Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Vùng đất lợi thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao

  • 02/12/2022
  • s 08:52

Có ý kiến cho rằng, nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) 20 năm về trước, TP Đà Lạt là “điểm sáng”; song, khoảng 10 năm trở lại đây đã dịch chuyển về huyện Lạc Dương. Có thổ nhưỡng, khí hậu khá tương đồng với Đà Lạt, NNCNC đã và đang phát triển khá mạnh trên địa bàn huyện Lạc Dương, mamg lại thu nhập cao cho các doanh nghiệp và nông dân ở địa phương này...

Công nhân của Công ty tnhh Langbian.f Dâu Rừng đang thu hoạch phúc bồn tử

• LỢI THẾ CẠNH TRANH

Có thế nói, “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” Lạc Dương đều có sẵn. Tuy nhiên, nhiều năm về trước, tư duy, thói quen canh tác lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) địa phương cứ kéo dài làm cho đời sống của đa số nông dân gặp khó khăn… Là huyện nghèo, xuất phát điểm thấp, 100% xã của huyện Lạc Dương thuộc vùng DTTS. Nhiều năm về trước, giao thông đi lại khó khăn, cách trở, có những địa bàn (như xã Đưng K’Nớ) trước đây gần như bị cô lập giữa rừng sâu… Đến nay, Quốc lộ 27C - tuyến giao thông huyết mạch nối thành phố hoa Đà Lạt với thành phố biển Nha Trang (chạy qua các xã Đạ Chais, Đạ Nhim, Đạ Sar), ngoài phát triển du lịch, đây còn là tuyến đường kết nối các vùng kinh tế trọng điểm khu vực Tây Nguyên với các tỉnh, thành khu vực miền Trung… Bên cạnh đó, tuyến đường Tây Trường Sơn, đi qua xã Đưng K’Nớ mở ra cơ hội vàng để Lạc Dương phát triển mọi mặt; trong đó, sản xuất NNCNC và du lịch canh nông là những lĩnh vực rất tiềm năng. 

Xác định có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, mà muốn phát triển nông nghiệp phải đầu tư, chuyển hướng sản xuất NNCNC. Đó là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Huyện ủy và UBND huyện Lạc Dương được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và các nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lạc Dương, giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tới. 

Toàn huyện Lạc Dương hiện có khoảng 12.000 ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, có hơn 800 ha sản xuất rau, hoa trong nhà kính, nhà lưới, áp dụng công nghệ tưới, bón phân hiện đại. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện khoảng 8.878 ha; tập trung các cây trồng chủ lực: cà phê 4.176 ha, sản lượng trung bình 10.000 tấn/năm; rau các loại 1.765 ha, sản lượng trung bình 155.700 tấn/năm; hoa 565 ha, sản lượng 365.700 cành/năm.

Thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt 225 triệu đồng/ha; trong đó, rau trồng trong nhà kính đạt từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm; hoa ước đạt từ 1 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm; cá biệt, hoa lily đạt 2,5 - 3 tỷ đồng/ha/năm. Hiện nay, trên địa bàn huyện Lạc Dương đã được phê duyệt 4 khu và 1 vùng quy hoạch sản xuất NNCNC; trong đó có Khu NNCNC Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại xã Đạ Sar, với quy mô 221,32 ha, chuyên sản xuất rau, hoa cao cấp các loại, phục vụ xuất khẩu.

• THU HÚT NHIỀU DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ

Là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển NNCNC và chế biến các mặt hàng nông sản, giao thông khá thuận lợi, nhiều năm qua, huyện Lạc Dương đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, chế biến, xuất khẩu các loại rau, hoa, củ, quả ứng dụng CNC. Hiện tại, các xã: Đạ Sar, Đạ Chais, Đạ Nhim, xã Lát đã có 30 doanh nghiệp đầu tư sản xuất NNCNC. Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng đã hình thành và hoạt động hiệu quả 12 hợp tác xã (HTX), 26 tổ hợp tác và 5 trang trại sản xuất nông nghiệp quy mô, thu hút hàng ngàn lượt hội viên, nông dân tham gia, sản xuất và hưởng lợi. 

Phần lớn các doanh nghiệp đầu tư sản xuất tập trung vào 3 nhóm cây trồng chủ yếu như: Trồng rau sạch thủy canh, có các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Rừng Hoa Bạch Cúc; Công ty TNHH Đà Lạt G.A.P; Công ty TNHH Trang Trại Trường Phúc; trồng dâu tây chất lượng cao, gồm các doanh nghiệp: Công ty TNHH KBiL VINA, Công ty TNHH Hoa Thắng Thịnh, Công ty TNHH Nông trại SamGong, Công ty Hokkaido; trồng các loại rau, củ, quả gồm: Công ty TNHH Nông trại Kiến Huy, Công ty Vineco; sản xuất, chế biến và xuất khẩu nấm hương: Công ty TNHH Nguyên Long... Hiện có 2 doanh nghiệp và 1 HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đó là Công ty TNHH Florama, Công ty TNHH Jan’S, HTX Tổng hợp Minh Thọ Organic...

Qua việc đầu tư và hoạt động có hiệu quả của các doanh nghiệp, HTX và các mô hình liên kết đã mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân các xã huyện Lạc Dương. Cụ thể, chi phí đầu tư giảm, nông dân chủ động trong canh tác, sản xuất; hạn chế sự bấp bênh về giá cả các loại nông sản, động viên nông dân yên tâm sản xuất; nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Đặc biệt, sự thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư hoạt động đã góp phần giải quyết một lượng lớn lao động nông nhàn của địa phương; qua đó, nâng cao thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững…

Có thể nói, cùng với hiệu quả các chương trình, dự án lớn của Trung ương và của tỉnh, nỗ lực của chính quyền địa phương về đẩy mạnh sản xuất NNCNC đúng hướng đã mang lại sự đổi thay vượt bậc đời sống mọi mặt của Nhân dân các dân tộc huyện Lạc Dương. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Lạc Dương từ 12 - 15 triệu đồng/người/năm (năm 2012), đến nay đã nâng lên 45 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, xuất hiện nhiều hộ gia đình tỷ phú là người DTTS từ sản xuất NNCNC…

http://baolamdong.vn/