Sau khi Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký Nghị định thư với thỏa thuận xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. đã tạo ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng có những thách thức cho ngành sản xuất sầu riêng của Việt Nam .
Gia đình ông Nguyễn Đình Chuân – Xã Đinh Trang Hòa huyện Di Linh là một trong những nông hộ trồng sầu riêng theo hướng Vietgap, được cấp mã số vùng trồng và có doanh nghiệp bao tiêu sản sầu riêng để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ông Chuân và nhiều nông hộ trong vùng hết sức vui mừng trước thông tin này và luôn ý thức về việc sản xuất, canh tác sạch, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, tổng diện tích sầu riêng trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 14.500ha. Hiện, diện tích sầu riêng Lâm Đồng trong thời kỳ kinh doanh khoảng 7.000 ha với các giống ghép chủ yếu là MonThong, Ri6..., đạt tổng sản lượng khoảng gần 100 ngàn tấn/năm. Việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch để mở ra một thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán cao hơn trước đây. Thương hiệu sầu riêng Lâm Đồng được khẳng định và lan tỏa, tạo điều kiện để nông dân yên tâm canh tác với các vùng chuyên canh chất lượng cao. Tuy nhiên, để kiểm soát việc sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trên một diện tích rộng lớn với hàng trăm nông hộ là một thách thức không nhỏ đòi hỏi sự chung tay của bà con nông dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng.
Theo các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc đang có sự thay đổi rất lớn trong hệ thống giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm nhập khẩu. Nước bạn đang chuyển sang hình thức kiểm soát sản phẩm cuối cùng và giám sát toàn bộ hệ thống. Do vậy, những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần hoàn thiện hệ thống từ hồ sơ đến quy trình sản xuất, giám sát các nguy cơ. Nếu như không đáp ứng được yêu cầu đó, doanh nghiệp có nguy cơ mất mã số thì không được phép xuất khẩu. Vì vậy đòi hỏi người dân, doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nông sản cần tuân thủ nghiêm túc các quy định đề ra với các mối liên kết chặt chẽ để kiểm soát các khâu sản xuất khép kín.
Thực tế cho thấy, hiện nay việc sử dụng mã số vùng trồng chưa rõ ràng, dẫn đến sự tranh chấp giữa người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ở một số địa phương trong cả nước đã xuất hiện tình trạng độn hàng, đổi mã vùng trồng nhằm gian lận để xuất khẩu sầu riêng. Đây cũng là một bài học trong quản lý sầu riêng xuất khẩu để Lâm Đồng không xẩy ra những tình trạng đáng tiếc tương tự. Trong lúc đó, một số nông dân vì những lợi nhuận trước mắt, sẵn sàng phá vỡ liên kết khi giá bán trôi nổi cao hơn giá liên kết. Thậm chí có trường hợp gian dối, trà trộn nông sản kém chất lượng vào các sản phẩm chất lượng nhằm trục lợi. Nhưng khi đối tác nhập khẩu phát hiện ra thì hậu quả mà thiệt thòi luôn thuộc về người sản xuất, kinh doanh sầu riêng.
Như vậy để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch bền vững sang Trung Quốc và tiến tới mở rộng ra các nước trên thế giới đòi hỏi người sản xuất, kinh doanh Lâm Đồng cần chú trong chữ tín, chất lượng sản phẩm. Đồng thời ngành chức năng cần hướng dẫn để sản xuất sầu riêng đạt chuẩn, kiểm soát xử lý các trường hợp vi phạm. Có như vậy mới khẳng định và nâng cao được giá trị sầu riêng địa phương thông qua việc kiểm soát chất lượng từ trên đồng ruộng đến sơ chế, đóng gói và xuất khẩu./.
Lamdongtv.vn