đi xe đạp địa hình, đu dây vượt thác, chèo sup, dù lượn, leo vách đá… đã được Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho phép 10 đơn vị khai thác kinh doanh từ năm 2017, tại các địa điểm trong tỉnh Lâm Đồng, như: Hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt), thác Datanla (Đà Lạt), Khu du lịch Thung lũng vàng (huyện Lạc Dương), Khu du lịch Rừng Madagui (huyện Đạ Huoai), thác Đasar (huyện Lạc Dương), sông Đạ Đờn (huyện Lâm Hà).
Du lịch thể thao mạo hiểm là loại hình hoạt động có điều kiện cho cả người chơi và đơn vị tổ chức, vận hành, kinh doanh... nhưng luôn là loại hình du lịch hấp dẫn và khá quen thuộc với những du khách nước ngoài, dù chi phí khá cao (khoảng 1,8 triệu đồng/khách), dù giá đã giảm rất sâu so với những năm đầu phát triển (từ 20 - 30 USD/khách)... Thực tế, loại hình du lịch thể thao mạo hiểm ở Lâm Đồng - Đà Lạt hoạt động mạnh từ những năm 2010, nhưng đến năm 2022, Lâm Đồng mới hình thành và ra mắt Chi hội Du lịch Thể thao mạo hiểm Lâm Đồng - Đà Lạt, với mong muốn, các đơn vị hoạt động kinh doanh loại hình du lịch thể thao mạo hiểm cùng nhau chung sức, đồng lòng tổ chức hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm một cách quy mô, chuyên nghiệp, phát triển sản phẩm và nâng tầm một loại hình du lịch thể thao độc đáo, đóng góp vào sự phát triển chung của du lịch Việt Nam.
Các công ty du lịch luôn nỗ lực hướng đến đa dạng hóa những loại hình du lịch thể thao trong môi trường dã ngoại. Ảnh: Công ty Highland Adventures |
Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá mới đây của Chi hội Du lịch Thể thao mạo hiểm Lâm Đồng - Đà Lạt (thuộc Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt): Lượng khách đến Đà Lạt - Lâm Đồng và tham gia các hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm sụt giảm trong thời gian qua. Ngoài những nguyên nhân khách quan như tình hình chiến tranh tại một số khu vực ảnh hưởng đến nguồn khách (Do Thái, châu Âu...); còn có một số nguyên nhân ảnh hưởng khá rõ nguồn khách đến Đà Lạt, là sức hấp dẫn của vùng rừng núi phía Bắc dành cho đối tượng khách trẻ, hay các loại hình du lịch thể thao mạo hiểm chuyên nghiệp và có tổ chức dần trở nên phổ biến ở các địa phương khác, tạo cho du khách nhiều chọn lựa hơn khi đến Việt Nam...
Nhu cầu du lịch dã ngoại của giới trẻ nội địa tăng, nhưng chỉ dừng lại ở các dịch vụ đơn giản; ngược lại, hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm phát sinh những rủi ro khi tổ chức tự phát hoặc được tư vấn, giới thiệu từ những nguồn thông tin không chuyên nghiệp… Chính vì vậy, du lịch thể thao mạo hiểm cũng có nhiều vấn đề cần nghiêm túc xem xét, nhìn nhận và tìm hướng khắc phục, nhất là trong thời điểm mùa mưa bão. Hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, phá giá có thể dẫn đến việc phát triển mất cân đối, làm suy giảm chất lượng, gây thất vọng với du khách, tạo giá trị thấp trên doanh thu, không xứng tầm với tiềm năng, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển du lịch chất lượng cao và bền vững…
Hướng dẫn viên du lịch thể thao mạo hiểm ở Đà Lạt - Lâm Đồng phải được đào tạo chuyên nghiệp. Ảnh: Công ty Phat Tire Ventures Vietnam |
Theo ông Võ Đức Trung - Chủ tịch Chi hội Du lịch Thể thao mạo hiểm Lâm Đồng - Đà Lạt: Du lịch thể thao mạo hiểm ở Lâm Đồng - Đà Lạt đã đến lúc cần phải chuẩn hoá để đi lên một cách bài bản, an toàn, chuyên nghiệp theo chuẩn mực quốc tế; để thu hút một lượng khách lớn hơn, phát triển rộng hơn thị trường khách du lịch thể thao mạo hiểm... Ông Trung cho biết thêm: Mặc dù các thành viên trong Chi hội luôn nỗ lực để duy trì hoạt động; nhưng, các tồn tại chưa có giải pháp xử lý dứt điểm, dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh, làm giảm chất lượng của hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn khác... Chi hội cũng đang chủ trương đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch và Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt tổ chức chấn chỉnh lại hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm, tập trung nâng cao chất lượng và trình độ chuyên nghiệp của các thành viên trong Chi hội nói riêng, cũng như hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm ở Lâm Đồng nói chung...