Với các giải pháp liên kết sản xuất gắn với xúc tiến thương mại, các sản phẩm OCOP Lâm Đồng trong năm qua đã tiếp tục nắm bắt cơ hội kết nối thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và không ngừng phát triển thương hiệu của mình.
Cuối tháng 3 năm nay, Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Như Ý (xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương) xuất hành đến tỉnh Tây Ninh trong một chương trình xúc tiến thương mại trong nước từ cơ quan chuyên trách tỉnh Lâm Đồng tổ chức. Bà Đinh Thị Thi, Giám đốc HTX này cho biết, HTX đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng giới thiệu kết nối, bày bán trong thời gian khoảng hơn một tuần tại Tây Ninh gồm hàng trăm hộp trà túi lọc đương quy, atiso; cả trăm ký đương quy, hoàng kỳ, đan sâm sấy khô; 70 hũ cao atiso, 50 hũ bột hà thủ ô; 120 chai rượu đương quy… Trong đó, dự kiến số lượng sản phẩm sẽ tiêu thụ khoảng 95%; còn lại 5% giành cho khuyến mãi giới thiệu cho khách hàng tiềm năng.
Tính chung trong năm 2022, HTX Dược liệu Như Ý cũng đã tham gia xúc tiến thương mại tại 6 hội chợ trong nước, thời gian họat động mỗi hội chợ từ 5 - 10 ngày, phần lớn số lượng sản phẩm dược liệu ở đây đều được khách hàng trực tiếp mua về sử dụng, kết quả phản hồi khá tích cực về chất lượng và hình thức mẫu mã. Kết quả hàng năm, HTX đã ký kết thêm những hợp đồng tiêu thụ với khách hàng mới.
Giám đốc HTX Đinh Thị Thi chia sẻ: “Qua các hội chợ xúc tiến thương mại, HTX chúng tôi được khách hàng tin dùng ký kết hợp đồng phần lớn với 2 dòng sản phẩm chủ lực xếp hạng OCOP 4 sao, 3 sao là trà đương quy túi lọc và rượu đương quy, được chế biến từ nguyên liệu liên kết sản xuất hơn 12,5 ha diện tích của 15 nông hộ tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, TP Đà Lạt, Bảo Lộc…”.
Theo tổng hợp đánh giá trong một năm vừa qua, các cơ quan chuyên trách trong tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia hơn 20 chương trình hội nghị, hội thảo, kết nối giao thương, hội chợ thương mại, đặc sản vùng, miền, tuần hàng nông sản, thúc đẩy xuất khẩu thông qua các kênh thương mại điện tử như alibaba, dalatprocduct.com, amazon, seda, lazada, shopee, postmart… Qua đó các doanh nghiệp, HTX đã ký kết gần 120 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các nhà sản xuất hàng Việt Nam trên cả nước với tiểu thương tại các huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng; kết nối giao thương sản phẩm OCOP giữa tỉnh Lâm Đồng với các tỉnh Đồng Tháp, TP Cần Thơ, hệ thống bán lẻ winmart. Ngoài ra, toàn tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng và đưa vào hoạt động 3 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm gắn thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” tại TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương; 4 điểm bán hàng tại các huyện Đức Trọng, Di Linh, Đạ Huoai, TP Đà Lạt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.
Số liệu trong một năm vừa qua cho biết, toàn tỉnh Lâm Đồng đã công bố 23 sản phẩm OCOP xếp hạng 4 sao và 3 sao của 13 chủ thể gồm: Cà phê phin giấy chocolate, arabica, đẳng sâm, linh chi, cà phê đặc sản arabica catuara, arabica yellow bourbon, rau xà lách thủy canh, carrot baby, bột rau cần tây, bột rau má cỏ ngọt, trà ôlong Tam Dương, bơ 034 Dậu Loan, đông trùng hạ thảo khô, hạt bí Nhật…
Đặc biệt, có 12 sản phẩm tỉnh Lâm Đồng được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực Tây Nguyên như: Củ, quả thập cẩm sấy giòn, bộ sản phẩm cà phê Chappi Mountains, trà hoa vàng túi lọc, cà phê Lotus, cà phê bộ Zili robusta, blend, arabica, mật ong, bộ sản phẩm nước cốt trái cây, lon nhân mắc ca rang hồng ngoại, khoai lang sấy giòn, bộ sản phẩm cà phê rang xay Dehavi. Tổng hợp đến nay, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng được công nhận cấp Quốc gia (13 sản phẩm), cấp khu vực (33 sản phẩm), cấp tỉnh (82 sản phẩm).
Tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP gắn với thị trường trong năm 2023, “các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh Lâm Đồng được hỗ trợ quảng bá sản phẩm OCOP đạt các tiêu chuẩn chứng nhận, đặc biệt là chứng nhận sử dụng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành, qua đó kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu…”, theo kế hoạch phối hợp triển khai của ngành chức năng Lâm Đồng.
http://baolamdong.vn/