Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023

  • 07/07/2023
  • s 14:15

Ngày 6/7, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023; triển khai nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023.

Hội nghị do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp, Phạm S và Nguyễn Ngọc Phúc chủ trì. Tham dự hội nghị còn có Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Phạm Triều; đại diện lãnh đạo các Ban của HĐND, các Ban của Tỉnh ủy và các cơ quan ngành dọc Trung ương, các hội – đoàn thể và các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh.

* TĂNG TRƯỞNG KHÁ VÀ ĐẠT MỘT SỐ KẾT QUẢ TÍCH CỰC

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 do Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bùi Văn Lâm trình bày, cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp trên các các ngành, lĩnh vực ngay từ đầu năm, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn trong thu ngân sách, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đôn đốc tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương; giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, xây dựng, đất đai, khoáng sản, bất động sản... Qua đó, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục tăng trưởng khá và đạt một số kết quả tích cực.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng 5,07%; trong đó, ngành Nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng 5,28%, đóng vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh nhiều khó khăn; sản xuất công nghiệp, xây dựng tuy gặp khó khăn nhưng vẫn tăng trưởng 3,24%; ngành dịch vụ, buôn bán hàng hóa, tiêu dùng tiếp tục sôi động, tăng trưởng 5,58%. Hoạt động du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh, tổ chức nhiều sự kiện nghệ thuật với quy mô, chất lượng đẳng cấp quốc tế, thu hút đông đảo khách du lịch đến Lâm Đồng (tổng lượt khách qua lưu trú tăng 43,5%; khách quốc tế tăng 773,1% so với cùng kỳ).

Giải ngân vốn đầu tư công được các cấp, các ngành và địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt ngay từ đầu năm; tập trung giải quyết công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; tổ chức khởi công một số dự án, công trình trọng điểm của tỉnh (dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn; dự án hồ chứa nước Ta Hoét, huyện Đức Trọng...); thường xuyên kiểm tra, làm việc với các địa phương để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công.

Công tác thu ngân sách nhà nước được các ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm thực hiện, đảm bảo không để hụt các thu ngân sách nhà nước, không điều chỉnh giảm thu ngân sách nhà nước năm 2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm, thu ngân sách ước đạt 50% dự toán địa phương.

Công tác lập đồ án Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đạt nhiều kết quả tích cực; đã được Hội đồng thẩm định Trung ương thông qua và đang hoàn thiện làm cơ sở trình Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt trong quý III năm 2023. Triển khai các quy hoạch chuyên ngành như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp, quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng,...

Thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để kịp thời chỉ đạo các ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng; nhiều chương trình, lễ hội, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao diễn ra sôi động. Thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; quan tâm phát triển nhà ở xã hội, công tác giảm nghèo bền vững. Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh khác; đảm bảo đầy đủ thuốc men, vật tư y tế, sinh phẩm phục vụ công tác khám chữa bệnh. Tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em, phụ nữ được quan tâm.

Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được quan tâm thực hiện tốt; định kỳ hàng tháng, lãnh đạo UBND tỉnh tiếp doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời nắm bắt thông tin, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan.

Tiếp tục thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Sắp xếp, kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt công tác cán bộ, điều động, bổ nhiệm lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.

Quốc phòng, an ninh chính trị được đảm bảo; trật tự xã hội cơ bản ổn định. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư; công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được chú trọng thực hiện hiệu quả.

Các địa phương tổ chức tốt Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, thành phố nhiệm kỳ 2020-2025; qua đó, đã đánh giá đúng, thực chất những kết quả địa phương đạt được, cũng như tồn tại, hạn chế và đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thực hiện từ nay đến hết nhiệm kỳ với quyết tâm hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra...

* CÒN NHIỀU TỒN TẠI, HẠN CHẾ

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 thấp hơn cùng kỳ (đạt 8,29%), thấp hơn kịch bản tăng trưởng đề ra (đạt 6,96%); trong đó, sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp (đạt 3,23%), nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh có sản lượng giảm (như: điện sản xuất giảm 5,9%; alumin giảm 6,7%; sợi len lông cừu giảm 3,2%; bia đóng lon, rau cấp đông giảm gần 2%;...); kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ (giảm 1,2%).

