Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mắc-ca

  • 09/05/2023
  • s 14:45

Mắc-ca là cây lâm nghiệp đa mục đích, góp phần nâng cao thu nhập của người dân và bảo vệ môi trường. Các sản phẩm từ mắc-ca được thị trường trong nước và nước ngoài ưa chuộng, qua đó tạo động lực quan trọng thúc đẩy các doanh nghiệp và người nông dân đầu tư sản xuất, kinh doanh để mang lại hiệu quả kinh tế cao...

Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mắc-ca

Đến nay, cả nước có 29 tỉnh trồng mắc-ca, với tổng diện tích khoảng 20.000ha, tập trung chủ yếu tại hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên; diện tích cho thu hoạch khoảng 7.000ha, sản lượng ước đạt gần 9.000 tấn hạt tươi/năm.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm mắc-ca chủ yếu là trong nước và một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mắc-ca trên thế giới ngày càng tăng, dự báo đến năm 2025, thị trường cần khoảng 220 nghìn tấn nhân, tương đương 850.000 tấn hạt tươi.

Dư địa mở rộng thị phần xuất khẩu của mắc-ca tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan, Đức còn lớn.

Theo báo cáo thống kê của các địa phương, năm 2022 tổng sản lượng hạt mắc-ca cả nước ước đạt khoảng 9.000 tấn, trong đó khu vực Tây Bắc ước đạt 1.600 tấn, khu vực Tây Nguyên đạt hơn 6.600 tấn, các tỉnh vùng khác ước đạt 396 tấn.

Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mắc-ca ảnh 1

Quả mắc-ca tươi.

Ngành sản xuất, chế biến mắc-ca ở nước ta thời gian qua đã thu được những kết quả tích cực.

Mắc-ca tăng nhanh về diện tích và sản lượng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường, đặc biệt là địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy vậy, do tình trạng phát triển mắc-ca tự phát ở một số nơi, trồng theo phong trào và không đúng quy trình kỹ thuật; trồng ở nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp, sử dụng những giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trồng giống cây thực sinh, cho nên nhiều diện tích cây sinh trưởng kém, sản lượng quả thấp.

Một hạn chế lớn khác là công tác chế biến mắc-ca tại Việt Nam hiện còn đơn giản, sản phẩm chưa tinh và chất lượng chưa cao; thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng; thiếu sự đồng bộ về cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thu hút sự tham gia của người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển mắc-ca.

Do đó, việc định hướng và giải pháp phát triển bền vững mắc-ca trong thời gian tới là rất cần thiết, nhằm đưa mắc-ca trở thành một trong những cây trồng quan trọng, đa mục đích, nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là địa bàn vùng miền núi, vùng biên giới; đưa nước ta trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm mắc-ca...

Để có nguồn nguyên liệu phục vụ kinh doanh và xuất khẩu, đến nay cả nước đã hình thành các mô hình liên kết sản xuất mắc-ca theo chuỗi giữa các doanh nghiệp với người dân từ khâu trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Công ty cổ phần Tập đoàn Liên Việt, Công ty cổ phần Him Lam hiện đã thành lập các doanh nghiệp phát triển cây mắc-ca, ký hợp đồng với các hộ nông dân từ khâu đào tạo, tập huấn cho nông dân, cung cấp giống bảo đảm chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khâu tiêu thụ sản phẩm hạt cây mắc-ca.

Tại các tỉnh Tây Bắc đã có nhiều mô hình liên kết theo chuỗi là doanh nghiệp cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng; người dân góp đất, bỏ công trồng, chăm sóc, thu hái và sơ chế; doanh nghiệp ký hợp đồng mua lại theo giá thị trường hoặc ăn chia theo tỷ lệ thỏa thuận.

Tại Thanh Hóa, Công ty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam đã chủ động phát triển vùng nguyên liệu với hơn 200ha, đồng thời liên kết với người dân trồng mắc-ca để thu mua hạt phục vụ cho nhà máy chế biến sữa.

