Cùng với sự phát triển nhanh chóng của Thương mại điện tử (TMĐT) trên thế giới, tại Việt Nam, TMĐT mới phát triển trong thời gian ngắn nhưng đã gặt hái được những thành công nhất định. Với việc phát triển TMĐT, các doanh nghiệp cũng nên chú trọng đến phát triển logistics trong TMĐT, đây là một yếu tố khá quan trọng quyết định tới thành công hay thất bại của doanh nghiệp. TMĐT muốn phát triển mạnh, không thể thiếu các dịch vụ logistics và chuyển phát chất lượng.
TrongTMĐT, logistics được hiểu đơn giản là quy trình hoàn tất đơn hàng, bao gồm các khâu đóng gói, vận chuyển, thu tiền và chăm sóc khách hàng sau bán hàng. Như vậy, với hàng hóa là các sản phẩm hữu hình, dù cho các khâu tìm kiếm sản phẩm, giao kết hợp đồng, thanh toán,... có thể thực hiện trên môi trường trực tuyến nhưng công đoạn giao hàng từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng cuối cùng vẫn phải gắn chặt với dịch vụ logistics và chuyển phát.
COVID-19 đã đưa nhiều người tiếp cận hình thức mua sắm online thông qua một cú nhấp chuột hay một chạm. ASEAN là khu vực chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của TMĐT so với mức trung bình của thế giới. Năm 2021, với quy mô 13 tỷ USD, thị trường TMĐT Việt Nam đứng thứ tư tại Đông Nam Á. Quy mô TMĐT mở rộng, các công ty dịch vụ hậu cần (logistics) buộc phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu mới.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLBA), ngành Logistics tại Việt Nam chiếm tỷ trọng 20-25% GDP tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ, dự kiến tăng trưởng 12% mỗi năm trong tương lai gần. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của TMĐT mang lại nhiều cơ hội hơn cho các công ty hậu cần. McKinsey ước tính, dịch vụ hậu cần theo hợp đồng chỉ chiếm hơn 20% thị phần phân phối đơn hàng của thị trường bán lẻ và hàng tiêu dùng toàn cầu. Phần còn lại của thị trường được chi phối bởi 3 đối tượng: những gã “khổng lồ” TMĐT, các công ty khởi nghiệp, hoặc dịch vụ hậu cần nội bộ của các thương hiệu.
Tóm lại, logistics không những khiến quá trình lưu thông, phân phối được thông suốt, chuẩn xác và an toàn, mà còn giảm được chi phí vận tải. Nhờ đó hàng hóa được đưa đến thị trường nhanh, kịp thời. Người tiêu dùng sẽ mua được hàng hoá một cách thuận tiện, linh hoạt, thỏa mãn nhu cầu của mình. Người mua có thể chỉ cần ở tại nhà, đặt mua hàng bằng cách gọi điện thoại, gửi fax, gửi e-mail hoặc giao dịch qua internet... cho người bán hàng, thậm chí cho hãng sản xuất hàng hóa là có thể nhanh chóng nhận được thứ hàng cần mua, được chuyển đến tận nhà. Có hiệu quả là nhờ ứng dụng hệ thống logistics vào sản xuất và lưu thông.
Đặc biệt, hiệu quả của nó với các doanh nghiệp TMĐT, khi mà khách hàng và doanh nghiệp giao tiếp với nhau trong thế giới ảo thì việc tạo dựng uy tín và niềm tin cho khách hàng là rất khó khăn. Do vậy, vai trò của logistics TMĐT sẽ hỗ trợ tích cực cho các hoạt động của doanh nghiệp với mục tiêu cơ bản là giao đúng sản phẩm, đúng số lượng, đúng địa điểm và thời gian, đến đúng khách hàng, giúp đạt được mục đích cuối cùng là lợi thế cạnh tranh.
Có thể nhận định, vai trò của logistics trong TMĐT là rất quan trọng bởi nếu TMĐT là ngành công nghiệp của tương lai, logistics là “xương sống” giúp ngành phát triển mạnh mẽ và vững chắc. Bối cảnh đại dịch đã chứng minh chỉ khi doanh nghiệp làm chủ được “xương sống” này thì chuỗi cung ứng và công tác giao vận mới không gãy đổ và doanh nghiệp nhanh chóng nhận được sự công nhận của người tiêu dùng. Đồng thời, điều này cũng mở ra tiềm năng phát triển không ngừng của thị trường E-logistics trong tương lai.
Để phát triển và hoàn thiện hơn hệ thống logistics, Bộ Công thương đề ra 5 nhóm giải pháp gồm hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách; nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ thông qua việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước phát triển logistics; phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, tuyên truyền cho các chủ hàng sử dụng logistics theo hướng chuyên môn hóa, thay đổi tập quán xuất, nhập khẩu để tránh phụ thuộc vào đối tác nước ngoài và cuối cùng là đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng và chuẩn hóa chương trình đào tạo logistics.
Theo thống kê, Lâm Đồng hiện có 7 doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, bốc dỡ hàng hoá quy mô nhỏ; 8 đơn vị thực hiện chuyển phát hàng hoá; khoảng 102 đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá; hơn 20 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ bán buôn, bán lẻ... Tuy nhiên các doanh nghiệp, đơn vị này hầu hết hoạt động riêng lẻ, quy mô nhỏ, chưa tạo được sự liên kết thành các chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh. Thậm chí, trên địa bàn tỉnh hiện có 11 bến xe ô tô khách nhưng lại không có bến xe vận tải hàng hoá chuyên biệt, trong khi toàn tỉnh có hơn 100 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động bốc, xếp, phân phối hàng hoá, nông sản. Đặc biệt, Lâm Đồng do vị trí địa lí chủ yếu vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ, bởi vậy chi phí logistics tăng cao khoảng 30% so với việc vận chuyển bằng đường thuỷ, đường sắt. Theo ông Bùi Thế, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến phát triển hạ tầng logistics và xem là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030. |
http://baolamdong.vn/