Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Màu xanh từ những cánh đồng chuyên canh ở Đạ Mrông

  • 18/08/2022
  • s 09:57

Đạ Mrông, xã vùng xa của huyện xa Đam Rông đang chuyển những bước đi chắc chắn. Vùng đất khó khi xưa, nay xanh ngắt màu lúa, màu dâu tằm. Và, những đánh giá, nhìn nhận rất có “tâm - tầm" của tập thể lãnh đạo vùng đất này đã mang lại cho Đạ Mrông một diện mạo mới trong nông nghiệp. 

Lúa xanh rì trên đồng Cọp

• DÂU ĐỒNG CHUỐI, LÚA ĐỒNG CỌP

Chị Mốk K’Oanh, cô gái M'nông dễ thương đang mải miết chăm vườn dâu của gia đình. Chị bảo, đây là cánh đồng Chuối, một cánh đồng truyền thống của bà con M'nông bao nhiêu đời, từ thời cha mẹ, ông bà của chị. Nghe tên là biết cây trồng, tên là cánh đồng Chuối bởi xưa cánh đồng mọc nhiều chuối, một số nhà trồng xen bắp. Chuối, bắp giúp người dân hết đói nhưng vẫn nghèo. 

Còn hôm nay, đồng Chuối đã không còn chuối. Thay vào đó là bạt ngàn dâu tằm, thứ dâu cao sản S7-CB lá to bằng mặt người, xanh ngắt như màu hi vọng. Dâu tằm giúp người Đạ Mrông có thu nhập nhanh chóng, mỗi tháng có một lứa kén trắng tinh bán ra thị trường. Dâu tằm mang lại no ấm, khá giả cho người Đạ Mrông. Như nhà Mốk K’Oanh có 6 sào dâu, có thể nuôi từ 1-2 hộp tằm/tháng, gối đầu liên tục. Với giá tằm ổn định như những năm này, nhà chị có thể thu nhập 15-20 triệu đồng/tháng khá dễ dàng. 

Anh Liêng Hót Ha Sion, cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo xã Đạ Mrông cho biết, cánh đồng Chuối rộng 40 ha, được xã quy hoạch làm nơi chuyên canh dâu tằm. Toàn xã có trên 200 hộ trồng dâu với diện tích 74 ha. Cây dâu mang lại sản phẩm rất nhanh, giúp bà con có thu nhập tốt nên lãnh đạo địa phương đặt mục tiêu khuyến khích bà con chuyển đổi những vùng đất thiếu nước sang trồng dâu, mở rộng diện tích nuôi tằm. Và đồng Chuối rất phù hợp với cây dâu, thay cho trồng những cây thu nhập thấp như chuối, củ mì.

Không chỉ đồng Chuối, nhắc tới những cái tên đồng Cọp, Dơng Jri, Măng Tung, người Đạ Mrông biết ngay ấy là các cánh đồng chuyên canh lúa của bà con. Những vùng đất thấp, được tưới tắm bằng những con đập Tiêng Tang, đập Dơng Jri với những con số cho thấy sự rộng lớn: cánh đồng Cọp 80 ha, Dơng Jri 38 ha, Măng Tung 10 ha, hàng trăm nông hộ M'nông trồng lúa trên những cánh đồng mênh mông. Canh tác trên diện tích lớn, cán bộ nông nghiệp hướng dẫn bà con trồng đồng trà đồng vụ, cùng chăm bón đúng vụ, đúng kỹ thuật, giảm lượng lúa bị sâu bệnh gây hại cũng như khi thu hoạch rất thuận lợi. Máy chạy trên cả cánh đồng gần 100 ha mà chỉ trong vài ngày đã thu hoạch hết. 

Cây lúa nước truyền thống của người Đạ Mrông đã được quy hoạch vào trồng tại 3 cánh đồng lớn nhất xã, được tưới tắm bởi các công trình thủy lợi bài bản. Ông Cil Ha Noen, Chủ tịch Hội Nông dân xã, người đã gắn bó từ bé thơ với những cánh đồng lúa, xúc động thốt lên: “Chính việc đưa nước về cánh đồng lớn đã giúp người Đạ Mrông thoát hoàn toàn khỏi cái đói, thậm chí dư dả bán lúa ra thị trường”.

