Ngày 20/11, Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2022.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận chủ trì buổi làm việc
Tham dự Chương trình làm việc còn có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng và lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ…
Về phía tỉnh Lâm Đồng có các đồng chí: Trần Đức Quận - Ủy viên ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng; Trần Văn Hiệp – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các huyện, thành phố.
Toàn cảnh buổi làm việc
Lâm Đồng có 6 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch, gồm: Tổng sản phẩm trong nước GRDP (theo giá SS 2010) tăng 11,84% (KH 6 - 7%); Cơ cấu kinh tế: Ngành nông, lâm, thủy chiếm 38,74% (KH 39,4 - 39,8%), ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 20,3% (KH 20,4 - 20,6%), ngành dịch vụ chiếm 40,96% (KH 39,6 - 40,2%); GRDP bình quân đầu người 75,3 triệu đồng (KH 71,5 - 73 triệu đồng); tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 14,2% (KH 6 - 7%); Tổng thu NSNN trên địa bàn 13.000 tỷ đồng (KH 11.000 tỷ đồng), tăng 18,1%, bằng 118,2% dự toán địa phương; trong đó, thu từ thuế, phí 8.048 tỷ đồng (KH 6.300 tỷ đồng), tăng 21,2%, đạt 127,7% dự toán địa phương. Tổng kim ngạch xuất khẩu 886,7 triệu USD (KH 815 triệu USD), tăng 27,3% so cùng kỳ. Khách du lịch đạt 7 triệu lượt, tăng 340% so cùng kỳ; trong đó: Khách quốc tế 150 nghìn lượt, đạt 100% kế hoạch, tăng 700%; khách qua đăng ký lưu trú 5,5 triệu lượt (KH 5 triệu lượt khách), đạt 110% kế hoạch, 300% so cùng kỳ.
Có 12 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch, gồm: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội, Tỷ lệ lao động qua đào tạo, Tỷ lệ thất nghiệp, Tỷ lệ hộ nghèo, Tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia, Tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom và xử lý, Tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, Tỷ lệ che phủ rừng 55%, Chỉ tiêu nông thôn mới: Toàn tỉnh có 109/111 xã (98,2%) nông thôn mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp báo cáo tại buổi làm việc
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2022, được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp trình bày, cho biết: Đến nay, Lâm Đồng có 18/19 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế tiếp tục tăng cao so cùng kỳ; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phục hồi mạnh mẽ; thu ngân sách vượt kế hoạch, kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, số doanh nghiệp thành lập mới tăng; công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực; đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo thực hiện quyết liệt; kinh doanh hàng hóa, hoạt động du lịch, dịch vụ tăng trưởng mạnh.
Các dự án, công trình trọng điểm được triển khai với quyết tâm cao, đạt được những kết quả tích cực. Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được chỉ đạo quyết liệt và sát sao. Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, nhiều giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa của các dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển; phát huy các nguồn lực xã hội hóa cho lĩnh vực văn hóa.
Phối hợp tổ chức thành công Lễ trao giải thưởng Lương Định Của năm 2022; tổ chức các chương trình Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX. Công tác y tế, phòng, chống dịch Covid-19 được chú trọng; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2027; Đại hội Hội Cựu chiến binh tỉnh nhiệm kỳ 2022 – 2027; kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiến độ tiêm vắc xin phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo yêu cầu.
Giáo dục - đào tạo có nhiều nỗ lực, cố gắng, đảm bảo nội dung chương trình dạy và học. Phát triển nguồn nhân lực gắn với nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số được chú trọng. An sinh xã hội, đời sống của Nhân dân được chăm lo, cải thiện; triển khai hiệu quả chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ. Chỉ đạo, phối hợp tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh và cấp huyện.
Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Công tác xây dựng Đảng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ trên các lĩnh vực; triển khai thực hiện kịp thời các chỉ đạo của Trung ương về công tác xây dựng Đảng. Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính; thực hành tiết kiệm. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được tập trung chỉ đạo, triển khai có nhiều chuyển biến tích cực; kịp thời chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính; chấn chỉnh hoạt động công vụ, giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị…
Tuy nhiên, Lâm Đồng cũng còn những hạn chế, khuyết điểm: Tình hình sản xuất, kinh doanh một số ngành, lĩnh vực còn gặp khó khăn trong bối cảnh giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao... Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và 38.000 đối tượng nhận bảo trợ xã hội.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp còn diễn biến phức tạp, để xảy ra một số vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng nổi cộm; còn tình trạng tiếp tay, bao che của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản còn nhiều hạn chế, còn để xảy ra tình trạng khai thác trái phép, không phép khoáng sản tại lòng sông, suối, hồ thủy điện... nhưng chưa kịp thời phát hiện, xử lý.
Giải ngân vốn đầu tư công tuy đạt nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn chậm, nhất là tiến độ giải ngân vốn ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình MTQG; một số công trình, dự án chủ đầu tư còn lúng túng, chậm trễ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, một số công trình thi công chưa đảm bảo chất lượng yêu cầu.
Thu ngân sách tuy đạt và vượt tiến độ đề ra nhưng vẫn còn tình trạng thất thu, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, khoáng sản, bất động sản... Công tác thẩm định giá đất phục vụ thu ngân sách Nhà nước còn nhiều lúng túng, không kịp thời...
Công tác thu hút đầu tư, nhất là dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế; công tác quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách tuy được siết chặt, nhưng một số dự án triển khai đầu tư còn chậm, hiệu quả chưa cao... Công tác lập quy hoạch còn chậm, tiến độ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; công tác rà soát quy hoạch 03 loại rừng còn gặp nhiều khó khăn, bất cập…
Việc cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, xuyên tác của các thế lựcthù địch có lúc, có nơi còn chậm. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng chuyển biến chưa mạnh, chưa thực sự chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Tự phê bình và phê bình có lúc, có nơi còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu.
Việc đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ ở một số nơi chưa tốt. Nhận thức, vai trò, trách nhiệm của một số cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế. Việc nắm tình hình, phát hiện tổ chức đảng, đảng viên vi phạm còn chậm; tham mưu chỉ đạo, quản lý nhà nước về tôn giáo còn khó khăn, lúng túng; vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao...
Báo cáo cũng nghiêm túc nhìn nhận nguyên nhân của những ưu điểm; cũng như nguyên nhân của các hạn chế, khuyết điểm… Đồng thời, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 với chủ đề “Quyết liệt, đồng bộ, đột phá; kỷ cương, nêu gương, bản lĩnh, trách nhiệm, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI”.
Với mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh; hành động mạnh mẽ, đồng bộ, phát huy lợi thế, tập trung nguồn lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, đi đôi với phát huy giá trị văn hóa bản sắc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kịp thời rà soát, hoàn thiện các quy hoạch liên quan; thực hiện nghiêm quản lý nhà nước về quy hoạch.
Tập trung tháo gỡ những rào cản về cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.
Chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ cương, tăng cường phòng – chống tham nhũng, tiêu cực…
Thay mặt chính quyền tỉnh Lâm Đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đề xuất Thủ tướng xem xét, hỗ trợ nguồn vốn cho tỉnh Lâm Đồng thực hiện dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương. Đồng thời, để tăng cường liên kết vùng, nội vùng, lấy phát triển hạ tầng giao thông làm động lực cho phát triển vùng Tây Nguyên và các khu vực lân cận đã được Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị đề ra, tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, sớm triển khai dự án đường cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Liên Khương (Lâm Đồng), Liên Khương (Lâm Đồng) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg, ngày 01/9/2021; cũng như ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách Trung ương thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường có tính chất kết nối liên vùng, như: Tuyến Quốc lộ 27 kết nối giao thông giữa các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Ninh Thuận; tuyến đường Quốc lộ 55 đoạn từ ranh giới tỉnh Bình Thuận đến Quốc lộ 20 (TP Bảo Lộc, dài 24 km); tuyến đường ĐT.729 kết nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Bình Thuận (do các tuyến đường trên đã hư hỏng, xuống cấp rất nghiêm trọng)…
Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và sở ngành của tỉnh cũng có ý kiến báo cáo tình hình với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu về công tác đảm bảo an ninh trật tự tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, sau khi lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu chỉ đạo, định hướng các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2022 của tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
http://baolamdong.vn/