Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên toàn tỉnh, huyện Đam Rông cũng đã xác định rõ những nhiệm vụ cụ thể để từng bước phát triển du lịch phù hợp với đặc điểm, tình hình và lợi thế của địa bàn.
Đam Rông có nhiều thuận lợi về thiên nhiên để phát triển du lịch. Ảnh: H.Thắm
Một vài thống kê của huyện Đam Rông cho thấy: Giai đoạn 2016-2019, số lượt khách du lịch đến Đam Rông tăng đều mỗi năm với mức bình quân trên 50 nghìn lượt khách/năm, chủ yếu là các nhóm thanh niên đi phượt, các đoàn khách khi đi qua địa bàn theo Quốc lộ 27 ghé thăm và khám phá các điểm, khu có tiềm năng phát triển du lịch của địa phương. Trên địa bàn huyện hiện có 12 cơ sở lưu trú, với trên 100 buồng, phòng. Các dịch vụ ăn uống phục vụ du khách chưa phong phú. Số lượng lao động trực tiếp phục vụ ngành Du lịch còn thấp, đa phần chưa được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ. Giai đoạn 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lượng khách du lịch ghé thăm Đam Rông giảm mạnh, đặc biệt là lượng khách đi qua Đam Rông theo Quộc lộ 27.
So với các địa phương khác trong tỉnh, cơ sở để phát triển du lịch của Đam Rông còn nhiều thiếu thốn. Kết cấu hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất chưa đồng bộ, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế về du lịch. Hoạt động du lịch còn nhỏ lẻ, chưa có tính liên kết giữa các hoạt động và tính chuyên nghiệp còn hạn chế. Chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng và đa dạng, công tác xã hội hóa về phát triển du lịch còn hạn chế. Các điểm có tiềm năng phát triển du lịch của huyện cách xa nhau, chưa được quy hoạch, đầu tư xây dựng thành tuyến, điểm du lịch cụ thể. Việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối giao thông thông suốt tới các khu, điểm định hướng phát triển du lịch còn gặp nhiều khó khăn; chưa có đề án quy hoạch riêng cho phát triển du lịch và dịch vụ du lịch tại địa phương. Do đó việc kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển các khu, điểm có tiềm năng phát triển du lịch của địa phương còn có những khó khăn. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa, đầu tư vào lĩnh vực du lịch còn có hạn. Địa phương chưa chủ động được nguồn ngân sách tương xứng dành cho công tác quản lý nhà nước, quảng bá, xúc tiến du lịch và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Những nơi có tiềm năng phát triển du lịch chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Vượt lên trên những khó khăn trước mắt, huyện Đam Rông vẫn quyết tâm tìm hướng đi để phát triển du lịch nhằm phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Bởi nếu phát triển du lịch đúng hướng sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của địa phương.
Huyện Đam Rông xác định rõ mục tiêu: Phát triển du lịch bền vững, lấy du lịch sinh thái làm mũi nhọn, du lịch văn hóa làm nền tảng; khai thác có hiệu quả các điểm có tiềm năng, lợi thế về du lịch để kêu gọi đầu tư thành những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách. Đồng thời, tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, có chất lượng cao; tạo lập được sản phẩm du lịch đặc thù và có sức cạnh tranh; Kêu gọi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Từng bước đưa Đam Rông trở thành điểm trung chuyển, kết nối tuyến du lịch Đà Lạt - Tây Nguyên, trong đó, 3 xã: Đạ M’rông, Đạ Tông, Đạ Long là trung tâm du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng; xã Phi Liêng và Đạ K’nàng thực hiện du lịch khám phá danh lam thắng cảnh; du lịch canh nông,... Phát triển du lịch bền vững trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên; gắn khai thác với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; Đẩy nhanh việc chuyển đổi số; phát triển du lịch thông minh; quản lý khách du lịch, hoạt động du lịch và tài nguyên du lịch; kiểm soát, giám sát và cảnh báo ô nhiễm môi trường trong hoạt động du lịch trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và nền tảng công nghệ số. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch huyện Đam Rông kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia; Phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch, nhân lực chất lượng cao, bảo đảm yêu cầu về số lượng và chất lượng.
Huyện Đam Rông cũng đã xác định những mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Để thực hiện mục tiêu đã đặt ra, hiện huyện Đam Rông đã thống nhất chương trình hành động cụ thể cho nội dung này và sẵn sàng bắt tay vào thực hiện những nhiệm vụ cụ thể. Thời gian tới, Đam Rông sẽ hoàn thiện công tác quy hoạch. Đó là cơ sở quan trọng để kêu gọi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, địa phương này cũng đã hướng tới việc xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch và tiến tới thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
Đam Rông đã có những chiến lược nhất định nhằm phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch thông qua việc cử cán bộ, công chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về quản lý du lịch, đáp ứng về số lượng và chất lượng cho nhu cầu tham mưu phát triển du lịch chất lượng cao của huyện; đảm bảo tính năng động, chủ động, sáng tạo, chuyên nghiệp, thích nghi nhanh với môi trường làm việc. Tập trung mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp ứng xử, hướng dẫn viên du lịch,... kết hợp giữa lý thuyết, thực hành và trải nghiệm thực tế tại các khu, điểm du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch, giúp người lao động có thể chủ động tự học mọi lúc, mọi nơi và tiết kiệm kinh phí; kịp thời nắm bắt, học hỏi xu hướng phát triển du lịch của các địa phương trong và ngoài tỉnh...
Liên kết, hợp tác phát triển du lịch và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước cũng là những nhiệm vụ mà huyện Đam Rông cần tập trung thực hiện để phát triển du lịch trên địa bàn trong thời gian tới được như kỳ vọng.
http://baolamdong.vn/