Ngày 20/9, tại trang trại của Công ty TNHH Dalat Evergreen (xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương), Hiệp hội Hoa Đà Lạt tổ chức hội thảo xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất và xuất khẩu hoa cúc tại Lâm Đồng.
Khá đông hội viên Hội Nông dân huyện Đơn Dương, hộ sản xuất hoa tiêu biểu tại các Làng hoa Thái Phiên, Xuân Thành (TP Đà Lạt), các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Hoa Đà Lạt tham dự hội thảo.
Ông Lại Thế Hưng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hoa Đà Lạt khái quát tình hình sản xuất hoa Lâm Đồng với tổng diện tích hơn 8.940 ha, tổng sản lượng gần 3,4 tỷ cành/năm. Trong đó, chiếm gần 40% diện tích và sản lượng hoa cúc. Thị trường xuất khẩu hoa cúc chủ yếu sang các nước Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan chiếm gần 25% trên tổng kim ngạch khoảng 57 triệu USD trong năm 2021. Hạch toán lợi nhuận hiện nay hoa cúc khoảng 1,3 tỷ đồng/ha/năm.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hoa Đà Lạt Lại Thế Hưng trình bày đề dẫn tại hội thảo
“Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành hoa Lâm Đồng có nhiều khởi sắc về sản xuất nội tiêu và xuất khẩu, đặc biệt đối với sản phẩm hoa cúc các loại. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất, phát triển thương hiệu, gắn với thị trường tiêu thụ vẫn còn thiếu ổn định và bền vững”, ông Lại Thế Hưng nhấn mạnh.
Bởi vậy, trong thời gian tới, ngành hoa Lâm Đồng cần có giải pháp tiếp tục xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoa cắt cành nói chung, hoa cúc nói riêng.
Hội thảo chia sẻ 7 chuyên đề về nâng cao hiệu quả sản xuất, xuất khẩu hoa cúc của các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Hoa Đà Lạt, đơn vị nghiên cứu khoa học trong tỉnh Lâm Đồng.
Cụ thể như quy trình sản xuất giống hoa cúc bản quyền khép kín từ công đoạn nhân giống trên giá thể đến chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch và đóng gói xuất khẩu. Theo đó, cây giống hoa cúc đưa ra trồng phải đạt độ đồng đều, không nhiễm sâu bệnh; đất được xử lý tơi xốp, sạch cỏ dại, bón lót đầy đủ các loại phân hữu cơ; theo dõi sinh trưởng hàng ngày để đưa ra các biện pháp phòng trừ hiệu quả, kịp thời các loại bệnh hại.
Đặc biệt, các doanh nghiệp và hộ sản xuất hoa cần xây dựng và phát triển liên kết trên cơ sở đồng thuận trách nhiệm hai bên. Doanh nghiệp cung cấp giống, kết nối thị trường xuất khẩu. Hộ liên kết sản xuất theo quy trình kỹ thuật đạt chất lượng hoa xuất khẩu theo nhu cầu của đối tác ngay từ đầu năm kế hoạch.
Hiệp hội Hoa Đà Lạt ghi nhận những thông tin trình bày nêu trên; đồng thời, mong muốn trong thời gian tới ngành hoa Lâm Đồng được nhân rộng ngày càng nhiều hơn nữa mô hình liên kết sản xuất xuất khẩu hoa cúc tiềm năng ở các vùng nông nghiệp Đà Lạt và các vùng phụ cận.
http://baolamdong.vn/