Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang trung tâm du lịch sinh thái của việt nam và thế giới

  • 14/10/2022
  • s 15:34

Thời khắc thiêng liêng khó quên đối với Khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang

Nhận thư mời của Văn phòng UNESCO tại Paris – Cộng hoà Pháp về kỳ họp lần thứ 27 Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình con người và sinh quyển (ICC MAB) của UNESCO tổ chức tại thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp, diễn ra từ ngày 8/6 đến 12/6/2015. Đoàn công tác của Việt Nam do đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng làm trưởng đoàn tham gia Kỳ họp Hội đồng điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO để bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang ( KDTSQTG).

Tổng số thành viên tham dự cuộc họp có 250 đại biểu đến từ 120 quốc gia trên thế giới, gồm 24 nước thành viên, các nước quan sát viên (trong đó có Việt Nam) và các tổ chức quốc tế. Tổng số hồ sơ đề cử để xét KDTSQTG tại kỳ họp lần thứ 27 năm 2015 là 25 hồ sơ. Sau khi Đoàn Việt Nam báo cáo tóm tắt quá trình hoàn thiện hồ sơ và giá trị cốt lõi KDTSQTG LangBiang; kết thúc phần giới thiệu của Đoàn Việt Nam, Chủ trì Hội nghị hỏi toàn thể các đại biểu tham dự ai có ý kiến phản đối, và điều kỳ diệu là tất cả đều không có ý kiến nào phản đối. Thời khắc Ngài Chủ tịch Sergio Guevara đã gõ búa công nhận KDTSQTG LangBiang, tỉnh Lâm Đồng của Việt Nam, lúc này là vào lúc 16 giờ 15 phút giờ Paris, tương đương 21 giờ 15 phút giờ Hà Nội, ngày 09/6/2015. Tiếng búa gõ vừa dứt, đoàn Việt Nam đã giương cao quốc kỳ Việt Nam để bày tỏ niềm vui và tự hào trước sự ghi nhận của thế giới. Đoàn Việt Nam đã vỗ tay vui mừng hô vang: LangBiang ! LangBiang !... với niềm vui khôn xiết và căng quốc kỳ Việt Nam giữa không gian trang trọng, thiêng liêng của Hội nghị, đó là thời khắc thiêng liêng, khó quên nhất đối với KDTSQTG LangBiang.

KDTSQTG LangBiang có diện tích 275.439 ha, bao gồm vùng rừng nguyên sinh rộng lớn với vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà, vùng đệm các xã của huyện Lạc Dương và vùng chuyển tiếp thuộc thành phố Đà Lạt, huyện Đơn Dương, một phần của huyện Đức Trọng và một phần huyện Đam Rông. Đây là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam, giá trị của nó mang tính toàn cầu. Khoa học đã ghi nhận khu vực này có 153 loài động thực vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và 154 loài có tên trong Danh Lục Đỏ IUCN(2010). Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) xác định đây là khu vực ưu tiên bảo tồn số 1 (Khu vực SA3) trong chương trình bảo tồn các dãy núi chính Nam Trường Sơn của Việt Nam.

Tài nguyên rừng có vai trò quan trọng không chỉ trong bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái rừng, điều hòa khí hậu mà còn tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư và thu hút du lịch sinh thái đẳng cấp quốc gia và quốc tế

KDTSQTG LangBiang có vùng rừng nguyên sinh rộng lớn, bao gồm vùng lõi và vùng đệm và vùng chuyển tiếp với hệ sinh thái rừng, sinh thái nông thôn và sinh thái đô thị với vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà. Đất đai, khí hậu, nguồn nước thích hợp thuận lợi cho việc phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế theo hướng nông nghiệp cao như: trồng rau, hoa xuất khẩu, nuôi cá nước lạnh, chăn nuôi đại gia súc,... Khí hâu khu vực này quanh năm ôn hòa, cùng với cảnh quan rừng phong phú, địa hình đẹp, có sự hiện diện của Khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thứ 9 của Việt Nam và đầu tiên ở Tây Nguyên, là điều kiện thuận lợi để toàn khu vực phát triển văn hoá, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.

