Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Cơ hội phát triển cây dược liệu Lâm Đồng (Bài 2)

  • 07/08/2023
  • s 17:18

Bài 2: Phát triển dược liệu trên nhiều vùng sinh thái

Thống kê toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 375,2 ha diện tích trồng đa dạng các loài cây dược liệu trên nhiều vùng sinh thái khác nhau, trong đó có 302,7 ha trồng thuần, 72,5 ha trồng xen. Ước giá trị sản xuất dược liệu thương phẩm mỗi năm đạt gần 227 tỷ đồng, chiếm 0,6% tỷ trọng sản xuất nông nghiệp. 

 

• LỢI THẾ TRÊN TỪNG ĐỊA HÌNH CAO NGUYÊN

Qua khảo sát của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng, các vùng sinh thái TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương với độ cao trên dưới 1.500 m so với mặt biển, nhiệt độ trung bình 16 - 220C thích hợp phát triển nhiều loại dược liệu atiso, đảng sâm, đương quy, nấm linh chi, bồ công anh… Đặc biệt, thời gian gần đây xuất hiện nhiều mô hình nuôi trồng các loại nấm dược liệu có giá trị kinh tế cao như đông trùng hạ thảo, linh chi... Với vùng có độ cao so với mặt biển từ 800 - 1.000 m, nhiệt độ trung bình từ 18 - 250C, thuộc địa bàn các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông đang sản xuất hiệu quả các loài cây dược liệu đương quy, đinh lăng, trà hoa vàng, cỏ ngọt… Trên địa bàn TP Bảo Lộc, các huyện Bảo Lâm, Di Linh nằm ở độ cao trung bình 500 - 800 m so với mặt nước biển, tiềm năng đất đai màu mỡ, thích hợp phát triển nhiều loại dược liệu như đinh lăng, nghệ đen, gừng, tam thất, diệp hạ châu... Và với độ cao từ 200 - 500 m so với mặt biển, thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nền nhiệt cao quanh năm, nhiệt độ trung bình 22 - 260C, các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên tập trung trồng các loại cây dược liệu có khả năng chịu hạn như bạc hà, diệp hạ châu, sả, nghệ…

Cụ thể toàn tỉnh hiện nay diện tích trồng các loài dược liệu chính như: atiso khoảng 162 ha, năng suất bình quân 50,4 tấn/ha, sản lượng khoảng 8.200 tấn. Cây đương quy trồng với diện tích khoảng 47 ha, năng suất bình quân 27,7 tấn/ha, sản lượng trên 1.100 tấn. Cây đảng sâm khoảng 2,3 ha, sản lượng 25 tấn. Cây diệp hạ châu khoảng 28 ha, năng suất đạt 10,5 tấn/ha. Nấm linh chi là một trong những loại dược liệu cao cấp được nuôi trồng quy mô gia đình với diện tích 3,5 ha, sản lượng 28,8 tấn/năm. Nấm đông trùng hạ thảo nhân nuôi trong môi trường lạnh, khép kín với công nghệ cao, bình quân lợi nhuận 810 triệu đồng/1.000 m2 nhà xưởng/năm. Với sâm Ngọc Linh, một loài cây dược liệu quý có lợi thế cạnh tranh với diện tích khoảng 3.000 m2 đã trồng kinh doanh có kết quả tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Việc nghiên cứu nhân giống vô tính cây sâm Ngọc Linh để cung cấp cây giống và nhân sinh khối rễ sâm bằng hệ thống nuôi cấy bioreactor cũng đã đạt được những thành công ban đầu. Ngoài ra, cây lan gấm đang sinh trưởng rải rác trong rừng già, nơi ẩm ướt, gần khe, suối vách đá ở độ cao từ 1.000 - 1.500 m có tại các vùng sinh thái TP Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Di Linh. Trong thời gian tới, cây lan gấm phát triển theo hướng bảo tồn và khoanh nuôi tập trung các khu vực rừng lá rộng trên địa bàn huyện Lạc Dương và huyện Đam Rông.

• XUẤT KHẨU KHOẢNG 20% SẢN LƯỢNG DƯỢC LIỆU

Đáng kể toàn tỉnh có 59 cơ sở hàng năm thu mua, chế biến khoảng 7.105 tấn nguyên liệu dược liệu, chiếm 73% tổng sản lượng. Trong đó có 5 công ty, 3 hợp tác xã và tổ hợp tác liên kết 294 hộ sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến dược liệu với tổng diện tích gần 165 ha, sản lượng 4.940 tấn/năm, gồm 3 loại dược liệu chính như atiso, đương quy, diệp hạ châu. Kết quả toàn tỉnh đã có hơn 20 sản phẩm chế biến từ các loài dược liệu địa phương, được Bộ Y tế công nhận thực phẩm chức năng.

Ở khâu đầu ra, sản phẩm dược liệu atiso, nấm linh chi, diệp hạ châu toàn tỉnh có khoảng 20% sản lượng xuất khẩu sang Mỹ, Hà Lan, Đức, Pháp, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada... Trong nội tỉnh, nhu cầu chế biến dược liệu tại các cơ sở, đơn vị bệnh viện, trung tâm y tế sử dụng khoảng 50 - 60 tấn dược liệu/năm, trong đó có tới 38 loại dược liệu có thể sử dụng nguồn nguyên liệu của tỉnh. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có khoảng 70 cơ sở y tế khám, chữa bệnh bằng thuốc đông y, sử dụng nguyên liệu từ cây trồng dược liệu; 12 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chức năng từ dược liệu, góp phần đa dạng hóa sản phẩm từ cây trồng dược liệu trên địa bàn.

“Lâm Đồng với mỗi vùng sinh thái tạo nên sự phát triển phong phú, đa dạng các loài dược liệu thế mạnh của tỉnh. Ngoài đất nông nghiệp, Lâm Đồng có diện tích rừng trên 513.000 ha, trong đó có gần 90% diện tích đã được khoán cho các hộ dân quản lý, bảo vệ. Đây là tiềm năng chính để phát triển nhiều loại dược liệu quý hiếm trên đất lâm nghiệp, dưới tán rừng...”, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đánh giá.     

(CÒN NỮA)

 

VĂN VIỆT