Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Đơn Dương - Thực chất và hiệu quả

  • 23/08/2022
  • s 10:15

Với nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp, huyện Đơn Dương luôn chú trọng và đẩy mạnh các phong trào giúp nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Trong đó, Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trở thành một trong những động lực thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới, sáng tạo của nông dân Đơn Dương nhiều năm qua. 

Thông qua phong trào đã thúc đẩy nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Thực tế, những năm gần đây, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của Đơn Dương luôn phát triển ổn định, đạt mức tăng trưởng cao, bình quân hơn 13%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 75 triệu đồng/người/năm, tăng gần 2,7 lần so với năm 2017. Góp phần vào những thành quả này là việc triển khai thực chất và hiệu quả của Phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của toàn thể nông dân và các cấp Hội thời gian qua. 

• THỰC CHẤT TRONG TRIỂN KHAI

Để phong trào đi vào thực chất, theo ông K’Điêm - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện, các cấp Hội luôn xem phong trào là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Hàng năm, Hội cụ thể, chi tiết hóa các kế hoạch, chỉ tiêu về số hộ đăng ký và số hộ bình xét danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Từ đó, các cấp cơ sở có các thông số, số lượng cụ thể cho từng phân mục hoạt động để lập kế hoạch và thực hiện, bám sát với mục tiêu. 

Bên cạnh đó, Hội chủ động, tích cực tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện cùng các ngành hỗ trợ, triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn; xây dựng mô hình trình diễn, các buổi chuyển giao và ứng dụng khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn mô hình sản xuất và kinh doanh, cung ứng giống, phân bón, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, Hội cũng chú trọng công tác khen thưởng các tổ chức, cá nhân sáng tạo, sản xuất, kinh doanh tiên tiến, qua đó, giúp nhân rộng mô hình, tạo động lực thi đua sôi nổi trong đông đảo nông dân trên địa bàn. 

Ngoài ra, nguồn vốn cũng được Hội xem là yếu tố cốt lõi, nền tảng cho bất kỳ sự đầu tư, phát triển sản xuất nào. Do đó, từ ngày đầu triển khai phong trào, Hội đã tích cực tìm kiếm các nguồn vốn vay hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của nông dân địa phương. Đến giữa năm 2022, Hội đã tín chấp và phối hợp với các Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Liên Việt Post Bank trên địa bàn… và các quỹ hỗ trợ nông dân cho vay với tổng dư nợ gần 301 tỷ đồng cho hơn 4.000 hộ vay. Nguồn vốn này đã giúp cho nhiều gia đình thoát nghèo và làm giàu, các cơ sở sản xuất, kinh doanh mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. 

Bên cạnh đó, theo ông K’Điêm, việc đảm bảo đầu vào và giải quyết đầu ra cũng là một trong những yếu tố cần cho sự thành công của phong trào. Thời gian qua, Hội đã phối hợp với các doanh nghiệp như Nam Thành, Đại Nam… hỗ trợ nông dân mua phân bón trả chậm; ký kết với các doanh nghiệp như Pepsico, Orion, Vinamilk, TH True Milk, Ducth Lady… hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, nông dân trên địa bàn huyện không những yên tâm sản xuất, kinh doanh mà còn lan tỏa khí thế thi đua, phấn đấu cải tiến, nâng cao hiệu năng cạnh tranh và mở rộng thị trường.

• HIỆU QUẢ TRONG THỰC HIỆN

Cũng theo ông K’Điêm, ngoài những tiêu chí trên, Hội cũng nhận thức rõ tính hiệu quả trong thực tiễn triển khai phong trào là tiêu chí cốt yếu. Do đó, trong suốt hơn 5 năm qua, Hội Nông dân huyện luôn bám sát các chỉ tiêu, tính hiệu quả của phong trào tại các cấp cơ sở. Trong suốt giai đoạn 2017 - 2022, số lượng hội viên nông dân đăng ký danh hiệu nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đều tăng hàng năm. Cụ thể, năm 2021 có hơn 11.000 hộ đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (tăng 870 hộ so với năm 2017). Qua bình xét cuối năm 2021, số hộ được bình chọn đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp là hơn 8.500 hộ, đạt 75% so với hộ đăng ký (tăng hơn 190 hộ so với năm 2017). 

Quan trọng hơn hết, các cơ sở sản xuất có quy mô lớn ngày càng nhiều. So với giai đoạn 2013 - 2017, số hộ có mức thu nhập từ 200 - 500 triệu đồng/ năm tăng gấp 3 đến 5 lần. Xuất hiện nhiều tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu như hộ gia đình ông Nguyễn Phong Phú ở thị trấn Thạnh Mỹ, ông Nguyễn Thanh Nhàn ở xã Đạ Ròn, ông Nguyễn Phi Tùng ở xã Lạc Lâm…

Những thành quả này không những nhờ bà con mạnh dạn cải tiến kỹ thuật, cơ giới hóa, hiện đại hóa các mô hình sản xuất, kinh doanh và tiếp thị mà còn nhờ sự dẫn dắt, lãnh đạo linh hoạt của các cấp Hội. Trong hơn 5 năm qua, Hội đã phối hợp tổ chức hơn 800 buổi hội thảo, tập huấn kỹ thuật, kỹ năng, mô hình kinh doanh, thông tin thị trường, với hơn 43.000 lượt nông dân tham dự. Nhờ đó, hiệu quả, doanh thu, lợi nhuận kinh doanh ngày một cải thiện, góp phần xây dựng nông thôn mới, giữ vững ổn định chính trị ở địa phương, đồng thời, tổ chức Hội ngày càng phát triển vững mạnh, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.

Song, theo ông K’Điêm, trong quá trình triển khai phong trào, Hội cũng nhận ra một số hạn chế cần khắc phục. Thời gian tới, để phong trào ngày càng phát triển sâu rộng, Hội Nông dân huyện sẽ tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình áp dụng khoa - học kỹ thuật và kêu gọi đầu tư, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; phát huy lợi thế cạnh tranh của địa phương, xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa mạnh, có sức cạnh tranh cao trên thị trường nội địa và xuất khẩu. 

http://baolamdong.vn/