Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Xuất khẩu cà phê năm 2022 dự báo nhiều lạc quan cả về giá và sản lượng

  • 17/06/2022
  • s 16:39

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã vọt tăng trong 5 tháng đầu năm và dự báo tiếp tục tăng mạnh mẽ cả về giá và sản lượng trong năm 2022.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dự báo sản lượng cà phê thế giới trong niên vụ 2021-2022 giảm 8,5 triệu bao (tương ứng giảm 4,8%) so với niên vụ 2020-2021, xuống còn 167,5 triệu bao (loại 60 kg/bao). Nguyên nhân là do cà phê Arabica tại Brazil bước vào chu kỳ năng suất thấp hai năm một lần và ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết bất lợi.

Báo cáo từ Cecafé của Brazil cho thấy, vụ thu hoạch cà phê Robusta bị chững lại do yếu tố thời tiết không thuận lợi, trong khi đó, nhu cầu cà phê nguyên liệu để sản xuất cà phê hòa tan và rang xay cũng tăng cao, có khả năng lên tới 22,5 triệu bao trong năm nay.

Việt Nam là quốc gia lớn thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, chỉ đứng sau Brazil. Trong năm 2022, nguồn cà phê từ Brazil giảm sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nói chung, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam.

Thông tin từ Bộ Công Thương cũng cho biết, bước sang tháng 5.2022, xuất khẩu cà phê có nhiều tín hiệu lạc quan khi giá cà phê thế giới tăng trở lại và nhu cầu tiêu thụ cà phê trên thế giới cũng tăng. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố hậu thuẫn cho tăng trưởng xuất khẩu cà phê như: Cảng biển giao thương Thượng Hải được dỡ bỏ lệnh phong tỏa giúp hàng hóa toàn cầu được lưu thông thuận tiện hơn; số lượng hàng mới từ Brazil bán ra giảm do người trồng cà phê ghim hàng chờ tỉ giá tiền có lợi hơn…

Các chuyên gia dự báo giá cà phê có thể sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung cà phê Arabica chế biến ướt chất lượng cao cho sàn New York chủ yếu từ khối sản xuất Mexico khu vực Trung Mỹ dường như đã cạn kiệt do việc đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn giá cao từ đầu năm.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng xuất khẩu cà phê sang 5 thị trường hàng đầu thế giới là: Mỹ, Đức, Pháp, Canada và Italia. Các nền kinh tế lớn trên thế giới phục hồi cũng giúp thúc đẩy tiêu thụ cà phê trở lại. Đặc biệt, cà phê Rubsta của Việt Nam cũng được hưởng lợi nhờ xu hướng tiêu thụ cà phê hòa tan ngày một gia tăng trên thế giới.

Những yếu tố trên đã hỗ trợ cho giá cà phê trong nước ở mức lạc quan. Tại thị trường trong nước, tháng 5.2022, giá cà phê Robsuta có xu hướng phục hồi theo giá thế giới. Ngày 28.5.2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng 600 đồng/kg so với ngày 29.4.2022, lên mức 42.000 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk; 41.400 đồng/kg tỉnh Lâm Đồng; 41.900 đồng/kg tại các tỉnh Gia Lai và Đắk Nông...

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2022, ngành nông nghiệp đã có 9 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD, gồm cà phê, cao su, gạo, điều, nhóm rau quả, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ và nhóm đầu vào phục vụ sản xuất. Riêng xuất khẩu cà phê đạt khoảng 889 nghìn tấn mang về trên 2 tỉ USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước.

TTTTCN&TM