Ngày 27/4/2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021. Đây là báo cáo PCI năm thứ 17 về đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tham gia trả lời điều tra PCI 2021 có 11.312 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân từ 63 tỉnh, thành phố và 1.185 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Hoạt động này nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia từ năm 2019 đến nay.
Kết quả PCI 2021 cho thấy xu hướng chung là các tỉnh, thành phố tiếp tục có nhiều nỗ lực trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Năm 2021 là năm thứ 5 liên tiếp tỉnh trung vị PCI có điểm số trên 60 điểm trên thang điểm 100. Có 9 xu hướng chính từ điều tra PCI 2021:
1. Môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2021 đã có chuyển biến tích cực so với những năm trước đây: Lĩnh vực thành lập doanh nghiệp có sự cải thiện lớn nhất, tiếp đến là lĩnh vực tiếp cận điện năng.
2. Chính quyền tại các địa phương tiếp tục phát huy tinh thần năng động và sự ủng hộ với khu vực kinh tế tư nhân. PCI 2021 ghi nhận những đánh giá tích cực của doanh nghiệp về sự năng động, tinh thần tiên phong, thái độ làm việc có trách nhiệm và khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn trong phát triển kinh tế địa phương.
3. Chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm trong hầu hết các lĩnh vực, thủ tục liên quan đến doanh nghiệp. Hoạt động phòng chống tham nhũng đã đem lại những kết quả tích cực, tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức giảm xuống 41,4%, mức thấp nhất trong vòng 16 năm qua (năm 2006 là 70%).
4. Hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính có cải thiện nhưng vẫn cần thêm nhiều nỗ lực cải cách. Một trong những nỗ lực nổi bật về cải cách thủ tục hành chính trong những năm gần đây là việc ứng dụng mạnh mẽ hơn công nghệ thông tin vào cung cấp dịch vụ công. Dịch vụ công trực tuyến đang trở nên phổ biến trong giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp.
5. Cần tiếp tục giảm gánh nặng tuân thủ đối với các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện. Có khoảng 61% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép kinh doanh có điều kiện; 57% doanh nghiệp phản ánh thời gian giải quyết thủ tục lâu hơn so với quy định.
6. Tiếp cận đất đai còn nhiều trở ngại cần đẩy mạnh khắc phục. Điểm chỉ số thành phần tiếp cận đất đai tiếp tục đà sụt giảm. Kết quả điều tra cho thấy vấn đề lớn nhất nằm ở sự phức tạp của các thủ tục hành chính thuế, chuyển nhượng đất đai (42,5%).
7. Kết quả thực thi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá khiêm tốn trên thực tiễn.
8. Cần tăng cường phổ biến thông tin và hướng dẫn doanh nghiệp trong vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế.
9. Các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các vấn đề khó khăn hàng đầu mà các doanh nghiệp cho biết họ đang gặp phải, bao gồm: Tìm kiếm khách hàng (69%), tiếp cận vốn (47%), biến động thị trường (33%), tìm kiếm nhân sự thích hợp (28%) và tìm kiếm đối tác kinh doanh (24%). Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vẫn là nhóm có mức độ gặp khó khăn cao hơn doanh nghiệp quy mô lớn.
Những khó khăn trong kinh doanh cùng với tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021 đã khiến cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước dè dặt hơn khi xây dựng kế hoạch kinh doanh sắp tới. Trong năm 2021, lần đầu tiên có đến 16,59% doanh nghiệp báo cáo dự định giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa doanh nghiệp. Đây là mức cao nhất trong lịch sử 17 năm tiến hành PCI.
Về kết quả PCI 2021 của tỉnh Lâm Đồng đã có sự “bức phá vượt bậc”, xếp ở vị trí 15/63 tỉnh thành với 67,17 điểm (tăng 2,74 điểm và tăng 8 bậc so với năm 2020). Tỉnh Lâm Đồng được xếp vào nhóm 20 tỉnh, thành dẫn đầu bảng xếp hạng PCI của cả nước; xếp vị trí thứ 3 trong nhóm 20 tỉnh thành có mức điều hành khá. Có 5/10 chỉ số thành phần tăng điểm - Đây là những chỉ số có những thay đổi tích cực theo đánh giá của các doanh nghiệp: (1) Tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất: đạt 7,28 điểm, tăng 0,34 điểm; (2) Tính năng động và tiên phong của chính quyền: Đạt 6,43 điểm, tăng 0,29 điểm; (3) Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp: đạt 7,34 điểm, tăng 0,94 điểm; (4) Đào tạo lao động: Đạt 6,53 điểm, tăng 0,73 điểm và (5) Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự: đạt 7,99 điểm, tăng 1,56 điểm. Trong 5 chỉ số thành phần tăng điểm, có 2 chỉ số có trọng số 20% (mức cao nhất) là Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và Đào tạo lao động. Bên cạnh đó, cũng có 5/10 chỉ số thành phần giảm điểm: (1) Chi phí gia nhập thị trường; (2) Tính minh bạch; (3) Chi phí thời gian; (4) Chi phí không chính thức và (5) Cạnh tranh bình đẳng.
Văn Sanh - TIPC Lâm Đồng.