Tiếp tục tái cơ cấu theo hướng tiếp cận đa ngành, trọng tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững, hiện đại, ngành Nông nghiệp Đà Lạt phấn đấu đến năm 2025 đạt các mục tiêu quan trọng để xây dựng thành phố trở thành trung tâm nghiên cứu về nông nghiệp công nghệ cao mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế vào năm 2030.
• ĐỒNG BỘ CÁC NHÓM GIẢI PHÁP
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn TP Đà Lạt đạt 8.500 ha canh tác công nghệ cao, 200 ha canh tác thông minh, chiếm tỷ trọng 85-90% giá trị ngành Nông nghiệp thành phố. Trong đó, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất, xử lý giá thể (95%); gieo trồng,chăm sóc (75%); thu hoạch 13- 15%. Cụ thể ngành Nông nghiệp Đà Lạt xây dựng 10 mô hình cơ giới hóa các khâu làm đất, tưới nước, chăm sóc, bón phân và thu hoạch phù hợp với từng địa hình, mức độ tự động hóa cao; 15 mô hình ứng dụng công nghệ IoT điều khiển ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, cung cấp dinh dưỡng qua hệ thống tưới nước, phun thuốc tự động, sử dụng chế phẩm sinh học, xây dựng cổng thông tin dự tính, dự báo dịch bệnh cây trồng, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây trồng, hỗ trợ doanh nghiệp nhập nội, khảo nghiệm giống cây trồng mới.
Cũng trong giai đoạn này, ngành Nông nghiệp Đà Lạt phát triển khoảng 130 ha rau, chè, cà phê, dược liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ; thu gom xử lý 95% phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp và 60% bao bì, thuốc bảo vệ thực vật. Hàng loạt giải pháp cần triển khai đồng bộ để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu này. Đó là chuyển giao quy trình canh tác các loại cây trồng không sử dụng nhà kính hoặc sử dụng nhà kính có mái che di động, đầu tư nhân rộng các mô hình canh tác bền vững, rà soát, hoàn thiện quy trình sản xuất, chế biến nông sản an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó còn tiếp tục hỗ trợ hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP; xây dựng mô hình truy xuất nguồn gốc nông sản theo chuỗi giá trị an toàn thực phẩm.
Gắn sản xuất với tiêu thụ đến năm 2025, ngành Nông nghiệp Đà Lạt đạt 80% sản lượng nông sản được sơ chế, chế biến trước khi đưa ra thị trường, giảm tổn thất thu hoạch xuống dưới 15%. Toàn thành phố có 100 sản phẩm OCOP cấp Trung ương, tỉnh và thành phố; đạt tỷ lệ 50% trở lên nông sản đáp ứng các điều kiện truy xuất nguồn gốc; phấn đấu khoảng 50% sản lượng rau, hoa, cà phê Arabica được cấp quyền sử dụng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Các nhóm giải pháp trọng tâm ở đây được ngành Nông nghiệp Đà Lạt xây dựng và tổ chức triển khai như: Hình thành 2 trung tâm sau thu hoạch tại các vùng chuyên canh rau, chè, cà phê, hoa, trong đó tập trung hỗ trợ máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng, đào tạo nhân lực, xây dựng quy trình sơ chế, chế biến đạt các tiêu chuẩn chứng nhận an toàn thực phẩm; xây dựng mã vùng trồng đối với nông sản chủ lực; tổ chức xúc tiến thương mại, kết nối giao thương vào các thị trường chiến lược; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận atiso Đà Lạt.
• PHÁT TRIỂN 10.000 HA NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
Xác định doanh nghiệp là nòng cốt, kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác là trung tâm, nông dân là chủ thể, ngành Nông nghiệp Đà Lạt tiếp tục xây dựng, phát triển và tạo bứt phá các mô hình liên kết doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân trên cơ sở nâng cao trình độ quản lý, ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật… Theo đó, đến năm 2025, toàn thành phố phấn đấu thành lập mới 50 hợp tác xã, tổ hợp tác; xây dựng mới lên đến 15 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; đạt từ 60% trở lên sản lượng nông sản tiêu thụ theo hợp đồng. Đặc biệt, “đầu tư hình thành 4 - 5 hợp tác xã điển hình tiên tiến tại các vùng sản xuất nông sản chủ lực của thành phố, hoạt động theo mô hình từ hỗ trợ dịch vụ đầu vào đến tư vấn kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, tập trung hỗ trợ toàn diện hợp tác xã về cơ sở vật chất, hạ tầng, máy móc thiết bị, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại..., ngành Nông nghiệp Đà Lạt cho biết thêm.
Từ những mục tiêu tiếp cận đa ngành hoàn thành vào năm 2025, ngành Nông nghiệp Đà Lạt làm nền tảng xây dựng, tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp mới đến năm 2030 đạt được 10.000 ha diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tương ứng 95% tổng diện tích canh tác nông nghiệp; giá trị thu hoạch bình quân 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm; 8 vùng canh tác nông nghiệp công nghệ cao; 15 doanh nghiệp công nghệ cao; 3 - 4 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kiểu mẫu trên địa bàn.
http://baolamdong.vn/