Doanh nghiệp (DN) được xem là một lực lượng có tầm quan trọng về kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Các DN hoạt động trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân từ sản xuất công nghiệp, xây dựng, đến thương mại, dịch vụ... Không chỉ có vai trò lớn trong phát triển kinh tế mà còn góp phần giải quyết nhiều vấn đề xã hội. Việc gia tăng đầu tư, hoạt động thương mại của doanh nghiệp không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn đóng góp vào sự phát triển xã hội, ổn định an ninh quốc phòng. Chính vì vậy, trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, tất cả các quốc gia và các vùng, địa phương trực thuộc mỗi quốc gia đều quan tâm đến hoạt động hỗ trợ các DN nhằm huy động tối đa các nguồn lực tham gia phát triển. Các địa phương cần tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Tại tỉnh Lâm Đồng, hoạt động hỗ trợ DN trong thời gian qua được chú trọng, nhiều chính sách được UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành để đồng hành cùng doanh nghiệp như: Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Quyết định số 2677/QĐ-UBND ngày 03/11/2021 về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 8552/KH-UBND ngày 28/11/2021 về cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 9025/KH-UBND ngày 10/12/2021 về Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025”; Quyết định số 206/QĐ-UBND ngày 28/01/2022 về việc thành lập Tổ công tác đối thoại và giải quyết kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chương trình hành động số 689/CTr-UBND ngày 27/01/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh… Chính vì vậy, trong những năm qua, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh cả về số lượng, vốn đăng ký, chất lượng và hiệu quả; quy mô và loại hình doanh nghiệp tăng lên, hình thức đầu tư phong phú; hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng cao, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước. tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động giảm đáng kể (số DN thành lập mới trung bình hàng năm tăng hơn 10%; đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng số lượng doanh nghiệp đạt trên 11.600 doanh nghiệp, trong đó có 98,05% doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổng vốn điều lệ đạt 139.000 tỷ đồng, vốn điều lệ bình quân của một doanh nghiệp đạt 12 tỷ đồng/1 doanh nghiệp, tăng 40% so với năm 2015; giai đoạn 2016-2018, kết quả sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh liên tục phát triển, doanh thu thuần năm sau cao hơn so với năm trước, bình quân tăng 16,88%). Nhiều doanh nghiệp đã hình thành nên mô hình sản xuất mới với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các mô hình quản trị mới được áp dụng; thu hút được nhiều lao động với tay nghề và chất lượng cao; việc đào tạo và đào tạo lại lao động được chú trọng; quyền lợi của người lao động được đảm bảo. Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp đã và đang khai thác lợi thế vốn có của tỉnh nhà rất hiệu quả với những sản phẩm có chất lượng cao, có tính cạnh tranh trên thì trường, trở thành doanh nghiệp lớn và được nhiều người biết đến với thương hiệu được đầu tư bài bản; đã thâm nhập và hình thành các kênh phân phối tại thị trường nước ngoài… Và thực tế, nhiều doanh nghiệp đã được nhận các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng như: Huân chương lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, giải thưởng Sao vàng Đất Việt,...
