Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Từ ý nghĩa tên gọi ban đầu DALAT (cho người này niềm vui, cho người khác sự mát lành), Đà Lạt hiện đang hướng tới xây dựng thành phố sáng tạo. Nhân dịp này, phóng viên Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO" xung quanh chủ đề này.
• PV: Đà Lạt - miền đất của nhiều tên gọi tôn vinh những nét đẹp đặc trưng của thành phố như: “Thành phố ngàn hoa”, “Thành phố ngàn thông”, “Thành phố sương mù”, “Thành phố Festival Hoa”, “Thành phố của ba thiên đường”… Xin ông cho biết đôi nét về “Thành phố sáng tạo” mà Đà Lạt đang hướng tới?
• TS Phạm S: “Thành phố sáng tạo” trong tiếng Anh được gọi là Creative City. Thành phố sáng tạo là nơi mà ở đó con người với tính sáng tạo là tài nguyên quan trọng, tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Theo nghĩa này thì tài nguyên thiên nhiên dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi và thương hiệu từ quá khứ không còn đóng vai trò quyết định tới sự hưng thịnh của một đô thị trong thời đại ngày nay, mà thay vào đó, nền tảng cho sự phát triển của một thành phố là tính sáng tạo không ngừng của con người.
Với cách hiểu về thành phố sáng tạo được phân tích như trên, nhiều thành phố trên thế giới đã dần dần hướng tới nền công nghiệp sáng tạo - công nghiệp văn hóa. Mục tiêu của họ là xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sáng tạo, thu hút lực lượng lao động sáng tạo và tạo ra các sản phẩm sáng tạo.
Một vấn đề cần chú ý đối với thành phố sáng tạo là sự sáng tạo không chỉ có ở tầng lớp nghệ sỹ, kỹ sư, các nhà khoa học, doanh nhân... nói chung là những người đang làm công việc trí óc, mà sự sáng tạo tồn tại ở tất cả mọi người. Do đó, thành phố sáng tạo biết tận dụng sự sáng tạo từ mọi người dân trong xã hội, để từ đó tạo nên bản sắc riêng biệt, độc đáo và hiếm có.
Khi tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo, các thành phố thành viên sẽ cam kết chia sẻ những bài học thành công, bài học kinh nghiệm và cùng xây dựng mối quan hệ hợp tác với khu vực công - tư và các tổ chức xã hội dân sự nhằm mục đích: Phát huy sự sáng tạo, phát triển, chia sẻ và cung cấp thông tin về các hoạt động, sản phẩm hay dịch vụ văn hóa. Xây dựng các không gian sáng tạo, đổi mới và mở rộng cơ hội cho các nhà sáng tạo cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa. Tăng cường tính tiếp cận và sự tham gia vào đời sống văn hóa, đặc biệt là sự tiếp cận cũng như sự tham gia của nhóm, cá nhân yếu thế hay nhóm thiểu số. Lồng ghép văn hóa và sáng tạo vào các chiến lược phát triển bền vững.
Các lĩnh vực của mạng lưới các thành phố sáng tạo, bao gồm: Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; nghệ thuật truyền thông; điện ảnh; thiết kế; ẩm thực; văn học và âm nhạc.
• PV: Thưa ông, theo kế hoạch xây dựng “Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO”, Đà Lạt có các tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và hội đủ các tiêu chí cơ bản gì?
• TS Phạm S: Song song với tài nguyên thiên nhiên, TP Đà Lạt còn sở hữu những kiến trúc độc đáo qua các công trình kiến trúc hàng trăm năm, do chính từ tư duy sáng tạo của con người qua bao thế hệ đã tạo nên. TP Đà Lạt cũng là vùng đất hứa đã lôi cuốn, giữ chân biết bao cư dân từ khắp mọi miền đất nước từ lúc khai thiên lập địa cho đến hôm nay và chính thành phố này đã nuôi dưỡng cho họ sống, cống hiến và phát triển tài năng. Vì vậy, công dân của TP Đà Lạt luôn say mê lao động sáng tạo, phát huy trí tuệ vun đắp trong quá trình hình thành và phát triển đã tạo ra những sản phẩm sáng tạo rất phong phú về văn hoá, ẩm thực, mỹ thuật, thủ công mỹ nghệ, âm nhạc, kiến trúc, thiết kế, văn học, nhiếp ảnh, điện ảnh...; đồng thời tạo nên phong cách người Đà Lạt “Hiền hoà, thanh lịch, mến khách”. Đó là những tiềm năng lợi thế để Đà Lạt sớm trở thành thành phố sáng tạo UNESCO.
