VOV.VN - Sau rất nhiều năm cầm cự với giá cà phê từ trung bình đến thấp, năm nay nông dân Tây Nguyên mới lại thấy hy vọng về một mùa vụ tươi sáng, khi xu thế tăng được duy trì suốt từ cuối 2022 tới nay, đưa mức giá cà phê từ khoảng 45.000 đồng/kg lên 68.000 đồng/kg, mức giá tương đối cao.
Cùng với “niềm vui ngắn” từ thị trường, doanh nghiệp và nông dân cà phê ở Tây Nguyên còn chủ động tạo những “niềm vui dài” qua việc không ngừng nâng cao chất lượng, giá trị, vị thế và sức cạnh tranh của hạt cà phê robusta Việt Nam.
Dù trên 90% số hộ đã bán hết cà phê từ khi mặt hàng này còn ở mức giá dưới 50.000đ/1kg, nhưng việc thị trường cà phê cả trong nước và thế giới liên tục có đỉnh giá mới trong tháng 7, và hiện tại đang biến động quanh mức 66.000đ-68.000đ/1kg, vẫn khiến nhiều nông dân ở huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai như sống trong mơ. Bà con cho rằng, cứ đà này, dù thị trường có biến động xuống, thì xác suất lớn là cà phê vẫn giữ được mức trên 50.000đ/1kg, là mức bà con hầu như chưa bao giờ chạm đến.
Ông Lê Quang Điền ở xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, phấn khởi: “Trong xã 10 hộ thì chỉ 3 hộ là có cà phê bán được giá cao, còn 7 hộ đã bán hết trước thời điểm đó để giải quyết nhiều thứ và để tái đầu tư. Cuối năm nay, chỉ cần giá giữ được 50.000 - 55.000 đồng/kg là chúng tôi đã mừng lắm rồi”.
Cà phê Tây Nguyên đang xây hạt, nông dân đầy kỳ vọng vào mức giá của niên vụ 2023-2024 sẽ bắt đầu sau hơn 2 tháng nữa
Theo nông dân Phạm Đình Kiên, nông dân cà phê ở xã Đức Mạnh, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông, mức giá cà phê cao nhất trong lịch sử là niên vụ 1995-1996, dù chỉ ở mức 35.000 - 40.000 đồng/kg. Nhưng tính theo thời giá, tiền bán một tấn cà phê ở giai đoạn đó có thể xây được một căn nhà.
Từ đó đến nay, nông dân vẫn phải luôn cầm cự trong mức giá từ rất thấp đến trung bình và không thể đảm bảo cuộc sống nếu chỉ trông chờ vào cà phê. Thời điềm này năm 2022, giá cà phê cũng có lúc lên đến 53.000 đồng/kg, nhưng nhanh chóng trở lại mức trên 40.000 đồng/kg chỉ một tuần sau đó.
Dù đã bao lần tăng nhanh, giảm chóng, hy vọng rồi thất vọng, nhưng ông Kiên vẫn cho rằng cà phê niên vụ tới có thể ở mức trên 50.000 đồng/kg. Lý do, với mức giá này, trong điều kiện sản xuất thuận lợi của Tây Nguyên, lợi nhuận của nông dân vẫn không nhiều.
Theo các nhà phân tích, hiện tượng giá cà phê Robusta tăng mạnh những tháng gần đây, có lý do từ việc cà phê Indonesia mất mùa; Brazil xiết nguồn cung và suy thoái kinh tế trên toàn thế giới khiến người tiêu dùng tìm đến với cà phê Robusta rẻ tiền hơn nên đẩy giá của loại cà phê này.
Hướng tới chất lượng và giá trị, cà phê đặc sản Việt Nam đã sải những bước đầu tiên (Ảnh: Thí sinh trong Cuộc thi Rang cà phê Việt Nam 2022 tại Buôn Ma Thuột)
Tuy nhiên, TS. Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp Hội cà phê Buôn Ma Thuột cho rằng, cùng với các tính chất của một loại hàng hóa, cà phê còn là một công cụ tài chính, nên giá mặt hàng này ẩn chứa nhiều phức tạp. Câu chuyện nay lên mai xuống và lên xuống đến mức nào, đều không nằm trong phạm vi tác động của các doanh nghiệp và người trồng cà phê Việt Nam.
Giá cà phê vụ tới là rất đáng để hy vọng, nhưng thực tế cho thấy, việc quá tin tưởng vào một mức giá cụ thể nào đó có thể dẫn tới tái diễn tình trạng doanh nghiệp tăng ghim hàng chờ giá, nông dân tăng ký gửi hàng chờ chốt giá. Đây là tình trạng từng diễn ra từ nhiều năm trước và gây nhiều vụ vỡ nợ lớn ở Tây Nguyên, là vết xe đổ cần tránh trong thời gian tới.
TS. Trịnh Đức Minh cho rằng, niềm vui thị trường tăng giá luôn là niềm vui ngắn. Chỉ khi nâng được chất lượng và thương hiệu của cà phê Việt, qua đó nâng cao giá trị, cải thiện giá bán, mới là niềm vui dài.
“Quan trọng là chăm sóc vườn cây tốt, tạo ra cà phê có giá trị cao, ví dụ như làm cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. Và chúng ta gắn với các nhà rang xay, những bên mua bằng những liên kết bền vững. Như vậy,niềm vui mới lâu dài được. Chứ chúng ta không dựa hoàn toàn vào sự lên xuống giá cà phê trên thị trường” - TS. Trịnh Đức Minh nói.
Sản xuất cà phê chất lượng cao, mở rộng liên kết… cũng là con đường mà cà phê Tây Nguyên nói riêng, cà phê Việt Nam nói chung đang thực hiện. Dù còn nhiều vướng mắc, nhưng diện tích cà phê sản xuất theo các chứng nhận quốc tế có liên kết với doanh nghiệp, đã đạt gần 200.000 ha (chiếm khoảng 27% tổng diện tích cả nước); giá cà phê có chứng nhận luôn cao hơn giá thị trường từ 50USD đến 300 USD mỗi tấn.
Cà phê Robusta đặc sản của Việt Nam cũng đã ra mắt thành công bắt đầu được các thị trường đón nhận với những lô xuất khẩu chính ngạch đầu tiên. Niềm vui ngắn tăng giá mạnh từ thị trường có thể là sự cổ vũ kịp lúc để cà phê Việt Nam có thêm động lực nâng cao chất lượng, giá trị và thương hiệu, để những niềm vui dài hơn sẽ đến.