(LĐ online) - Ngày 19/12, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thi hành Luật Du lịch 2017.
Đồng chí Hồ An Phong - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; đồng chí Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đồng chủ trì hội nghị.
Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng |
Tại điểm cầu Lâm Đồng, đồng chí Nguyễn Anh Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở.
Ngày 16/01/2017, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa lịch sử đối với sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam, thể hiện quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất của Đảng nhằm đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến |
Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ quan điểm: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao. Phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa, phát triển du lịch bền vững, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Nghị quyết 08 nhấn mạnh, phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng |
Nhìn lại chặng đường từ khi có Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, ngành Du lịch đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, hành lang pháp lý cho du lịch dần được hoàn thiện, quản lý nhà nước về du lịch từng bước được nâng cao, lượng khách quốc tế và nội địa tăng lên nhanh chóng, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng được hoàn thiện, nguồn thu từ du lịch ngày càng tăng, du lịch ngày càng khẳng định vai trò đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ Trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong nhấn mạnh: Nghị quyết số 08 NQ/TW đã ra đời 8 năm và 7 năm thi hành Luật Du lịch 2017; đây là dịp cần thiết để tổng kết, đúc rút những vấn đề quan trọng nhằm tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước những cơ chế, chính sách và tiến tới tham mưu, đề xuất điều chỉnh Luật Du lịch trong thời gian tới nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, tạo môi trường kinh doanh và hoạt động du lịch công bằng, hiệu quả, để du lịch tiếp tục phát triển bền vững. Nhìn lại lịch sử 65 năm cua ngành Du lịch thi Nghị quyết 08 là chủ trương quan trọng nhất của ngành du lịch.
Lâm Đồng cũng có 4 kiến nghị gửi đến hội nghị |
Thứ trưởng Hồ An Phong cũng cho rằng, vai trò của ngành du lịch hiện nay đặc biệt quan trọng và đã được xác định rất rõ là một ngành kinh tế tổng hợp. Đây là yếu tố rất quan trọng. Vì vâỵ, cần sự đồng bộ về chủ trương, Luật pháp của nhiều ngành liên quan.
“Du lịch có tính chất đi trước, dẵn dắt các ngành kinh tế khác. Chúng ta phải nhận thức rằng, Du lịch hiện có tác động rất toàn diện, chứ không chỉ là xem xét trong nội hàm của việc thu nhập và việc làm trong lĩnh vực du lịch mà thôi. Vì vậy, việc đánh giá Nghị quyết số 08 lần này cần phải ánh giá những chuyển biến cơ bản trong nhận thức và hành động với mối quan hệ tổng hoà. Phải đánh giá khách quan, đánh giá sâu, và ở tất cả các địa phương. Luật Du lịch cũng vậy, 5 năm đi vào cuộc sống, lần này cũng rất cần được tổng kết chỉ ra những điểm còn bất cập, hạn chế để tiến tới điều chỉnh Luật mới trong thời gian tới”, Thứ Trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Hồ An Phong nhấn mạnh.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, giai đoạn 2016 - 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng từ 10 triệu lên 18 triệu (tăng 1,8 lần), khách nội địa từ 62 triệu lượt lên 85 triệu lượt (tăng 1,3 lần). Tổng thu từ du lịch tăng từ 401.000 tỷ đồng lên 755.000 tỷ đồng (tăng gần 1,9 lần). Đóng góp trực tiếp của ngành du lịch vào GDP từ 6,96% lên 9,2% (tăng 1,3 lần), tạo ra khoảng 2,9 triệu việc làm. Tuy nhiên, giai đoạn 2020 - 2022 đại dịch Covid-19 bùng phát, tác động nghiêm trọng đối với ngành du lịch. Đến năm 2023, du lịch dần phục hồi, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 108,2 triệu lượt, vượt 6,0% so với kế hoạch. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng vượt 3,38% so với kế hoạch.
Đây là dịp cần thiết để tổng kết, đúc rút những vấn đề quan trọng nhằm tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước những cơ chế, chính sách và tiến tới tham mưu, đề xuất điều chỉnh Luật Du lịch trong thời gian tới nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, tạo môi trường kinh doanh và hoạt động du lịch công bằng, hiệu quả, để du lịch tiếp tục phát triển bền vững |
Tại hội nghị, đại diện một số đơn vị, ban ngành trung ương và các địa phương đã có bài tham luận, ý kiến phát biểu đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết số 08 và có những đề xuất trong thời gian tới.
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cũng đề xuất một số nội dung nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch: đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Du lịch 2017 theo hướng quy định các khu, điểm du lịch phải được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh, điểm du lịch mới được tổ chức kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch; nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch. Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7796:2009 về bãi cắm trại du lịch cho phù hợp với các quy định và tình hình thực tế hiện nay; tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý các loại cơ sở lưu trú du lịch đối với bãi cắm trại du lịch. Hiện nay Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7796:2009 về bãi cắm trại du lịch đã không còn phù hợp với Luật Du lịch 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, cũng như tình hình thực tế hiện nay.