• PV: Xin ông cho biết cách tiếp cận và lộ trình để Đà Lạt chính thức được công nhận là “Thành phố sáng tạo”?
• TS Phạm S: Vào đầu năm 2021, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã đón tiếp ông Michael Croft - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam. Qua đó, giới thiệu tiềm năng lợi thế so sánh và những giá trị di sản của Đà Lạt đã được UNESCO công nhận; tiềm năng về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; bản sắc văn hóa con người Đà Lạt; tiềm năng về du lịch, giáo dục - đào tạo; các lợi thế về điện ảnh, âm nhạc, công nghiệp văn hóa và môi trường cảnh quan, di sản kiến trúc châu Âu... Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao về những điều kiện thuận lợi của Đà Lạt vốn có đối với thành phố sáng tạo, đặc biệt là lĩnh vực điện ảnh và âm nhạc. Trên cơ sở đó, ông Michael Croft ghi nhận và khuyến nghị UBND tỉnh cần sớm thành lập Ban Chỉ đạo để thường xuyên kết nối với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam để được hướng dẫn trình tự thủ tục lập hồ sơ và sẽ giới thiệu các tổ chức quốc tế và các thành phố sáng tạo toàn cầu hỗ trợ TP Đà Lạt trong quá trình xây dựng kế hoạch, lộ trình để Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo UNESCO trong tương lai.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số1395/QĐ-BVHTTDL ngày 16/4/2021 về việc Phê duyệt Kế hoạch xây dựng “Đề án Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO”. UBND TP Đà Lạt đã thống nhất nội dung đề cử tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO đối với TP Đà Lạt trong lĩnh vực âm nhạc. Hiện nay, TP Đà Lạt đang phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khảo sát, thu thập số liệu xây dựng hồ sơ theo mẫu đăng ký mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO và đang tiếp tục giao cho các cơ quan chuyên môn cập nhật dữ liệu, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Tổ chức hội thảo khoa học tham vấn xây dựng hồ sơ TP Đà Lạt gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và các sự kiện âm nhạc giao lưu quốc tế.
• PV: Trong mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO trên thế giới hiện nay thì Đà Lạt khi được công nhận thành phố sáng tạo có những lợi thế gì để tiếp tục phát huy sáng tạo trong lĩnh vực đề xuất, thưa ông?
• TS Phạm S: Đà Lạt được bác sỹ Yersin khám phá và đề xuất là trung tâm nghỉ dưỡng từ năm 1893. Sau 130 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt đã trở thành Thành phố Festival Hoa, Trung tâm di sản kiến trúc Pháp của Việt Nam và khu vực... Đà Lạt là thành phố bền vững môi trường ASEAN; Đà Lạt được trang Booking.com ghi nhận đứng thứ 3 trong top 10 địa danh ngắm hoa đẹp nhất trên thế giới năm 2022; Hãng CNN bình chọn Đà Lạt là một trong 18 “kho báu châu Á” năm 2023.
Danh hiệu “Thành phố sáng tạo” khi được UNESCO công nhận thể hiện khát vọng của toàn dân, khuyến khích tư duy sáng tạo và trí tưởng tượng để tạo ra của cải vật chất cho xã hội hiện tại và tương lai mang tính đột phá. Triết lý của nó là luôn có nhiều cơ hội sáng tạo hơn trong một thành phố có nhiều tiềm năng phát triển chưa được khai thác tương xứng.
Khi Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo UNESCO sẽ tiếp tục phát huy suốt chuỗi thời gian và quá trình tích lũy hài hòa giữa thiên nhiên, di sản kiến trúc và con người Đà Lạt qua 130 năm hình thành và phát triển. Mỗi người dân của TP Đà Lạt với phong cách hiền hòa, thanh lịch, mến khách tự hào trong lao động, học tập và quan hệ xã hội sẽ là động lực sáng tạo hơn nữa, góp phần quan trọng tạo nét riêng thành phố. Đồng thời, tăng thêm giá trị cho TP Đà Lạt, nơi khơi nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận cho bạn bè, du khách trong nước và quốc tế trong hoạt động giao lưu văn hóa - nghệ thuật, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, công nghiệp văn hóa, hợp tác đầu tư và du lịch.
• PV: Cảm ơn ông đã cập nhật những thông tin thú vị về TP Đà Lạt mến yêu!
http://baolamdong.vn/