Sáng 25/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì phiên họp lần thứ 5 Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và tổ công tác triển khai đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022- 2030”, gọi tắt là Đề án 06 của Chính phủ.
Hội nghị được trực tuyến đến các bộ, cơ quan Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng có đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh; đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, các đơn vị doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông trên địa bàn tỉnh tham dự.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2022, công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực trên nhiều mặt về: nhận thức và hành động; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi; phát triển hạ tầng số, các nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; dịch vụ công trực tuyến; an toàn, an ninh thông tin; phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số; phát triển kinh tế số, xã hội số, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
Một số chỉ tiêu chuyển đổi số đạt và vượt mức kế hoạch như: Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%, tỷ lệ doanh thu thương mại điện tử tổng mức bán lẻ đạt 7,5%, tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đạt 65%, dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%. Riêng đối với việc triển khai thực hiện Đề án 06, đến nay các bộ, ngành đã triển khai 21/25 dịch vụ công thiết yếu, 58/63 địa phương kết nối chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an cấp trên 78 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử.
Tại tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã triển khai chuyển đổi số dựa trên các trụ cột chính là xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh, thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh và các huyện và các ngành nhằm chủ động triển khai chuyển đổi số một cách kịp thời, linh hoạt, phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề, đơn vị địa phương cụ thể. Cùng với đó, các ngành, các địa phương đã tăng cường tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác chuyển đổi số, tích hợp cơ sở dữ liệu, công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, trang bị các hạ tầng máy tính, phần mềm đã và đang được triển khai đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ hoạt động.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 và các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Nghị quyết Quốc hội. Trước xu thế phát triển mạnh mẽ và toàn diện của công cuộc chuyển đổi số, Thủ tướng cho rằng, các bộ, ngành, các địa phương cần phải có tuy duy “Đi tắt đón đầu”, “Đi trước về trước”, phát triển đột phá, chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị tốt để triển khai thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương cần đánh giá thực trạng chuyển đổi số, chỉ ra những điểm nghẽn, xác định nguyên nhân tồn tại, giải pháp khắc phục, chia sẻ kinh nghiệm hay, bài học quý, vấn đề chia sẻ cơ sở dữ liệu Quốc gia, bám sát thực tiễn, dự báo tình hình, những phương thức ứng phó kịp thời với xu thế của công cuộc chuyển đổi số để triển khai.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong thời gian qua, công tác chuyển đổi số có nhiều chuyển biến tích cực, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã chủ động triển khai toàn diện chuyển đổi số, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ công theo hướng “lấy người sử dụng làm trung tâm”, nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp dựa trên dữ liệu số, nâng cao năng suất lao động của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan nhà nước “dựa trên nền tảng số, dữ liệu số”, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia.
Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, thẳng thắn về thực trạng chuyển đối số, chỉ ra những điểm nghẽn, xác định nguyên nhân và giải pháp khắc phục, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, nhất là trong triển khai dịch vụ công trực tuyến, kết nối và chia sẻ dữ liệu, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới quản trị…; trên cơ sở bám sát thực tiễn và dự báo tình hình, nhất là các công nghệ mới phát triển nhanh như công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), Blockchain (công nghệ chuỗi-khối), ChatGPT…, đánh giá phản ứng của chúng ta trước những vấn đề mới, tiếp tục có giải pháp phù hợp với điều kiện Việt Nam.
http://baolamdong.vn/