Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Phát triển nông nghiệp theo hướng thông minh ở Đơn Dương

  • 25/08/2023
  • s 10:24

Triển khai thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh từ năm 2019 đến nay, huyện Đơn Dương đã đạt những kết quả đáng kể thông qua giải pháp phù hợp từng vùng sản xuất trên địa bàn. 

• ĐA DẠNG GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ CAO

Theo đó, huyện Đơn Dương xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nâng cao thu nhập trên địa bàn. Đi vào thực hiện từng nhiệm vụ và mục tiêu đề ra, huyện Đơn Dương hướng dẫn nông dân ứng dụng đồng bộ quy trình canh tác cải tạo đất, luân canh, chuyển đổi cây trồng, phòng, chống dịch hại và kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn chất lượng an toàn sản phẩm thu hoạch. Ngoài công nghệ nhà lưới, nhà kính, tưới tự động, huyện Đơn Dương tập trung phát triển các giải pháp canh tác trên giá thể, thủy canh, internet kết nối vạn vật, hữu cơ tuần hoàn, sử dụng thuốc sinh học, nuôi thả thiên địch để phòng trừ sâu bệnh gây hại cây trồng… Quy mô phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh trong giai đoạn hơn 4 năm qua, huyện Đơn Dương đã nhân rộng diện tích từ các vùng nông nghiệp trọng điểm đến tất cả vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. 

Tính đến ngày 30/6/2023, toàn huyện Đơn Dương đã được cấp 330 Giấy chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích hơn 608 ha. 

Ngành Nông nghiệp huyện còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên trách lập thủ tục cấp Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đối với 13 cơ sở sản xuất 92 ha rau các loại. Hội đồng OCOP cấp tỉnh và cấp huyện cũng đã xếp hạng 11 sản phẩm OCOP 4 sao và 7 sản phẩm OCOP 3 sao. Đáng kể, UBND tỉnh đã công nhận 2 vùng sản xuất rau công nghệ cao với gần 285 ha thuộc 2 xã Lạc Xuân, Lạc Lâm; 1 vùng chăn nuôi công nghệ cao hơn 13.850 con bò sữa, tổng diện tích tự nhiên gần 10.640 ha thuộc địa bàn 2 xã Đạ Ròn và Tu Tra. Toàn huyện Đơn Dương hiện đang phát triển hoạt động 36 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả, dược liệu… do doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác chủ trì, đạt tỷ lệ hơn 30% sản lượng hàng năm. 70% sản lượng còn lại, người nông dân chủ động liên kết tiêu thụ với các thương nhân đầu mối thu mua, cung ứng cho thị trường trong nước… Riêng sản lượng sữa bò tươi phần lớn được các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu thụ theo hợp đồng ổn định hàng năm; đồng thời, người chăn nuôi được thường xuyên tư vấn, chuyển giao công nghệ, cung ứng thức ăn chăn nuôi chất lượng cao…

“Sản phẩm chủ lực rau, hoa, chăn nuôi bò sữa của huyện Đơn Dương được sản xuất tại các vùng tập trung diện tích đạt tiêu chuẩn vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, hiệu quả kinh tế nông nghiệp của huyện Đơn Dương đảm bảo thân thiện với môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và tác động của thị trường, hướng đến phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững…”, theo đánh giá của ngành Nông nghiệp huyện Đơn Dương. 

Tính đến ngày 30/6/2023, toàn huyện Đơn Dương đã được cấp 330 Giấy chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích hơn 608 ha.

• THU NHẬP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI 100 TRIỆU ĐỒNG/NĂM

Kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh đến ngày 30/6/2023, huyện Đơn Dương đã đạt các mục tiêu đề ra. Cụ thể gồm 6 xã Lạc Lâm, Ka Đô, Quảng Lập, Lạc Xuân, Đạ Ròn và Tu Tra công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó, 3 xã Lạc Lâm, Ka Đô và Quảng Lập đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Sản xuất rau, hoa công nghệ chiếm tỷ lệ 95% tổng diện tích canh tác. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 220 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người 72 triệu đồng/năm. Mỗi xã đều có 1 HTX trở lên ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Toàn huyện có 10 doanh nghiệp tiêu biểu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh…

Giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh đến năm 2025, huyện Đơn Dương huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó tập trung các công trình trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành công trình thủy lợi Ka Zam. 

Đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thông qua xây dựng, chuyển giao và nhân rộng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, phát triển thương hiệu nông sản; xây dựng mỗi xã nông thôn mới kiểu mẫu có ít nhất 2 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên.

Mục tiêu đến năm 2025, huyện Đơn Dương đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia huyện nông thôn mới nâng cao, được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, thu nhập bình quân đầu người 100 triệu đồng/năm. 

http://baolamdong.vn/

VĂN VIỆT