Hiện nay, các sản phẩm mắc-ca của các doanh nghiệp đã cung cấp một lượng sản phẩm mắc-ca đa dạng và có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố thông qua các nhà phân phối và gần 3.000 siêu thị lớn nhỏ trên toàn quốc.

Ngoài ra, các sản phẩm của doanh nghiệp đã được xuất khẩu sang một số thị trường như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước khu vực Trung Đông.

Tại tỉnh Lâm Đồng, Hợp tác xã Kinh doanh thương mại dịch vụ chế biến nông sản DiLin đang tham gia sâu vào chuỗi sản xuất-chế biến-kinh doanh các sản phẩm từ hạt mắc-ca.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Phạm Thị Út là doanh nhân còn rất trẻ, một điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của huyện Di Linh.

Chị Út cho biết, sau bốn năm hình thành và phát triển, sản phẩm mắc-ca DiLin đã khẳng định được chất lượng trên thị trường khi có các hợp đồng cung cấp lớn ở khắp các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đà Lạt (Lâm Đồng)...

Cùng với đó, cơ sở cũng được chứng nhận sản phẩm OCOP vào năm 2020. Năng lực sản xuất của hợp tác xã khoảng 60-100 tấn/năm. Dự kiến năm 2023, hợp tác xã sản xuất khoảng 200 tấn với các đơn hàng gia công cho các đơn vị bán lẻ, trên sàn thương mại điện tử và một số hệ thống siêu thị lớn tại Việt Nam; hợp đồng gia công, chế biến để xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc, châu Âu.

Ngoài các sản phẩm sấy tự nhiên, cơ sở cũng đang nghiên cứu các sản phẩm chế biến như bánh gói hạt mắc-ca, bánh quy, thanh dinh dưỡng hạt mắc-ca để cung ứng ra thị trường. Mong muốn lớn nhất của cơ sở là ngành mắc-ca có một diễn đàn cập nhập về giá cả và diễn biến thị trường thế giới để chủ động được sản lượng ký các hợp đồng kinh doanh, xuất khẩu.

Nhằm hướng tới những thị trường khó tính, giàu tiềm năng, tại huyện Krông Năng (Đắk Lắk), cuối năm 2022, Công ty cổ phần Damaca Nguyên Phương đã tổ chức xuất khẩu container mắc-ca chính ngạch đầu tiên sang thị trường Nhật Bản.

Lô hàng gồm hơn 2.200 thùng sản phẩm hạt mắc-ca sấy, tổng trọng lượng hơn 6 tấn do doanh nghiệp ký hợp tác phân phối độc quyền tại thị trường Nhật Bản với đối tác là Công ty Olty Co., Ltd. Thời gian tới, thị trường này sẽ nhập khẩu nhiều hơn và sản phẩm mắc-ca sẽ được bán tại các chuỗi siêu thị lớn, giới thiệu tới các nhà bán lẻ khác trên khắp lãnh thổ Nhật Bản.

Theo Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội mắc-ca Việt Nam, việc đầu tư phát triển cây mắc-ca đã mang lại giá trị kinh tế to lớn cho đồng bào các dân tộc, phù hợp mục tiêu của Nhà nước là đẩy mạnh phát triển kinh tế theo lợi thế từng vùng miền, nhằm xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Hiện nay, ở Tây Bắc, Tây Nguyên, nhiều địa phương đã thu hoạch và bán hạt mắc-ca tươi với giá 150-200 triệu đồng/ha, trong khi người dân trồng ngô, khoai, sắn chỉ thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/ha. Không những thế, cây mắc-ca có thể trồng xen canh với cây chè, cà-phê... vừa không làm giảm chất lượng, năng suất cây trồng mà lại cho giá trị kinh tế rất cao nhờ thu hoạch song song các sản phẩm cây trồng trên cùng một diện tích.

https://nhandan.vn/