Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số hỗ trợ công tác quản lý, kinh doanh du lịch và nâng cao trải nghiệm du lịch

  • 11/10/2024
  • s 08:57

(TITC) - Nhằm thiết thực hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) trân trọng giới thiệu Hệ sinh thái du lịch thông minh hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh du lịch và nâng cao trải nghiệm du khách, hướng tới áp dụng đồng bộ, thống nhất trong ngành.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh yêu cầu chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Gần đây, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài viết quan trọng "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới". Có thể khẳng định chuyển đổi số là định hướng chiến lược trong sự phát triển thời đại ngày nay, mở ra cơ hội cho các quốc gia bứt phá vươn lên.

Triển khai các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể  thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong thời gian qua, Trung tâm Thông tin du lịch với vai trò đơn vị đầu mối trong ứng dụng chuyển đổi số ngành du lịch đã tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển ngành du lịch trong tình hình mới, góp phần ứng phó linh hoạt, an toàn với Covid-19, đẩy nhanh phục hồi và tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam sau đại dịch.

Hệ sinh thái du lịch thông minh của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam

Nhiệm vụ quan trọng nhất là Trung tâm Thông tin du lịch đã tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc nhằm hỗ trợ cả 3 lĩnh vực: (1) Công tác quản lý nhà nước, (2) Hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, (3) Nâng cao trải nghiệm du khách theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh, bền vững thời gian tới.

Yếu tố then chốt để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh đồng bộ, thống nhất đó là hình thành các nền tảng số dùng chung trong toàn ngành để tạo sự tập trung, đồng bộ về dữ liệu, khắc phục tình trạng manh mún, “trăm hoa đua nở”, lãng phí nguồn lực.

Các nền tảng số dùng chung trong ngành du lịch đã được Trung tâm Thông tin du lịch phát triển và đưa vào vận hành gồm có:

Hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam: phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương, với nhiều cơ sở dữ liệu thành phần như doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên, khu/điểm du lịch...

Giao diện website cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam

Phần mềm báo cáo thống kê du lịch từ Trung ương đến cơ sở: hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong ngành du lịch thực hiện báo cáo thống kê theo quy định tại các Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”: đây là nền tảng số tích hợp đa dịch vụ nhằm hỗ trợ toàn diện du khách với nhiều tiện ích như: tra cứu thông tin du lịch, bản đồ số du lịch, đặt vé máy bay, đặt phòng, mua vé tham quan, mua sắm hàng hóa, quản lý tour du lịch, phản ánh tới cơ quan chức năng...

Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh được tích hợp trên ứng dụng “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”

Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh: được phát triển với công nghệ hiện đại, an toàn, bảo mật, hỗ trợ du khách giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt một cách an toàn, thuận tiện, nhanh chóng theo chủ trương chung của Chính phủ. Thẻ còn được tích hợp trên ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” để tạo thuận lợi nhất cho du khách thực hiện giao dịch, thanh toán.

Ứng dụng “Quản trị và Kinh doanh du lịch”: hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch kết nối với khách hàng, thiết lập điểm chấp nhận thanh toán trực tuyến, cung cấp sản phẩm, kết nối với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch.

Trang vàng du lịch Việt Nam: đóng vai trò là một nền tảng giao dịch trực tuyến hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tổ chức quảng bá sản phẩm, bán hàng, tương tác với du khách.

Khách nước ngoài xếp hàng qua cổng soát vé điện tử tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - Liên thông - Đa phương thức”: được thiết kế để áp dụng tại các điểm tham quan, khu di tích, khu vui chơi giải trí có bán vé. Hỗ trợ các điểm tham quan kiểm soát tối ưu quy trình quản lý vận hành bán vé, soát vé; tạo thuận lợi hơn cho du khách khi đến mua vé vào cửa giảm thiểu tối đa thời gian chờ đợi; hỗ trợ hướng dẫn viên khi đưa khách đến tham quan, nhất là các đoàn khách đông chỉ cần 01 vé duy nhất cho cả đoàn, đồng thời xuất hóa đơn điện tử...

Hệ thống vé điện tử cũng đã được áp dụng tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

- Hệ thống Thuyết minh đa phương tiện (Multi-media Guide): được thiết kế để có thể áp dụng cho tất cả điểm du lịch, di tích, bảo tàng… có nhu cầu thuyết minh giới thiệu thông tin cho khách tham quan. Sản phẩm này được tích hợp trên ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”.

Có thể thấy các nền tảng số dùng chung nói trên được thiết kế để tạo thành một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện cho cả công tác quản lý, hoạt động kinh doanh và nâng cao trải nghiệm du khách. Việc áp dụng một cách rộng rãi, đồng bộ, thống nhất trong ngành du lịch sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, kinh doanh du lịch cũng như tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho du khách.

