Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Đặc sắc Lễ hội Mừng lúa mới của người Churu

  • 04/05/2023
  • s 10:16

Mới đây, tại Nhà văn hóa xã Tà Hine, Lễ hội Mừng lúa mới của người Churu đã được UBND huyện Đức Trọng phối hợp với các đơn vị liên quan tái hiện sinh động và chân thực. Đây cũng là một trong năm chương trình của huyện Đức Trọng hưởng ứng Tuần lễ Vàng Du lịch Lâm Đồng lần thứ 2.

Tộc người Churu với truyền thống sống định canh định cư và làm ruộng từ lâu đời, nghề trồng trọt chiếm vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế và lúa là cây lương thực chủ yếu. Ngoài ra, săn bắn, hái lượm cũng góp một phần nhỏ vào việc cải thiện đời sống hằng ngày của họ. Muốn được đủ ăn, mùa màng không thất bát, làm ruộng, chăn nuôi, săn bắn được thông suốt... người Churu cầu xin thần linh phù hộ. Do vậy, trước khi làm ruộng, đi săn... họ cũng tổ chức cúng tế và sau khi thu hoạch vụ mùa, bắt được nhiều thú... họ tổ chức ăn mừng và cùng tạ ơn các thần đã hỗ trợ cho họ, họ cúng để cầu mong vụ sau được bội thu hơn vụ trước...

Theo nông lịch của mình, người Churu thường tổ chức nhiều nghi lễ cúng khác nhau liên quan đến chu kỳ sinh trưởng của cây lúa. Trong một vụ canh tác gồm nhiều lễ cúng. Và lễ cúng mừng lúa mới với mục đích nhằm cảm tạ thần linh, ông bà tổ tiên đã phù hộ, mang đến cho đồng bào có được một vụ mùa bội thu, đây cũng là dịp ăn mừng thành quả sau thời gian vất vả mới có được và chuẩn bị “không khí” cho những ngày gặt lúa sắp tới. Lễ vật gồm hoa, quả, trầu, cau, rượu cần, các thứ bánh... và vật hiến tế (trâu, heo, gà, vịt...). Ngoài ra, còn chuẩn bị nguyên liệu làm bánh, nấu rượu, làm cây nêu... Đây là nghi lễ mang đậm tín ngưỡng vạn vật hữu linh, là bản sắc văn hóa độc đáo của người Churu.

Trong Lễ hội Mừng lúa mới khi xưa, lễ được làm ở nhà và diễn ra trong vòng một ngày một đêm. Do tính chất và quy mô của lễ hội nên 10 đến 12 năm, dân làng mới tổ chức lễ một lần. Đứng ra tổ chức lễ này là một gia đình đại diện cho cả dòng họ. Các lễ vật chuẩn bị cho lễ gồm 1 con trâu trưởng thành, 2 con gà, 5 nải chuối, 2 ché rượu, 4 quả trứng gà (2 chín, 2 sống), 1 bát gạo, 1 đĩa trầu, 1 bát than và 1 cây nêu dùng để cột trâu.

Mở đầu lễ, già làng xuất hiện tại nơi đặt lễ vật khấn vái, thành kính xin các vị thần cho dân làng tổ chức lễ hội. Sau đó, già làng tiếp tục làm lễ hiến sinh, đánh bài chiêng “Chào mừng quan khách”, tiếp đến là nghi thức đâm trâu; già làng làm thủ tục khai ché rượu cần, rót rượu dâng thần linh, sau đó mời rượu, đeo cườm, còong đồng cho những người phụ việc và cuối cùng là nghi thức cúng dâng vật hiến sinh (cúng chín), khấn mời thần linh về dự lễ.

Trong quá trình tổ chức lễ thức còn có đánh cồng chiêng, chơi kèn và múa arya (số người tham gia phải từ 8 đến 20 người, cả nam và nữ đều có thể múa điệu múa này). Trong toàn bộ tiến trình của lễ thức, thầy cúng là người đóng vai trò chính, người trực tiếp liên hệ với các vị thần linh. Bên cạnh thầy cúng, trong suốt quá trình lễ còn có các già làng, những người đại diện cho toàn thể dân làng cũng ngồi xung quanh mâm cúng và tham gia vào tiến trình buổi lễ. Lễ thức được kết thúc bằng nghi lễ xin âm dương, đôi cánh, đôi chân và cái đầu của con gà được thầy cúng hoặc các già làng người Churu sử dụng để tiến hành nghi lễ này.

Nghệ nhân Ma Lim - người trực tiếp tham gia biểu diễn các điệu múa tại Lễ hội Mừng lúa mới xúc động nói: “Lâu lắm rồi, xã mới có một lễ hội được tái hiện bài bản như thế này, bà con chúng tôi rất vui. Bản thân tôi càng phấn khởi hơn nữa khi được tham gia trực tiếp vào lễ hội, được múa điệu múa arya trước sự chứng kiến của quan khách, được đông đảo bà con dân làng tới xem và cổ vũ và cũng thông qua lễ hội này, chúng tôi cũng mong góp phần giữ gìn truyền thống của người Churu để lớp con cháu tiếp tục phát huy và giữ gìn”.

Còn nghệ nhân ưu tú, già làng Ya Đồng cho biết: “Lễ hội Mừng lúa mới là phong tục tập quán lâu đời của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và người Churu nói riêng. Ngày nay, phong tục này đang ngày càng bị mai một nên khi được chọn tổ chức tái hiện lễ này, chúng tôi mong muốn tuyên truyền, nâng cao ý thức của bà con Nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Theo UBND huyện Đức Trọng, việc tổ chức Lễ hội “Mừng lúa mới” nhằm góp phần quảng bá và thể hiện ý thức giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Churu nói riêng và cộng đồng các dân tộc nói chung. Đồng thời, lễ phục dựng cũng sẽ là cơ sở để thể nghiệm, đúc kết về nội dung, hình thức tổ chức, hoàn thiện mô hình mẫu về lễ hội của người Churu, làm cơ sở cho các xã, thị trấn tổ chức các lễ hội truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

http://baolamdong.vn/