Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Lạc Dương: Đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực

  • 15/08/2023
  • s 11:04

Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, huyện Lạc Dương đã đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc trưng. Qua đó, nâng cao giá trị ngành Nông nghiệp cũng như mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân.

 

Đi vào hoạt động hơn 5 năm qua, Tổ hợp tác rau sạch Hiếu Linh đã liên kết với 10 hộ nông dân trên địa bàn huyện Lạc Dương trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bà Lê Thị Thu Hậu - quản lý Công ty TNHH Nông sản Tổ hợp tác Hiếu Linh cho hay, với diện tích liên kết sản xuất gần 20 ha, các hộ nông dân tự canh tác trên đất của mình và được công ty cung cấp cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc… Toàn bộ quy trình sản xuất được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, đến khi thu hoạch công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm, qua đó giúp nông dân tiêu thụ nông sản ổn định. 

Đó là một trong những chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản đang phát huy hiệu quả trên địa bàn huyện Lạc Dương. Có khí hậu, đất đai thích hợp với nhiều loại cây trồng đạt giá trị kinh tế cao như: rau, hoa cao cấp, atiso, đẳng sâm, dâu tây, cà phê Arabica… đến nay, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện ước đạt trên 11.800 ha cây các loại. Trong đó, diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ước đạt 3.100 ha, diện tích sản xuất trong nhà kính và áp dụng công nghệ tưới tự động, bán tự động, VietGAP, Global GAP, rau thủy canh… ước đạt 1.500 ha. Giá trị sản xuất bình quân năm 2022 đạt 329 triệu đồng/ha/năm, đặc biệt giá trị sản xuất từ rau ứng dụng công nghệ cao đạt 1 - 1,2 tỷ đồng/ha, hoa đạt từ 1,5 - 1,8 tỷ đồng/ha. 

Xác định sản xuất nông nghiệp có giá trị lớn trong cơ cấu kinh tế của địa phương, thời gian qua, huyện Lạc Dương đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao chất lượng, năng suất các loại cây trồng chủ lực, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Từ đó, toàn huyện dần hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Nếu như năm 2020, huyện Lạc Dương mới xây dựng được 5 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản thì đến nay đã phát triển được 12 chuỗi với 270 hộ dân tham gia. Trong đó, 9 chuỗi liên kết hình thành có sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước và 3 chuỗi không thông qua sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. 

Theo ông Hoàng Xuân Hải - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương, thông qua các mô hình liên kết đã mang lại lợi ích thiết thực cho bà con nông dân như: chi phí sản xuất đầu vào giảm so với bên ngoài, người nông dân chủ động hơn trong khâu canh tác, sản xuất đồng loạt, dễ kiểm soát dịch bệnh, hạn chế sự bấp bênh của giá bán các sản phẩm nông sản sau thu hoạch. Bên cạnh đó, chuỗi giá trị nông nghiệp còn làm thay đổi cách thức phát triển nền nông nghiệp theo hướng có kế hoạch, tập hợp nhiều nông dân có quy mô sản xuất nhỏ thành quy mô lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần hình thành những vùng nguyên liệu ổn định, quy mô sản lượng cao, chất lượng sản phẩm đồng đều… 

Việc xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực được gắn với xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đến nay, huyện Lạc Dương đã có 44 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Địa phương cũng đã xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP, hiện toàn bộ các sản phẩm OCOP của huyện đều được trưng bày tại Trung tâm. Đồng thời, phối hợp với Viettel Post cung cấp danh sách các đơn vị có sản phẩm OCOP để giới thiệu và bán trên sàn thương mại điện tử. Các chủ thể của sản phẩm OCOP vẫn đang tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm, tập trung vào sản xuất khai thác, phát triển sản phẩm ngày càng hoàn thiện, góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó nâng cao thu nhập cho người dân. 

Bên cạnh đó, huyện Lạc Dương đã thành lập Câu lạc bộ OCOP nhằm tạo môi trường để các thành viên trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, cách làm hay trong sản xuất, kinh doanh. Qua đó liên kết, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm từng bước nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP cũng như sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương. 

Việc phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản gắn với xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương đang được huyện Lạc Dương quan tâm thực hiện giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đồng thời, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo vùng nguyên liệu và ổn định đầu ra cho sản phẩm. Từ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp đã tạo ra bước đột phá quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. 

http://baolamdong.vn/

 

 

VIỆT HÙNG