Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Một lần chinh phục Tà Năng – Phan Dũng

  • 30/05/2022
  • s 14:44

Những cơn mưa đầu mùa nhả xuống vùng đất nóng rát sau nhiều tháng chỉ có nắng và gió khiến cây cối bừng tỉnh. Đồi cỏ cháy trùng trùng, điệp điệp sau vài tuần đã xanh rì trở lại trải dài tít tắp, tạo thành thảo nguyên mênh mông, băng từ địa phận tỉnh Lâm Đồng sang Bình Thuận. Đó là con đường trekking nức tiếng Tà Năng – Phan Dũng.

Trước khi khởi hành hơn một tuần, tôi nhận được cuộc gọi của đơn vị tổ chức tour trekking Tà Năng – Phan Dũng với lời “khuyến cáo”: Để hành trình sắp tới của bạn diễn ra suôn sẻ, ngay từ bây giờ, bạn phải luyện tập đi bộ, leo đồi ít nhất vài cây số mỗi ngày để cơ thể, nhất là đôi chân sớm thích nghi khi bước vào chặng đường leo núi dài 30km sắp tới!.. Rồi ngày đôi chân phải “làm việc” thực sự cũng đã tới. Chúng tôi bắt đầu hành trình chinh phục Tà Năng – Phan Dũng với thời gian hai ngày một đêm. Điểm khởi đầu được đánh dấu từ cánh đồng lúa của đồng bào Churu thuộc xã Tà Năng, huyện Đức Trọng.

Trước lúc khởi hành, các hướng dẫn viên du lịch của đơn vị tổ chức tour phổ biến cho chúng tôi những quy tắc an toàn cơ bản nhất mà bất cứ một vị khách nào cũng buộc phải tuân thủ. Ngoài những vật phẩm thiết yếu để phục vụ chuyến “bộ hành”, chúng tôi được công ty du lịch phát thêm mỗi người một cây gậy, áo mưa và chai nước. Những nương rẫy, nhịp sống khoan thai thường ngày của đồng bào Churu dần bỏ lại phía sau, chỉ còn tiếng thông reo vi vu, tiếng gió thổi xào xạc mát rượi khiến các thành viên trong đoàn ai cũng thích thú, hứng khởi bước đi không biết mỏi. Sau 6km đường rừng nhưng tương đối bằng phẳng, bây giờ mới thực sự là cung đường trekking nổi tiếng đầy thử thách nhưng cũng lắm mộng mơ.

Con đường mòn vắt ngang qua các quả đồi cây cối xanh rì như một bức tranh thiên nhiên đã đạt tới mức hoàn mĩ được phóng tác từ người họa sĩ tài hoa. Đứng giữa núi rừng trùng trùng, điệp điệp, đẹp tới mê hồn, các thành viên trong đoàn của chúng tôi ai cũng phải thốt lên những tiếng đầy ngạc nhiên, thán phục bởi nét đẹp của tạo hóa. Hầu hết mọi người đều phải thừa nhận, hiếm có nơi nào phong cảnh lại đẹp, thơ mộng và ấn tượng như cung đường trekking Tà Năng – Phan Dũng.

Vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận được đánh dấu bằng cột mốc chóp inox in hình ngôi sao, đặt trên một tảng đá lớn. Bao quanh khu vực là những đồi cỏ xanh mướt đang xôn xao trước từng cơn gió từ miền biển thổi vào, hoang sơ như một thảo nguyên lạ lẫm. Ở đây có thể nhìn thấy ngọn núi cao nhất khu vực do người Pháp đặt tên là Hòn Diên gắn liền với câu chuyện về một con cọp 3 chân hung dữ trong quá khứ. Từ ranh giới hai tỉnh sẽ có hai hướng đi về phía Phan Dũng. Nếu đi thẳng về đồi Lính sẽ mất 2 ngày 1 đêm, rẽ trái thì đến thác Yavly sẽ mất 3 ngày 2 đêm.

Khi ánh nắng xế tà, chúng tôi đặt chân tới đồi “Hai Cây Thông”. Đây là điểm cao lý tưởng để cắm trại nghỉ ngơi qua đêm. Nhưng, trước khi bóng tối buông xuống, cả đoàn có một “bữa tiệc” thưởng thức hoàng hôn vàng rực giữa núi rừng bát ngát xanh rì. Bữa ăn thi vị giữa chốn hoang vu không nhiều món nhưng đủ chất dinh dưỡng để tiếp thêm năng lượng cho mỗi người trong cuộc hành trình còn lại của tuyến đường Tà Năng – Phan Dũng. Dĩ nhiên, trong thực đơn tối không thể thiếu được vò rượu cần do chính tay của bà con đồng bào Churu sản xuất được lên men bằng lá cây rừng. Gia vị cho bữa ăn đêm của cả đoàn là lời ca tiếng hát góp vui từ những “ca sĩ” chưa một lần bước chân lên sân khấu. Nếu hoàng hôn nơi đây làm cho con người lắng đọng, gom dẹp cuộc sống bận rộn thường nhật để chiêm nghiệm cuộc đời thì khi ngắm bình minh lên trên tuyến đường trekking đẹp như mộng này, người ta dễ dàng rũ bỏ những ưu tư, phiền muộn để kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.

Để về đích, cả đoàn bắt đầu hạ độ cao từ 900m xuống còn 400m so với mặt nước biển. Sự thay đổi độ cao ngoài được xác định bằng địa hình còn thể hiện sinh động qua sự sắp đặt của cỏ cây, tạo hóa. Hệ rừng ôn đới lá kim được chuyển dần sang rừng hỗn giao lá rộng - lá kim, rồi tới những trảng cỏ và cuối cùng là hệ rừng thưa rụng lá với đặc trưng là rừng khộp. Chiều ngày thứ hai của cuộc hành trình thì cả đoàn hoàn thành chinh phục tuyến Tà Năng – Phan Dũng đầy mộng mị bằng việc đặt chân tới địa bàn xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Khép lại tour “bộ hành” Tà Năng – Phan Dũng, tất cả các thành viên trong đoàn chúng tôi đều có được những trải nghiệm, khám phá thật thú vị. Mặc dù không hứa hẹn thành lời nhưng trong lòng hầu như ai cũng đặt ra dự định, một ngày gần nhất sẽ trở lại nơi đây: Tà Năng – Phan Dũng ơi!..

KHẮC LỊCH