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực như vậy; nhưng về phía hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn còn những khó khăn, nhất là những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, cụ thể: (1) Đa số DN trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; quy mô sản xuất chưa đủ lớn; nguồn vốn còn hạn chế và khả năng tiếp cận nguồn vốn để mở rộng quy mô và nâng cao năng lực quản trị sản xuất còn khó khăn; năng lực cạnh tranh của một số doanh nghiệp không cao; sản phẩm hàng hóa dịch vụ chưa đạt sức cạnh tranh cao ngay cả ở thị trường trong nước; một số doanh nghiệp sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng chưa đồng đều; khả năng liên kết chưa cao; sự liên kết chuỗi giá trị còn thấp so với yêu cầu; (2) Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp và đòi hỏi khắt khe hơn; gánh nặng chi phí tiền thuê mặt bằng buộc phải tạm thời ngừng hoạt động; một số sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn để thâm nhập vào các thị trường lớn; doanh thu giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào, thiếu hụt lực lượng lao động (3) Chi phí nguyên liệu và nhiên liệu tăng cao; (4) Chính sách pháp luật thường xuyên có sự thay đổi; một số thủ tục hành chính tuy đã được cải cách, đổi mới song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khi tiếp cận và triển khai thực hiện, nhất là về đất đai, đầu tư xây dựng, tiếp cận vốn, khoa học công nghệ; (5) Khả năng quản trị doanh nghiệp chưa cao; một số doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu; (6) Khả năng hội nhập quốc tế chưa sẵn sàng, thậm chí có lúc còn lúng túng, khả năng thích ứng chưa cao; vấn đề am hiểu pháp luật về kinh doanh quốc tế, đàm phán, soạn thảo hợp đồng vẫn còn hạn chế; (7) Thiếu quỹ đất sạch và được quy hoạch để hình thành các Trung tâm quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp,...
Để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phát triển mạnh, bền vững và từng bước hội nhập kinh tế quốc tế, ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước thì sự nỗ lực của các doanh nghiệp là rất quan trọng. Về phía các doanh nghiệp cần các giải pháp với ý chí quyết tâm cao, hoài bão lớn, phấn đấu và nỗ lực không ngừng để vượt qua những thử thách, cụ thể:
1. Chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh dựa trên cơ sở những nguyên tắc của kinh tế thị trường, yêu cầu hội nhập quốc tế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế so sánh, nhất là đất đai, nguồn nguyên liệu, lao động, tiềm năng du lịch, dịch vụ...Mạnh dạn hơn nữa trong đầu tư sản xuất kinh doanh với cơ cấu ngành nghề hợp lý, mở rộng kinh doanh các ngành nghề trực tiếp sản xuất. Chú trọng ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ. Tập trung sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, đáp ứng các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu các sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế.
2. Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp; đoàn kết, trao đổi thông tin, kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau, hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Trong tình hình hiện nay, phải tăng cường liên kết, hợp tác, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, một số doanh nghiệp của tỉnh phải phấn đấu vươn lên có quy mô, năng lực đủ mạnh để thực hiện các dự án lớn, là hạt nhân, đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
3. Đội ngũ doanh nhân cần có ý chí, sự quyết tâm, tự tin; không ngừng rèn luyện, học tập nâng cao trình độ, kiến thức quản trị doanh nghiệp, đề cao ý thức công dân, xây dựng đạo đức, văn hóa trong kinh doanh, tạo dựng và giữ gìn chữ tín của doanh nghiệp. Chấp hành pháp luật, nhất là pháp luật về thuế, lao động, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, tiên phong đầu tư các chương trình, dự án vào những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn, vùng nông thôn.
4. Phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, các hội, hiệp hội mang tính đặc thù nghề nghiệp. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động. Tiếp tục làm tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đại diện, là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước; tạo dựng và vun đắp mối quan hệ đoàn kết, hợp tác tương trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp; tiếp tục khơi dậy, động viên cổ vũ tinh thần khởi nghiệp bằng việc thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp tại các huyện, thành phố, các vườn ươm khởi nghiệp.
5. Tiếp tục tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến người lao động và các tổ chức công đoàn. Không sản xuất hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; luôn đảm bảo, tôn trọng quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Chấp hành tốt các quy định của pháp luật; thực hiện tốt nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước. Không ngừng học tập, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để nâng cao trình độ quản trị và sản xuất, góp phần gia tăng sự năng động của xã hội. Luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và đi đầu trong các hoạt động thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, đối với xã hội,…
Qua việc phân tích những mặt tích cực, hạn chế trong quá trình sản xuất và đề xuất một số giải pháp, hy vọng rằng trong thời gian tới các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục phát triển, nhanh chóng tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ và hội nhập quốc tế.
Tô Văn Sanh