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm (lần lượt giảm 8,9% và 14,1%); số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng (lần lượt tăng 13,4% và 12,9%) so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách nhà nước đạt thấp (50% dự toán địa phương), chưa đạt mục tiêu đề ra (65% dự toán địa phương); đặc biệt thu ngân sách trên lĩnh vực nhà, đất còn khó khăn (35% dự toán địa phương, giảm 25% so với cùng kỳ); công tác rà soát các cơ sở nhà, đất trên địa bàn tỉnh để xây dựng phương án tổ chức đấu giá, đấu thầu còn chậm; tình trạng nợ thuế, thất thu thuế, nhất là trên lĩnh vực khai thác, kinh doanh khoáng sản, vật liệu xây dựng, kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng, ăn uống, giải trí,… chưa được khắc phục triệt để.

Giải ngân vốn đầu tư công tuy được chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm nhưng nhìn chung tiến độ giải ngân còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, nhất là giải ngân vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, chưa thực hiện quyết liệt; năng lực của một số chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công còn yếu, nhiều dự án phải điều chỉnh, bổ sung; có trường hợp nhà thầu thi công cầm chừng, một số dự án, công trình có khối lượng nhưng chậm lập hồ sơ thanh toán, ảnh hưởng tiến độ thi công, giải ngân.

Công tác thu hút đầu tư, nhất là dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chưa có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều dự án chưa thu hút được nhà đầu tư do vướng mắc thủ tục lập quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng,...

Công tác quản lý, bảo vệ rừng tuy đã được chỉ đạo và thực hiện quyết liệt nhưng các vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn còn diễn ra, gây thiệt hại tài nguyên rừng (khối lượng lâm sản thiệt hại tăng 22%). Một số vụ cháy rừng tuy ít gây thiệt hại về rừng nhưng tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan rừng.

Việc trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, phân định ranh giới rừng còn chậm tiến độ so với yêu cầu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, thu ngân sách, triển khai đầu tư công, thu hút đầu tư và gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; chỉ số PCI năm 2022 tuy tăng điểm số nhưng giảm thứ bậc (giảm 2 bậc so với năm 2021); chỉ số PAPI, SIPAS đều giảm điểm số và thứ hạng so với năm 2021 (chỉ số PAPI giảm 2,84 điểm, giảm 31 bậc; chỉ số SIPAS giảm 9,02 điểm, giảm 18 bậc).

Công tác quản lý, điều hành của một số sở, ngành, địa phương có lúc, có nơi còn lúng túng, hiệu quả chưa cao, thiếu chủ động trong việc dự báo tình hình, tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội,… Các địa phương chưa quyết liệt trong công tác lập các loại quy hoạch.

Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng xâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vẫn còn xảy ra những vụ xâm hại trẻ em gây bức xúc dự luận xã hội; xảy ra tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ em...

Tình hình an ninh, trật tự, tai nạn giao thông trên một số địa bàn vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp... Công tác phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, kiểm soát xây dựng... thiếu chủ động, để xảy ra những hậu quả đáng tiếc...

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương kiến nghị tháo gỡ những vấn đề nổi cộm và giải pháp điều hành kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm để khắc phục các vấn đề tồn tại... Lãnh đạo các sở, ngành giải đáp những vướng mắc của các địa phương và đề xuất tháo gỡ...

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp, yêu cầu: Trong 6 tháng cuối năm, các ngành, các địa phương cần khắc phục những tồn tại, hạn chế. Ngoài 6 nhiệm vụ, giải pháp chung và 11 nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm đã được nêu trong báo cáo, các ngành, các địa phương chú trọng công tác thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công; đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh và an toàn xã hội...

http://baolamdong.vn/