Nam Tây Nguyên mùa dệt những mầm xanh. Giữa mênh mông đại ngàn, thổn thức âm giai Nồng nàn cao nguyên của nhạc sĩ Krajan Dick: “Ngàn thông xanh vi vu reo vui đón những người con về đây / Rộng vòng tay, cùng hòa lời ca / Tình anh em”, tôi về với buôn làng K’Ho, Churu để được nghe nhịp chiêng hoài vọng, thổn thức cùng điệu Arya huyền thoại và nghe chuyện những nghệ sỹ của buôn làng.
Chiều nghiêng nắng, mây la đà trườn qua núi, ôm lấy những buôn làng bà con dân tộc Churu, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. Hương hoa cải thoảng đưa, chợt thổn thức âm giai huyền bí, tiếng chiêng quyện hòa cùng rơkel (kèn bầu) sâu thẳm, mênh mang. Đó là tiếng chiêng bật ra từ đôi tay của Nghệ nhân ưu tú Ya Ngôn hòa cùng hơi thở núi rừng. Chủ tịch nước phong tặng Ya Ngôn là Nghệ nhân ưu tú, nhưng bà con buôn làng Próh Ngó suy tôn ông già làng, người có uy tín và nghệ sỹ của buôn làng.
Cơn gió hoang hoải luồn qua những nếp nhà, già Ya Ngôn trầm ngâm thẩm âm dàn chiêng ba nhuốm màu thời gian. Ông mở lời: “Với người Churu ai cũng có thể là nghệ sỹ. Con trai phần lớn biết chơi trống, thổi kèn bầu, đánh chiêng; phụ nữ đưa đôi tay lên là ra điệu vũ”. Người Churu gọi nhạc cụ bằng đồng có núm ở giữa là chêng hay ching, còn loại không có núm là char hay sár. Biên chế dàn nhạc để diễn tấu phổ biến của người Churu có dàn chiêng ba gắn trên khung tre, thứ tự từ phải sang trái, từ to đến nhỏ là Ame (mẹ), Dra (dì trẻ) và Ànạ (con gái); rơkel (kèn bầu) và Sơgơr (trống) Gơnang. “Muốn đánh được một bài ching, sár phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai tay. Một bài hoàn chỉnh trong lễ hội như Arya, T’rumpô phải có sự kết hợp giữa tiếng cồng, chiêng, kèn bầu và pah gơnang (pah: đánh, vỗ). Những thanh âm ấy là phương tiện giao tiếp với Yàng, với thần linh. Và ching, sár luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Churu”, nghệ nhân Ya Ngôn chia sẻ.
Nghe Ya Ngôn lý giải về dàn chiêng ba của dân tộc Churu, chợt nhớ chuyện luận bàn về dàn chiêng của người K’Ho, Mạ, M’nông với Nghệ nhân ưu tú K’Bes, dân tộc K’Ho, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. Ông nói: “Dàn chiêng sáu của ba tộc người này có nhiều tên gọi, nhưng phổ biến theo thứ tự ching me, rơnul, ndơn, ndol, t’rơ, thêt. Mỗi vị trí trong bộ sáu thang âm đều có âm và tiết tấu riêng. Ching me giữ nhịp tấu gọi dàn chiêng giao hòa. Muốn đánh được chiêng, phải nhạy cái tai, dẻo cái tay, cái tâm phải thổn thức với rừng Yàng”. Biên chế bộ chiêng sáu là thế, song, vẫn có những cuộc “chơi chiêng cảm hứng”. “Chiêng đôi thường để đấu chiêng, gọi nhau trong câu chuyện. Khó lắm, phải điêu luyện mới đánh được”, nghệ nhân K’Bes giãi bày. Mỗi điệu chiêng của người Tây Nguyên đều gửi gắm một thông điệp với thần linh, với rừng xanh, với cộng đồng… trong chính không gian thiêng của buôn làng, không gian văn hóa nuôi sống cồng chiêng.
Những tia nắng cuối ngày dần tắt trên đỉnh Iamơnhi. Ngọn lửa thiêng được thắp lên, đêm hội buôn làng Churu, ở thôn Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương bắt đầu. Âm ba của sár, sơgơr quyện hòa cùng điệu rơkel vang xa lên tận đỉnh núi. “Đối với người Churu, trong các sự kiện có tính cộng đồng, cộng cảm, không thể thiếu các điệu tamya trên hợp âm cồng chiêng, rơkel và trống gơnang. Đó là lễ thức quan trọng trong đời sống tâm linh, văn hóa cộng đồng người Churu”, Nghệ nhân ưu tú Touneh Ma Bio gợi mở.
Bà Ma Bio cũng đã được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú. Song, cũng như già Ya Ngôn, từ lâu, bà đã là nghệ sỹ thực thụ trong lòng bà con buôn làng. “Từ lúc nằm sau lưng mẹ, mình đã “thẩm” tiếng chiêng. Mới đó, thấm thoắt đã qua hơn 60 mùa rẫy”, nghệ nhân Ma Bio thổ lộ. Sinh ra và lớn lên bên dòng Đạ Nhim huyền thoại, miền đất chất chứa nhiều vũ điệu huyền diệu của người Churu, tuổi thơ chênh chao trên lưng mẹ, Ma Bio đã được ru giấc nồng bằng nhịp chiêng, điệu rơkel du dương len qua khe suối. Dòng Đạ Nhim vẫn tỉ tê, ngưng tấu rơkel, già làng Ya Hin nói: “Ma Bio là người nổi tiếng cộng đồng Churu mình, bởi đã có công “hồi sinh” tamya bị lãng quên trong thời gian dài”.
Tamya được sinh ra trên chính nền âm nhạc cổ cùng tên với điệu vũ. Bởi vậy, trình diễn “ngôn ngữ hình thể” không thể thiếu nhịp chiêng và ngược lại, điệu chiêng ngân dài mà vắng điệu vũ dân gian cũng sẽ “lạc phách”, thiếu sự khơi gợi. “Tamya là múa. Còn Arya, T’rumpô, Păhgơnăng, Damtơra... là các vũ điệu. Đối với người Churu, trong các dịp lễ hội dù lớn hay nhỏ, như lễ Pơthi (bỏ mả), Mơ Nhum (cúng thần Lúa), Bơ Mung (thần Đập nước)… khi âm thanh của chiêng ba, tiếng trống gơnang và rơkel vang lên thì mọi người cùng hòa nhịp tamya. Đó là sự giao hòa âm dương, biểu hiện của sự tương giao bền chặt”, nghệ nhân Ma Bio nói.
Chia tay những nghệ sỹ buôn làng Nam Tây Nguyên, vấn vương tự tình của nhiều nghệ nhân ưu tú: Đối với người Tây Nguyên, rừng còn, buôn làng còn; rừng dạy bà con cách sống. Từng bài chiêng, bài cồng là tiếng ca tiếng hát, tiếng gọi bầy của muôn loài. Từng điệu vũ dân gian là khắc họa đời sống gắn với không gian rừng. Phải được gìn giữ, trao truyền và tiếp nối.
MAI VĂN BẢO