Ngày 27/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp tháng 5/2023.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng còn có Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam và các thành viên UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành; tại điểm cầu UBND các huyện có đại diện Thường trực cấp ủy và HĐND các huyện, thành phố, các Phó Chủ tịch UBND cấp huyện và lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện, thành phố.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4, do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tôn Thiện San trình bày, cho biết: Trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm, thời tiết cơ bản thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển cây trồng; tiến độ sản xuất nông nghiệp đảm bảo thời vụ; tình hình chăn nuôi, thủy sản trên bàn tỉnh phát triển ổn định, đảm bảo an toàn về dịch bệnh; công tác giải ngân vốn đầu tư công được quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp, xuất khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng; công tác quy hoạch được đẩy nhanh và đạt một số kết quả quan trọng; các hoạt động du lịch, dịch vụ, thương mại, vận tải diễn ra sôi động, tăng trưởng so với cùng kỳ. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng; các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, thông tin, truyền thông tiếp tục thực hiện theo kế hoạch; đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị; trật tự xã hội cơ bản ổn định.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức; nổi bật là thu ngân sách nhà nước giảm so với cùng kỳ; giải ngân đầu tư công còn chậm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào, lãi suất ngân hàng cho vay vẫn ở mức cao; hoạt động kinh doanh, giao dịch bất động sản, xây dựng giảm mạnh; số ca nhiễm Covid-19 tăng so với các tháng đầu năm; doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm về số lượng và số vốn đăng ký, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng; tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp phức tạp; an sinh xã hội của một bộ phận người dân còn khó khăn...
Hội nghị cũng đề ra những nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm trong tháng 5, gồm: Chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết để Hội đồng thẩm định quy hoạch tổ chức thẩm định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện tốt thu ngân sách Nhà nước để đảm bảo đến tháng 6; đẩy nhanh thi công các công trình, dự án và giải ngân vốn đầu tư công; theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh để chủ động sản xuất nông nghiệp bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng kế hoạch; tiếp tục phát triển thương mại điện tử; kích cầu tiêu dùng, khai thác hiệu quả thị trường nội địa; tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại…; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch nội địa và thu hút khách du lịch quốc tế; chuẩn bị tốt kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023; tổ chức đánh giá chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 và Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022…
Hội nghị tập trung đánh giá và tìm giải pháp cho các vấn đề về giải ngân vốn đầu tư công, tình hình thu ngân sách, tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng ngừa… Trong đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phân tích nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công thấp. Phó Cục trưởng Cục Thuế báo cáo tình hình nợ đọng ngân sách nhà nước. Đặc biệt, Giám đốc Sở Y tế cảnh báo tình hình dịch bệnh và nguy cơ lây lan trong dịp lễ sắp tới: Lâm Đồng hiện có hơn 300 trường hợp mắc Covid-19 và 14 trường hợp phải theo dõi tại cơ sở y tế. 4 biến thể Covid-19 đang xuất hiện ở Việt Nam và chắc chắn sẽ gia tăng vào dịp nghỉ lễ này. Nguy cơ lây nhiễm dẫn đến rủi ro sẽ diễn ra ở các đối tượng: người già, người có bệnh nền, học sinh và trẻ dưới 5 tuổi… Tuỳ tình hình thực tế, ngành Y tế sẽ kích hoạt 2 cơ sở khám chữa bệnh (500 giường bệnh) tại Bệnh viện Nhi và Bệnh viện II Bảo Lộc. Vì vậy, khuyến cáo người dân áp dụng 2K, đặc biệt là ở trường học, cơ sở lưu trú…
Các địa phương báo cáo những vướng mắc trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công (đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ quỹ đất, quan điểm về thành lập trung tâm quỹ đất…), giá và nguồn nguyên vật liệu xây dựng (hiếm và giá cao), thu ngân sách thấp (thuế phí, tiền thuê đất, kê khai điện tử…), phòng chống cháy rừng, an ninh, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch 3 loại rừng, thu hút đầu tư…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp yêu cầu các ngành và các địa phương: phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công và các công trình trọng điểm; chuẩn bị mốc giới, hoàn thành giải phóng mặt bằng và bố trí tái định canh – định cư để khởi công dự án đường cao tốc; Sở Tài nguyên - Môi trường tháo gỡ vướng mắc trong khai thác mỏ vật liệu; xử lý nghiêm nhà thầu và chủ đầu tư sai phạm. Ngành Thuế xây dựng kịch bản thu ngân sách, lập mức khoán thuế cho hộ kinh doanh cá thể, thu nợ; xử lý những đơn vị làm ăn hiệu quả mà không thực hiện nghĩa vụ thuế và tiền thuê đất; những trường hợp cho thuê đất trước đây không đúng đều phải xử lý lại; tháo gỡ khó khăn về giá thuê đất cho doanh nghiệp; phối hợp với các sở, ngành phát huy hiệu quả các đề án thu… Hướng dẫn Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện phân lô, tách thửa…
http://baolamdong.vn/