Theo các cơ quan chức năng, đơn vị xuất khẩu và người nông dân thì sau những chuyến hàng xuất khẩu chính ngạch đầu tiên đến nay có nhiều vấn đề nảy sinh. Mặc dù Nghị định thư về xuất – nhập khẩu chính ngạch sầu riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có từ đầu tháng 7, song phải đến tháng 9 Việt Nam mới chính thức xuất khẩu lô hàng đầu tiên.
Giá sầu riêng tại các địa phương sau đó đã tăng lên đáng kể, có sự chênh lệch lớn giữa các sản phẩm.
Đến nay Trung Quốc đã công nhận 51 mã số vùng trồng sầu riêng, 25 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc, trong đó có đến 23 vùng trồng, 4 cơ sở đóng gói của Đắk Lắk. Nhưng trong thực tế tỷ lệ xe hàng phải quay đầu tại cửa khẩu là không ít, nguyên nhân là không đáp ứng được tiêu chuẩn của bên mua.
Theo Cục bảo vệ thực vật, hiện nay số diện tích được cấp mã để xuất khẩu chính ngạch khoảng 3.000ha, chiếm 4% diện tích sầu riêng cả nước. Tuy nhiên, trước nhu cầu thị trường Trung Quốc diện tích này rất thấp, còn nhiều cơ hội cho các vùng trồng khác.
Để giúp nông dân tại các hợp tác xã hiểu hơn về thị trường Trung Quốc để chuẩn bị tốt hơn cho các vụ xuất khẩu chính ngạch tiếp theo, Liên minh hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Viện phát triển kinh tế nông nghiệp- Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức tập huấn về chuyên đề xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Trong đó thông tin rõ về tình hình xuất khẩu sầu riêng tại cửa khẩu thời gian gần đây, những vấn đề đang đặt ra, yêu cầu từ phía nông dân, đơn vị sản xuất.
http://lamdongtv.vn/