Người Đạ Mrông chăn tằm

• THAY ĐỔI BẰNG MƯA DẦM THẤM LÂU

Anh Võ Văn Bền, Phó Chủ tịch tuổi còn rất trẻ của UBND xã Đạ Mrông tâm sự cùng sự cám ơn chân thành dành cho những người đi trước: “Quy hoạch vùng, phân vùng nông nghiệp là chuyện Đạ Mrông phải thực hiện để phát triển. Và việc quy hoạch ấy đã diễn ra rất nhiều năm, với sự cố gắng rất lớn của lớp cán bộ đi trước. Nhất là việc vận động bà con không phải chuyện dễ, cần 10 năm, 20 năm mới có được bộ mặt nông thôn, quy họach nông nghiệp gọn ghẽ như hôm nay”. 

Anh Võ Văn Bền chia sẻ, bà con Đạ Mrông xưa thường trồng trọt theo truyền thống, nhà có đất ở đâu thì làm ở đó, ít chú ý tới mùa vụ hay các kỹ thuật canh tác mới. Trong khi đó, muốn đảm bảo quản lý nông nghiệp hiệu quả, giảm sâu bệnh, tăng năng suất, chất lượng nông sản thì không thể không quy hoạch vùng hợp lý. Anh kể lại, từ những năm 1990, ngành Nông nghiệp đã tính tới việc quy hoạch vùng trồng lúa cho bà con. Vậy là sức người, sức của đổ ra, đập Tiêng Tang, đập Dơng Jri được hình thành, xây hệ thống mương máng, cống, cửa để đưa nước về tưới tắm cho 120 ha đất chuyên canh lúa nước. Chủ động được nước tưới, bà con mới sản xuất tập trung, cán bộ nông nghiệp càng chú trọng hướng dẫn, chuyển giao cho nông dân kỹ thuật trồng lúa, gieo sạ, chăm bón hợp lý. Và người Đạ Mrông hoàn toàn thoát khỏi cái đói chính từ những vùng chuyên canh lúa tập trung. Ông Bền khoe thêm, niên vụ 2022, ngành Nông nghiệp hỗ trợ người Đạ Mrông canh tác thử nghiệm các loại lúa đặc sản như ST-25 với diện tích 100 ha và hiện cây lúa đang phát triển rất tốt. 

Với cây dâu, cây trồng mới được phát triển tại đất Đạ Mrông, xã rất chú ý tới việc mở rộng diện tích, bởi đây là cây trồng cho thu nhập rất nhanh. Nhưng cây dâu có yêu cầu riêng, trong đó đặc biệt nhạy cảm với các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Nếu trồng vườn dâu cạnh cây trồng khác, chỉ lan sang chút ít thuốc BVTV là ảnh hưởng trực tiếp đến mẻ tằm. Vì vậy, Đạ Mrông vận động bà con trồng dâu chuyên canh sang đồng Chuối thay cho cây trồng hiệu quả thấp. Trồng dâu chuyên canh, nông dân tránh được việc lây nhiễm thuốc BVTV, ngành Nông nghiệp cũng dễ triển khai các chương trình hỗ trợ, bản thân người nông dân cũng dễ đổi công, vần công giúp nhau.

Để có được những cánh đồng chuyên canh như hôm nay, những cán bộ huyện Đam Rông và xã Đạ Mrông đã rất kiên trì trong việc tuyên truyền tới bà con. Thay đổi hẳn phương thức canh tác truyền thống của bà con truyền lại từ nhiều đời, chỉ có mỗi cách “mưa dầm thấm lâu”- anh Võ Văn Bền tâm sự. Phân tích, vận động, bản thân gia đình thử nghiệm…, mỗi hành động kiên trì của người cán bộ đã dần dần khiến người Đạ Mrông chịu thử làm theo cái mới. Và Đạ Mrông hôm nay gọn ghẽ, những đồng Cọp, đồng Chuối, Dơng Jri, Măng Tung xanh màu ấm no là minh chứng cho thành công từ lòng kiên trì, cái nhìn chuẩn xác, hiểu và yêu vùng đất quê hương.

http://baolamdong.vn/