Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Việt Nam là thị trường cung cấp rau củ lớn thứ 2 cho thị trường Đài Loan

  • 29/04/2022
  • s 14:07

Thị phần nhập khẩu chủng loại hàng rau củ (mã HS 07) của Việt Nam tăng trong tổng nhập khẩu của thị trường Đài Loan.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan thị trường Đài Loan cho biết, trị giá nhập khẩu chủng loại hàng rau củ (mã HS 07) của thị trường Đài Loan trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt 49,2 nghìn tấn, trị giá 53 triệu USD, giảm 18,4% về lượng và giảm 22,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường Đài Loan nhập khẩu hàng rau củ (mã HS 07) nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc, Việt Nam và Hoa Kỳ trong 3 tháng đầu năm 2022, chiếm 47,9% tổng lượng hàng rau củ nhập khẩu. Trong đó, lượng và trị giá nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 9,1 nghìn tấn, trị giá 10,6 triệu USD, tăng 8,8% về lượng và tăng 17,3% về trị giá, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 4,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.

Tiếp theo là nhập khẩu từ thị trường Việt Nam đạt 8,9 nghìn tấn, trị giá 8,8 triệu USD, tăng 3,3% về lượng và tăng 27,2% về trị giá, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam tăng 3,8%; Hoa Kỳ đạt 5,5 nghìn tấn, trị giá 3,8 triệu USD, giảm 13,8% về lượng và giảm 2,2% về trị giá, tỷ trọng tăng 0,6 điểm phần trăm trong tổng lượng hàng rau củ nhập khẩu của thị trường Đài Loan.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, thị trường Đài Loan nhập khẩu nhiều nhất chủng loại hành tây, hẹ tây, tỏi tây và các loại rau họ hành, tỏi khác, tươi hoặc ướp lạnh (mã HS 0703), đạt 12,8 nghìn tấn, trị giá 10,5 triệu USD, giảm 29,3% về lượng và giảm 63,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp chính chủng loại này cho thị trường Đài Loan, tiếp theo là thị trường Argentina và Australia. Các loại đậu khô, đã hoặc chưa bóc vỏ hạt hoặc làm vỡ hạt (mã HS 0713) là chủng loại lớn thứ 2 thị trường Đài Loan nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm 2022, đạt 9,45 nghìn tấn, trị giá 8,6 triệu USD, tăng 14% về lượng và tăng 48,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Canada, Trung Quốc và Myanmar là 3 thị trường chính cung cấp mã hàng này cho thị trường Đài Loan.

TTTTCN&TM