Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Huyện ủy Đơn Dương đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo định hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) trên địa bàn. Từ đó để ngành CN - TTCN phát triển trên cơ sở gắn liền với quy hoạch của tỉnh; phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đảm bảo ổn định xã hội và quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, sản xuất CN - TTCN tại Đơn Dương tiếp tục có bước phát triển, quy mô và chất lượng được nâng lên. Giá trị sản xuất ngành CN - TTCN của địa phương tăng bình quân hàng năm là 11%. Các cơ sở sản xuất ngành CN - TTCN vẫn duy trì được kế hoạch sản xuất, đầu ra sản phẩm luôn ổn định và phát triển mở rộng quy mô sản xuất như các cơ sở sản xuất nước chấm, sản phẩm từ sữa bò, chế tạo thiết bị phục vụ nông nghiệp, các sản phẩm từ trái cây…
Tuy nhiên, ngành CN - TTCN của Đơn Dương phát triển thiếu bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn lực của địa phương. Quỹ đất sạch để thu hút nhà đầu tư còn hạn chế, cụm công nghiệp Ka Đô, Đơn Dương khó khăn trong thu hút được nhà đầu tư; nhiều ngành nghề có chiều hướng suy giảm. Môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn; cơ sở hạ tầng phát triển chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu cho các nhà đầu tư lớn; hệ thống giao thông phát triển chưa đồng bộ, chi phí vận chuyển cao...
Từ thực trạng tại địa phương, để định hướng phát triển ngành CN - TTCN trên địa bàn thời gian tới, Huyện ủy Đơn Dương chỉ đạo cần phải nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức đối với việc phát triển ngành CN - TTCN; gắn với phát triển ngành Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, hữu cơ; góp phần chuyển dịch tỷ trọng cơ cấu kinh tế địa phương. Cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở cần tiếp tục nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc phát triển ngành CN - TTCN tác động đến phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, tập trung lãnh, chỉ đạo, tham gia phối hợp tuyên truyền, vận động, đảm bảo cán bộ, công chức biết việc, hiểu việc và thực thi nhiệm vụ, Nhân dân hiểu và đồng thuận với chính quyền. Tiếp tục tuyên truyền, định hướng Nhân dân thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ, vừa là ngành cung ứng sản phẩm vừa là nhu cầu để phát triển ngành CN - TTCN.
Cùng với đó, Huyện ủy Đơn Dương cũng chỉ đạo nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, vai trò của các cấp, các ngành trong việc định hướng phát triển ngành CN - TTCN trên địa bàn. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, chỉnh trang đô thị, tạo cơ chế chính sách về đất đai, vốn, thuế để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển ngành CN - TTCN. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác môi trường tại các nhà máy, công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn nhằm giảm thiểu, hạn chế thấp nhất về ô nhiễm môi trường tại khu vực sản xuất và cộng đồng dân cư liền kề. Tăng cường tham gia các chương trình xúc tiến thị trường như: hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm, quảng cáo…; đồng thời, điều tra thu thập, trao đổi thông tin dự báo thị trường để hoạch định chiến lược, xây dựng chính sách phát triển sản phẩm và thị trường. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, cùng doanh nghiệp tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp có liên quan đến địa phương...
Đồng chí Trương Văn Tùng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đơn Dương cho biết, địa phương đã đề ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 là phát triển CN - TTCN theo hướng hiện đại. Cùng với đó là tạo điều kiện tối đa để thu hút các nguồn lực, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và thành phần kinh tế để phát triển ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, hữu cơ. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh và các ngành công nghiệp có lợi thế gắn với vùng nguyên liệu như công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh như rau, sữa, thịt để ổn định và phát triển nguồn nguyên liệu, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển nhằm đưa công nghiệp thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn có tính đột phá nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng CN - TTCN, phát triển kinh tế, xã hội của huyện.
Ngoài ra, Đơn Dương cũng tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành CN - TTCN, thương mại dịch vụ, giảm dần giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp; phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng ngành Công nghiệp - xây dựng chiếm 15,4% và đến năm 2030 chiếm 20% trở lên trong cơ cấu kinh tế của huyện.
http://baolamdong.vn/