Giao diện website vietnam.travel quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới

Bên cạnh việc xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, Trung tâm Thông tin du lịch đã đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam trên các kênh truyền thông số gồm có website, mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram, Zalo đến du khách ở trong nước và quốc tế. Các website du lịch quốc gia của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam do Trung tâm Thông tin du lịch quản lý, vận hành như https://vietnamtourism.gov.vn và https://vietnam.travel được ứng dụng công nghệ hiện đại, nội dung phong phú, hấp dẫn, hình ảnh đẹp, video clip sinh động, thu hút lượng truy cập rất lớn từ độc giả trong nước và quốc tế. Website quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài https://vietnam.travel có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng website toàn cầu, trong tốp đầu khu vực Đông Nam Á.

Video clip "Việt Nam: Đi Để Yêu!" do Trung tâm Thông tin du lịch xây dựng hỗ trợ Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa với chủ đề "Nha Trang - Khanh Hoa: Touching your heart!" đã vượt mốc 1 triệu lượt xem trên nền tảng số YouTube chỉ sau 1 tuần ra mắt

Chương trình "Việt Nam: Đi Để Yêu!" của Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) vinh dự nhận Giải Nhì Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ VIII

Đặc biệt, từ năm 2021, Trung tâm Thông tin du lịch đã triển khai chương trình truyền thông trên YouTube với chủ đề "Việt Nam: Đi Để Yêu!" thông qua xây dựng các video clip sinh động, hấp dẫn quảng bá điểm đến, thương hiệu du lịch Việt Nam và các địa phương, điểm đến. Chương trình "Việt Nam: Đi Để Yêu!" đã vinh dự được trao Giải Nhì tại Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ VIII năm 2022 do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng các cơ quan báo chí chủ lực tổ chức.

Triển lãm đặc biệt “Vibrant Vietnam” trên Google Arts & Culture

Ứng dụng công nghệ cũng góp phần nâng cao trải nghiệm cho du khách và quảng bá vẻ đẹp các điểm đến đến với du khách trong và ngoài nước. Thời gian qua, Trung tâm Thông tin du lịch đã phối hợp với Google quảng bá nhiều dự án triển lãm trực tuyến trên nền tảng số Google Arts & Culture, nơi được mệnh danh là Bảo tàng văn hóa trực tuyến hàng đầu thế giới để góp phần lan tỏa sức hấp dẫn của văn hóa, nghệ thuật, du lịch Việt Nam.

Dự án "Wonders of Vietnam" trên nền tảng số Google Arts & Culture

Trong đó, có dự án “Kỳ quan Việt Nam” (Wonders of Vietnam) với 35 triển lãm trực tuyến và hơn 1.300 bức ảnh về điểm du lịch nổi tiếng, các di sản, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và ẩm thực Việt Nam. Các triển lãm này đã tôn vinh các thắng cảnh tự nhiên, di sản vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận của Quảng Bình, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Gần đây nhất là dự án “Vibrant Vietnam” cũng đã chính thức được phát hành trực tuyến trên nền tảng Google Arts & Culture, tập trung giới thiệu về cộng đồng các dân tộc anh em cùng với những đặc điểm tự nhiên đa dạng trải dài từ Bắc tới Nam của đất nước Việt Nam.

Trung tâm Thông tin du lịch phối hợp với Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam tổ chức Hội nghị giới thiệu Thẻ Việt - Thẻ du lịch quốc gia

Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững, Trung tâm Thông tin du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số hỗ trợ nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, truyền thông quảng bá, kinh doanh du lịch và trải nghiệm của du khách. Trong đó tập trung vào một số giải pháp chính như sau:

1) Tuyên truyền nâng cao nhận thức của các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp và cộng đồng về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong ngành du lịch, quán triệt tinh thần chuyển đổi số du lịch ở các địa phương cần đồng bộ với nội dung chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 08/CT-TTg.

2) Thúc đẩy việc triển khai áp dụng rộng rãi các nền tảng số dùng chung trong ngành du lịch như đã nêu ở trên để tạo sự đồng bộ và liên thông về dữ liệu, tránh tình trạng manh mún, lãng phí nguồn lực.

Trung tâm Thông tin du lịch và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Lạng Sơn ký kết Kế hoạch hợp tác chuyển đổi số du lịch Lạng Sơn năm 2024

3) Tổ chức các chương trình tập huấn hướng dẫn chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ quản lý, điểm đến, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn để tạo nhận thức chung, thống nhất hành động.

4) Đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam trên các trang mạng du lịch quốc gia của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam có lượng truy cập đông. Tiếp tục triển khai chương trình truyền thông trên YouTube "Việt Nam: Đi Để Yêu!" để quảng bá du lịch thông qua các video clip hấp dẫn.

5) Tăng cường phối hợp quảng bá văn hóa, nghệ thuật, du lịch trên các nền tảng toàn cầu như Google Arts & Culture, YouTube để tạo sự lan tỏa rộng rãi đến khán giả toàn cầu./.

Trung tâm Thông tin du lịch