KDTSQTG LangBiang là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam và thế giới, không chỉ điều hòa nguồn nước, điều hòa khí hậu, tạo cảnh quan thiên nhiên, đầu nguồn cung cấp nguồn nước tự nhiên cho các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ mà còn tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư trong KDTSQTG LangBiang.

Qúa trình hợp tác quốc tế của khu DTSQTG LangBiang có tầm quốc gia và quốc tế để họp tác nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái

 Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà cơ quan thường trực của KDTSQTG LangBiang đã và đang là đối tác có nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu khoa học với hơn 20 tổ chức là các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, các tổ chức NGO trên thế giới như Trường Đại học Columbia, Trường Đại học Wincosin, Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu (Hoa Kỳ), Vườn thực vật Prest (Pháp), Đại học Kyusu, Đại học Tokyo (Nhật Bản), Đại học Laval (Canada), vườn thực vật quốc gia Singapore, vườn thực vật Hoàng gia Úc, Viện nghiên cứu động vật hoang dã Leibniz, Trường đại học Trier (Đức), Trung tâm nhiệt đới Việt Nga…Thông qua các chương trình hợp tác này, đã có 34 bài báo quốc tế được công bố, 16 lượt Viên chức của Vườn được tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài…

Từ năm 2008 đến nay, từ các ý tưởng dự án do Vườn đề xuất, các nhà tài trợ như Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Quỹ uỷ thác ngành Lâm nghiệp (TFF), Cơ quan hỗ trợ phát triển Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Quỹ môi trường toàn cầu(GEF), Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên (IUCN), Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã thế giới (WWF)…đã hỗ trợ Vườn thực hiện 09 dự án hỗ trợ kỹ thuật như: Dự án thí điểm phương pháp quản lý rừng đa mục đích tỉnh Lâm Đồng (2008-2011), Dự án nâng cao năng lực quản lý dựa vào cộng đồng (2010 – 2013), Dự án khắc phục trở ngại nhằm tăng cường hiệu quả quản lý các khu bảo tồn ở Việt Nam (2013-2015), Dự án quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững – Hợp phần đa dạng sinh học (2015 – 2020), Dự án quản lý rừng bền vững vào bảo tồn đa dạng sinh học (2021-2025)…

Ngoài ra, Vườn cũng được đánh giá là thành viên tích cực, có trách nhiệm và có nhiều đóng góp của các mạng lưới/diễn đàn trên thế giới mà Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà là thành viên như: Mạng lưới các Khu DTSQTG LangBiang với mạng lưới Vườn di sản ASEAN, Mạng lưới bảo tồn Vườn thực vật quốc tế…

Cần có giải pháp đồng bộ tiếp tục phát huy giá trị di sản thiên nhiên tầm cỡ quốc gia và đẳng cấp thế giới

Sự kiện Tổ chức UNESCO công nhận KDTSQTG LangBiang đã chính thức trao cơ hội cho Lâm Đồng để tỉnh tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển bền vững, do đó mọi tổ chức và cá nhân luôn phải trân trọng thành quả và có chiến lược khai thác giá trị vô hình KDTSQTG LangBiang hiện tại và tương lai. KDTSQTG LangBiang là khu vực rất đặc thù bởi tính đa dạng sinh học cao, có quy mô lớn. Tổ chức UNESCO công nhận KDTSQTG sẽ giúp Lâm Đồng tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển bền vững thông qua việc khai thác các giá trị tổng hợp của dịch vụ hệ sinh thái rừng. Trọng tâm là phát triển du lịch và dịch vụ, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành trung tâm du lịch, đào tạo, nghiên cứu khoa học của cả nước và là trung tâm nghiên cứu quốc tế về rừng nhiệt đới. Đồng thời tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với trọng tâm là sản xuất và xuất khẩu rau, hoa và dược liệu cùng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khác.

Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu thực hiện và đạt hiệu quả về chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng của Chính phủ Việt Nam. Đã có hơn 8.000 hộ dân được hưởng lợi từ dịch vụ hệ sinh thái trong KDTSQTG LangBiang thông qua những đóng góp của họ cho việc bảo vệ và duy trì các giá trị của hệ sinh thái. KDTSQTG LangBiang sẽ tạo thêm cơ hội cho cộng đồng dân tộc bản địa tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, qua đó nâng cao sinh kế cho cộng đồng. Việc UNESCO công nhận KDTSQTG LangBiang cũng là ghi nhận sự đóng góp tích cực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia đối với lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vì mục tiêu thiên niên kỷ do Liên hiệp quốc khởi xướng.

Để thực hiện chiến lược về bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn, theo chúng tôi các cơ quan chức năng cần xây dựng các chương trình, kế hoạch vừa mang tính giải pháp hiện tại vừa mang tầm chiến lược được tỉnh Lâm Đồng đặt ra nhằm “bảo tồn cho phát triển, phát triển để bảo tồn” đối với KDTSQTG LangBiang trong thời gian tới:  

Thứ nhất, cần tăng cường công tác tuyên truyền cho cộng đồng dân cư và du khách về giá trị ý nghĩa KDTSQTG LangBiang, xem đây là tài sản có hàng tỷ năm do thiên nhiên ban tặng, nâng cao nhận thức về trách nhiệm cộng đồng đối với công tác bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan, bảo vệ hệ sinh thái rừng hiện tại và tương lai;

Thứ hai, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh KDTSQTG Lang Biang, nhằm hướng đến những hoạt động tích cực và khai thác hiệu quả tiềm năng về văn hoá, du lịch và nông nghiệp. Ban quản lý KDTSQTG LangBiang với sự tham gia của các bên liên quan và hoạt động theo hướng dẫn của Ủy ban Con người và Sinh quyển Việt Nam tiếp tục phát huy hợp tác quốc tế và thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong quá trình phát triển hội nhập quốc tế;

Thứ ba, là thiết lập và duy trì diễn đàn quản lý nhằm quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến bảo tồn và phát triển KDTSQTG LangBiang. Năm 2015, dự án hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Nhật Bản đã được triển khai giúp UBND tỉnh Lâm Đồng trong việc thiết lập cơ chế quản lý KDTSQTG LangBiang góp phần nâng cao giá trị cốt lõi trong quá trình hoạt động;

 Thứ tư, thực hiện chặt chẽ liên kết vùng với tỉnh Khánh Hoà về phát triển du lịch bền vững, để thu hút du khách nội tỉnh Khánh Hoà và du khách các tỉnh khác đến Khánh Hoà lên du lịch Lâm Đồng, bởi cung đường này là cung đường kết nối du lịch rừng và biển gần nhất các tỉnh Tây Nguyên. Bởi lẽ khi du khách đi qua cung đường di sản thiên nhiên này, có độ cao đỉnh đèo Khánh Lê cao 1700 m, có sương mù quanh năm, hàng ngày sương mù xuất hiện đến 8 giờ sáng mới hết và sau 16 h trở đi đầy sương, đây là cung đường duy nhất ở Việt Nam chạy ngang qua rừng tự nhiên gần 100 km, có cảnh quan đẹp nhất Việt Nam;

Thứ năm, các ngành chức năng cần tiếp tục quảng bá hình ảnh, tiềm năng lợi thế độc đáo KDTSQTG LangBiang để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước nhằm triển khai các dự án du lịch sinh thái có tầm cỡ quốc gia và đẳng cấp quốc tế trong những năm tới.

Với những thành công bước đầu, trong thời gian tới bằng những nỗ lực nội tại của Ban quản lý KDTSQTG LangBiang, chính quyền các cấp, người dân Lâm Đồng và du khách, cùng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, chúng tôi hy vọng rằng trong thời gian tới KDTSQTG LangBiang sẽ được bảo tồn và phát triển theo phương châm của Chương trình Con người và Sinh quyển thế giới.

   TS. Phạm S  - P. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng